Ai giám sát việc kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội?

Thời sựThứ Năm, 17/03/2016 07:50:00 +07:00

Các ý kiến đại biểu băn khoăn về việc chưa có cơ chế giám sát tài sản của những người ửng cử đại biểu Quốc hội.

(VTC News) – Các ý kiến đại biểu băn khoăn về việc chưa có cơ chế giám sát tài sản của những người ửng cử đại biểu Quốc hội.

Sáng 17/3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức đơn vị ở Trung ương.
Ông Phạm Xuân Hằng (Ảnh: Hoàng Long)
Ông Phạm Xuân Hằng (Ảnh: Hoàng Long) 

Góp ý tại buổi hiệp thương lần thứ hai, ông Phạm Xuân Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội chưa đáng tin cậy.

"Tôi nói chưa đáng tin cậy vì ở phần kê khai tài sản, có ai giám sát, ai xác nhận đâu mà biết ông khai nhiều, khai ít, khai hết số tài sản hiện có hay chưa khai hết. Không ai dám khẳng định phần kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội trong hồ sơ là chính xác" ông Hằng nói.

Ông Hằng cho rằng thực tế vẫn có trường hợp kê khai tài sản không đúng nên phải có cơ chế giám sát vấn đế này.

“Ở các nước họ rất quan tâm đến vấn đề kê khai tài sản của người ứng cử", ông Hằng nói.

Cũng có cùng ý kiến này, ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng việc người ứng cử kê khai tài sản nhưng không có cơ quan nào xác nhận, xác minh đã tạo kẽ hở để xảy ra việc không trung thực.

"Phần kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội tôi thấy chưa thật yên tâm, cần xem xét làm sao cho chu đáo hơn, thật sự dân chủ, minh bạch người dân mới tin tưởng", ông Lù Văn Que nói.

Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng, kê khai tài sản theo quy định là tự giác kê khai, chưa có xác minh.

Qua rà soát, nếu thấy có vấn đề bất thường hoặc có đơn khiếu nại tố cáo sẽ xác minh, nhưng hiện nay chưa phát hiện.

Cũng trong thời gian này, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, chưa nhận được trường hợp nào phản ánh các vấn đề hoặc vụ việc liên quan đối với người ứng cử cần phải xác minh.

Về cơ cấu dân tộc thiểu số, bà Nguyễn Thị Nương cho biết việc dự kiến giới thiệu 37 người là cố gắng rất lớn, vì một số dân tộc như Brau, Chứt không có nguồn nhân sự.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nương, cần giữ tỉ lệ ĐBQH chuyên trách tái cử khoảng 60% để bảo đảm có sự kế thừa.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn