Ai sẽ là 'đầu tầu' trong số hóa truyền hình Việt Nam?

Kinh tếChủ Nhật, 31/03/2013 06:14:00 +07:00

(VTC News) - Với kinh nghiệm cũng như nền tảng công nghệ tốt nhất, VTC hiện là đơn vị đi đầu trong quá trình số hóa truyền hình từ nay đến 2020.

(VTC News) - Với kinh nghiệm cũng như nền tảng công nghệ tốt nhất, VTC hiện là đơn vị đi đầu trong quá trình số hóa truyền hình từ nay đến 2020.

Nền tảng vững chắc cho số hóa truyền hình

Theo Đề án "Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có 3 đơn vị được xem là đi đầu gồm có VTC, VTV và AVG. Trong đó, nổi bật nhất là Đài truyền hình kỹ thuật số VTC nhờ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực số hóa truyền hình cũng như nền tảng công nghệ có phần vượt trội hơn so với các đài truyền hình còn lại.

VTC dẫn đầu về nền tảng kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực số hóa truyền hình 
Trong số những đài truyền hình hiện nay tại Việt Nam, VTC được đánh giá là đơn vị đi tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ bằng các nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ và cung cấp các thiết bị sản xuất chương trình truyền hình kỹ thuật số hiện đại, góp phần tăng cường năng lực sản xuất để tăng thời lượng, chất lượng phát sóng truyền hình trên toàn quốc.

Vào những năm 90 của Thế kỷ 20, công nghệ số đã phát triển nhanh trên thế giới và bước đầu được ứng dụng vào Việt Nam ở một số lĩnh vực mũi nhọn như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Ngành phát thanh truyền hình Việt Nam bắt đầu được đầu tư phát triển nhưng vẫn sử dụng công nghệ analog.

Những năm 1993-1994, VTC sớm nhận thấy công nghệ kỹ thuật số sẽ thay thế công nghệ analog và xu hướng hội tụ của 3 ngành: phát thanh- truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin là sự phát triển tất yếu trong tương lai. Đó là lý do VTC tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng số hóa công nghệ phát thanh, truyền hình để hiện đại hóa sự nghiệp thông tin truyền thông.

Trong những năm vừa qua, VTC đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển vượt bậc của ngành truyền hình Việt Nam. Đây là đài truyền hình đầu tiên phát sóng tín hiệu truyền hình kỹ thuật số mặt đất với 4 kênh truyền hình vào ngày 19/12/2000. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển truyền hình số tại Việt Nam.
Với sự đầu tư và phát triển của VTC, đầu năm 2001, Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ các nước triển khai truyền hình kỹ thuật số mặt đất với 16 kênh truyền hình được phát sóng tại Hà Nội theo công nghệ DVB-T, chỉ chậm hơn nước đầu tiên triển khai công nghệ truyền hình số là nước Anh 03 năm.

Hiện nay, VTC là đơn vị đi đầu và đã phát triển được một hạ tầng phát thanh, truyền hình khép kín bằng công nghệ số bao gồm từ khâu sản xuất chương trình truyền hình, đến truyền dẫn phát sóng và chế tạo thiết bị nghe nhìn.

Hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của VTC sử dụng đa phương tiện truyền dẫn tín hiệu phát thanh, truyền hình trên nhiều hạ tầng bao gồm: phát sóng mặt đất, phát sóng qua vệ tinh Vinasat-1, truyền hình IPTV, mạng truyền hình cáp toàn quốc, trực tuyến trên mạng internet toàn cầu.

Về hạ tầng truyền dẫn, phát sóng bằng kỹ thuật số của VTC hiện là hạ tầng có quy mô và tiên tiến hàng đầu Việt Nam.

Trong đó, hệ thống truyền dẫn, phát sóng mặt đất với diện phủ sóng có khả năng phục vụ trên 80% dân số Việt Nam, gồm 47 trạm phát sóng truyền hình số mặt đất trên toàn quốc trong đó có 04 trung tâm vùng trọng điểm là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ; 36 trạm cấp tỉnh và 11 trạm cấp huyện phát theo công nghệ DVB-T trên 2 kênh tần số.

Hệ thống truyền dẫn, phát sóng qua vệ tinh Vinasat-1 có vùng phủ sóng bao trùm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Hệ thống phát thanh, truyền hình trên internet có khả năng đưa các chương trình phát thanh - truyền hình; thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ; văn hóa Việt đến với người Việt Nam, bạn bè ở khắp năm châu.

Duy trì vị thế số 1 trong truyền hình số

Nhằm hoàn thiện việc số hóa truyền hình theo đúng lộ trình của Chính phủ cũng như giữ vững về vị trí dẫn đầu trong truyền hình số, VTC đã triển khai nhiều kế hoạch đẩy nhanh quá trình số hóa.

Theo đó, từ nay đến 2015, VTC sẽ có đủ 3 tần số phát sóng, sẵn sàng cho việc chấm dứt hẳn phát sóng analog tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình Chính phủ yêu cầu. VTC cũng lên kế hoạch phối hợp và hỗ trợ các đài địa phương trong quá trình chuyển đổi sang số hóa.

Trong tương lai, VTC sẽ tiếp tục thiết lập hệ thống mạng toàn quốc và các mạng khu vực để, tiến hành thực hiện số hóa truyền hình trên cả nước.

Cùng với quá trình số hóa, VTC cũng đưa thêm nhiều dịch vụ truyền hình cao cấp vào hoạt động 
Với truyền hình vệ tinh VTC đã chuyển đổi toàn bộ các dịch vụ sang vệ tinh Vinasat-1. Hiện VTC đang có 72 kênh chương trình (60 kênh chương trình SD và 12 kênh chương trình HD). Trong thời gian tới VTC sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và dần tăng số lượng các kênh HD để phục vụ khán giả.

Bên cạnh đó truyền hình cáp số, IPTV… cũng là một bài toán mà VTC sẽ chú trọng đầu tư trong thời gian sắp tới để tạo những bước đột phá, mở rộng trên thị trường.

Việc số hóa không chỉ mang lại lợi ích về mặt truyền hình cho VTC, mà còn góp phần thúc đẩy các lĩnh vực khác mà VTC đang triển khai như: nội dung số, thanh toán điện tử, thương mại điện tử phát triển và trở nên sôi động hơn.

Trong thời gian tới VTC sẽ tạo ra những hạ tầng về phát sóng truyền dẫn, qua đó với cùng một nội dung có thể xem trên nhiều loại hình thiết bị khác nhau, tạo ra những ứng dụng tiện ích cho người sử dụng, đồng thời thúc đẩy tất cả các lĩnh vực, dịch vụ VTC đang triển khai cùng phát triển.

Lê Bảo

Bình luận
vtcnews.vn