Ai là thần đồng bóng đá Việt Nam?

Thể thaoThứ Hai, 15/02/2010 09:25:00 +07:00

Để thành công trong bóng đá, ngoài tố chất bẩm sinh cần có sự khổ luyện, không ai “bỗng nhiên” trở thành một cầu thủ giỏi.

Suốt 10 năm qua những người yêu bóng đá thỉnh thoảng vẫn đặt ra câu hỏi này khi nhìn vào V-League và đội tuyển bóng đá Việt Nam tại các đấu trường quốc tế. Để thành công trong bóng đá, ngoài tố chất bẩm sinh cần có sự khổ luyện, không ai “bỗng nhiên” trở thành một cầu thủ giỏi.

Trong giấc mơ lớn vươn lên tầm châu lục, thậm chí thế giới, của bóng đá Việt Nam vẫn còn có giấc mơ nhẹ hơn, có được những cầu thủ gọi là thần đồng - người mang ngọn lửa hy vọng cho tất cả.

1. Trong một câu chuyện gần đây, khi nói về những em bé có năng khiếu đặc biệt, tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng, cơ quan chuyên thẩm định những hiện tượng lạ - có đưa ra định nghĩa về trẻ được coi là thần đồng khi hội tụ đủ 3 yếu tố: 1) Có những khả năng đặc biệt hơn hẳn về một lĩnh vực nào đó so với trẻ khác cùng tuổi, cùng môi trường sống; 2) Có điểm chung là khả năng ghi nhớ nhanh và lâu, có linh giác nhạy bén; 3) Khả năng này phải được duy trì và ổn định từ lúc bộc lộ tới khi trưởng thành.

Với bóng đá, không phải quá khó để tìm ra những trẻ có khả năng chơi bóng đặc biệt từ khi còn bé nhưng duy trì và bộc lộ tới khi trưởng thành thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Ông Nguyễn Hoàng Thụ - cựu Giám đốc Sở TDTT Nghệ An đã từng bảo vệ luận án tiến sỹ thành công với đề tài phát triển khả năng chơi bóng cho trẻ học mẫu giáo có lần đã tâm sự rằng: “Tôi hy vọng khi đi vào đời sống, đề tài của tôi sẽ tìm ra những thần đồng thực sự”.

Đó chỉ là một vấn đề. Bóng đá Việt Nam 10 năm trở lại đây đã từng có một thế hệ gọi là thần đồng: Lứa cầu thủ U16 Việt Nam đoạt hạng tư châu Á tại vòng chung kết U16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng năm 2000. Những Văn Quyến, Anh Cường, Như Thuật, Lâm Tấn, Đức Anh đã được ca ngợi như những thần đồng của bóng đá Việt Nam sau giải đấu đó.

Đặc biệt là Văn Quyến. Khả năng chơi bóng vượt lên trên lứa tuổi của Văn Quyến đã được ca ngợi. Song điều đáng tiếc nhất là cho tới giờ, sau 10 năm nhìn lại, lứa cầu thủ U16 ấy đã gần như không giữ lại được bất kỳ cầu thủ nào.

Trong thành công của đội tuyển Việt Nam năm 2008 với chiếc Cúp AFF, chỉ còn một gương mặt từ đội U16 năm đó - cầu thủ Nguyễn Minh Đức. Nhưng cũng đáng tiếc là Minh Đức đã khai lại tuổi cho đúng với năm sinh là 1982 chứ không phải 1984, nghĩa là Minh Đức đã... 18 tuổi khi dự giải U16 châu Á!

Ba yếu tố của tiến sỹ Vũ Thế Khanh, hai yếu tố đầu thuộc về tố chất bẩm sinh, yếu tố thứ 3 phụ thuộc bởi môi trường đào tạo và ý thức phát triển của mỗi cá nhân.

Bóng đá Việt Nam không thiếu những cầu thủ có tố chất bẩm sinh, vượt trội nhưng lại không được đặt trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Trong khi đó, bản thân các cầu thủ cũng thiếu ý thức, sự nỗ lực khi trưởng thành. Văn Quyến vẫn là điển hình khi từ một cầu thủ được cho là “thần đồng” đã dính vào tiêu cực, lãng phí mấy năm bị treo giò và có lẽ anh sẽ không bao giờ trở thành một tên tuổi lớn thực sự.

Một trường hợp khác là Mai Tiến Thành - người đoạt giải nhất cuộc thi kỹ thuật đá bóng cách đây 8 - 9 năm và được mời đi Leeds năm 2002. Song từ một Tiến Thành được thừa nhận về tố chất bẩm sinh tới việc trở thành một tượng đài bóng đá Việt Nam thì lại là cả một câu chuyện dài.


Văn Quyến từng được xem là thần đồng của bóng đá Việt Nam

2. Thần đồng phải có tuyệt chiêu. Khi đã được coi là một thần đồng của bóng đá, chắc chắn phải có những tuyệt chiêu để nhớ, để được khen ngợi. Trong công tác đào tạo thì việc tìm ra, xây dựng và phát huy những tuyệt chiêu của cầu thủ luôn khiếc các HLV ở các đội trẻ đau đầu. Tại sao những Pele, Maradona hay gần đây là Messi lại có thể vượt qua rào cản là những hạn chế về thể hình để trở thành những huyền thoại bóng đá?

Đem câu chuyện này bàn với một cựu danh thủ bóng đá, ông Điệp “lùn” thì nghe ông nói: “Thời chúng tôi, danh tiếng có được không chỉ đơn thuần là những danh hiệu có được. Cho đến giờ nhiều người trong chúng tôi từ giã bóng đá mấy chục năm nhưng vẫn có người nhớ, chỉ vì khi chơi bóng, mỗi người đều có những “tuyệt chiêu” của riêng mình. Đó mới là điều làm nên vẻ đẹp của bóng đá”.

Đúng như cái tên, ông Điệp chỉ cao chưa đến 1m60 nhưng nổi tiếng là có kỹ thuật điêu luyện, có nhãn quan chiến thuật tốt, xử lý thông minh, độ lỳ và chơi rất bền bỉ. Thế nhưng danh Điệp “lùn” gắn với tuyệt chiêu “cài bóng”. Ông Mai Đức Chung có lần thừa nhận rằng: “Ông Điệp khi còn chơi bóng, dù thấp nhỏ song cài bóng thì không ai bằng, hậu vệ nào kèm ông Điệp cũng phát ngán. Khi nhận bóng, ông Điệp bao giờ cũng làm động tác “cài” trước cho đối thủ “quê” đã rồi mới thực hiện động tác khác, lần nào cũng như lần nào mà không ai bắt bài được”.

Những thế hệ cầu thủ lão tướng, khi kể ra, dường như ai cũng có tuyệt chiêu nào đó. Đồng đội của ông Điệp ở CAHN khi xưa, lão tướng Từ Như Hiển (Hiển coóc) biệt tài vừa chạy vừa sút bóng cực chuẩn xác. Hay đồng đội của ông Mai Đức Chung là danh thủ Lê Khắc Chính luôn làm khán giả phải ồ lên thích thú với những cú xoạc bóng “cắt kéo” mạnh mẽ mà tinh tế.

Nói đến những tuyệt chiêu làm mê đắm người xem, nhiều người vẫn còn xuýt xoa về lão tướng Thế Anh, tức Ba Đẻn. Cựu cầu thủ Thể Công từng được xem như một mẫu mực về lối chơi tấn công biên, Ba Đẻn có các động tác cực kỳ điệu nghệ: Cú gắp bóng qua đầu, cú xỏ lỗ hay tâng bóng hai chân vừa chạy vừa sút. Đặc biệt, Ba Đẻn còn có ngón đi bóng ào ạt tới sát biên ngang rồi đột ngột dừng lại khiến đối thủ “trôi” ra phía sau rồi tiếp tục đi bóng ghi bàn. Cũng cái kiểu làm cho đối phương phải cúi đầu tủi hổ như thế có ông Lê Thụy Hải - cầu thủ vẫn được cho là tiền vệ tấn công xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Người ta kể rằng ông Hải có tài đi bóng lắt léo khéo đến mức nhiều lần lừa bóng qua cả hậu vệ lẫn thủ môn đối phương nhưng... không thèm ghi bàn. Chờ cho thủ môn chạy lại đúng vị trí để... lừa thêm một lần nữa mới ung dung đưa bóng vào lưới.

Xa hơn, danh thủ Trương Tấn Bửu cũng được coi là kỳ tài với những tuyệt chiêu, điển hình là cú “chặt” bóng độc đáo, chân “chặt” vào bóng rất mạnh, lúc đầu bóng đi nhanh, đến đoạn cuối bóng xoáy ngược lại rất dễ cho người nhận hoặc sút ngay. Sau này có một cầu thủ cũng có những cú “chặt bóng” mang dáng dấp của danh thủ Trương Tấn Bửu khi xưa, đó là Nguyễn Mạnh Dũng - con trai tuyển thủ Nguyễn Trọng Giáp. Được coi là một trong số các cầu thủ chuyền bóng xa tốt nhất Việt Nam sau năm 2000, “chuẩn xác đến từng centimet” nhưng Dũng đã tự bỏ cơ hội đến với đội tuyển bằng tính cách không giống ai của mình.

3. Thần đồng ở đâu? Nếu với góc nhìn như trên, có thể thấy đội tuyển Việt Nam hiện nay quá hiếm những cầu thủ được cho “từng là thần đồng” và có những tuyệt chiêu trong bóng đá.

Công Vinh cũng từng là một trong những cầu thủ được gọi lên đội tuyển từ rất sớm, năm anh 19 tuổi và lập tức đoạt Quả bóng vàng năm 2004. Nhưng nói Vinh từng là “thần đồng” thì không thể. Nhiều danh thủ Việt Nam nói rằng Công Vinh dù là một tiền đạo hay, có kỹ thuật nhưng anh lại quá “tròn”, nghĩa là không có gì thật sự nổi bật, khác người. Thậm chí nhiều người hâm mộ phát hiện ra rằng khả năng tâng bóng cơ bản của Công Vinh là rất kém, còn kém hơn cả những cầu thủ trẻ mới vào nghề. Bây giờ hỏi tuyệt chiêu của Công Vinh là gì? Nhiều người không trả lời được. Lắt léo thì Vinh không bằng Hồng Sơn, Văn Quyến, mạnh mẽ thì Vinh chưa qua được Huỳnh Đức, đá phạt vẫn kém Minh Hiếu, Minh Phương. Vinh là mẫu tiền đạo tròn trịa và dường như chẳng có tuyệt chiêu nào của riêng mình, cho dù, đã có lúc anh cố gắng tập từ tư thế đứng đến cách sút phạt cho giống C.Ronaldo của Real Madrid.

Điều khá hài hước là hai cầu thủ dưới thời Calisto hiện nay được cho là kỹ thuật tốt nhất, đi bóng lắt léo nhất là Tấn Tài và Thành Lương lại mang dấu tích của sân bóng phủi chứ không phải do quá trình đào tạo cơ bản.

10 năm như một vòng tròn mở. Chúng ta đã có những cầu thủ có “tố chất thần đồng” nhưng không thể phát triển được với nhiều lý do. Đó là sự lãng phí ghê gớm. Một thập kỷ mới, chuyện này không thể lặp lại. Chúng ta đã có những cầu thủ trẻ xuất sắc lọt vào vòng chung kết U16 và U19 châu Á tổ chức năm 2010. Có ai trong đó sẽ trưởng thành, trở thành những tượng đài mới, với những tuyệt chiêu làm rạng danh bóng đá Việt.

Câu hỏi ấy phải phải chờ chính sự nỗ lực của các cầu thủ và quan trọng hơn là một hệ thống đào tạo quy củ, chuyên nghiệp.

Có nên hy vọng với những lò đào tạo của HAGL-Arsenal, trung tâm đào tạo trẻ của VFF và sự hợp tác xuyên quốc gia của chính những CLB…

Theo TT&VH

Bình luận
vtcnews.vn