Ai đã cấp phép cho dự án đang lấn át không gian Lăng Bác?

Kinh tếThứ Ba, 29/09/2015 05:05:00 +07:00

Du an Kinh Do Tower 8B Le Truc - Được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép cho có độ cao hơn 50m, diện tích xây dựng Dự án 8B Lê Trực gần 1.800m2.

(VTC News) - Dự án 8B Lê Trực được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép cho có độ cao hơn 50m, diện tích xây dựng gần 1.800m2.

Khu đất vàng 8B Lê Trực ban đầu là của đơn vị thương binh Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, khu đất này được về tay Công ty May Chiến Thắng. Trước khi xây dựng tòa nhà cao tầng, khu đất này được giao cho Công ty cổ phần may Lê Trực.
Ai đã cấp phép cho dự án 8B Lê Trực?
Ai đã cấp phép cho dự án Kinh Đô Tower ở 8B Lê Trực?
Trước yêu cầu của Hà Nội về việc các nhà máy trong nội đô phải di dời trước năm 2015, Lãnh đạo công ty May Lê Trực đã thực hiện việc di dời nhà máy nhưng bị các công nhân biểu tình, khiếu kiện.

Trước tình trạng khiếu kiện kéo dài, năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kí quyết định đồng ý với đề nghị của thành phố Hà Nội và Công ty CP May Lê Trực về việc xin chấp thuận quy hoạch kiến trúc dự án trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở (Kinh Đô Tower) để bán và cho thuê tại dự án Kinh Đô Tower ở 8B Lê Trực, Ba Đình (Hà Nội).

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng; chỉ đạo việc làm các thủ tục cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến năm 2009 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát và dừng các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành, các cơ quan chức năng Hà Nội đã có thống kê trong đó có dự án này.

Theo đó tại Công văn số 499/QHKT ngày 16/3/2009 của Sở Quy hoạch-Kiến trúc về việc chấp thuận chiều cao công trình là 17 tầng, với mật độ xây dựng là 64%.

Vào thời điểm đấy, theo chỉ đạo đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được cấp giấy phép xây dựng trước ngày 9/12/2009 được tiếp tục triển khai. Đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009, Chủ tịch thành phố Hà Nội “phải xem xét kỹ, quyết định theo thẩm quyền”.

Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng số 11 cho dự án Kinh Đô Tower ở 8B Lê Trực. Tại giấy phép này do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn ký đã cấp cho dự án số 8B Lê Trực gồm 3 công trình. Trong đó công trình thứ nhất là Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê với diện tích 1.783m2 với 18 tầng nổi (bao gồm tầng kỹ thuật và tum thang) và 4 tầng hầm; chiều cao công trình là 53m; hai công trình còn lại là 7 lô nhà vườn.

Tại giấy phép xây dựng này cũng nêu rõ chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng thực hiện bản vẽ phương án tổng thể mặt bằng đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận theo văn bản ngày 24/10/2013.

Như vậy, căn cứ theo giấy phép xây dựng ông Tuấn ký ngày 24/3/2014, Công ty cổ phần may Lê Trực được phép xây dựng trên lô đất này 3 công trình, gồm 1 trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán hoặc cho thuê và 2 nhà vườn.

Giấy phép xây dựng cho thấy trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở có chiều cao hơn 50m, diện tích xây dựng gần 1.800m2. Dự án có tên là Discovery Complex II, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Kinh Đô.

Tuy nhiên, nếu chiểu theo đúng quy hoạch TP Hà Nội đã được phê duyệt, các công trình xây dựng xung quanh khu vực Lăng Bác thì chiều cao công trình tối đa là 11 tầng. Thế nhưng, dự án này vẫn ngang nhiên xây dựng trái phép vượt thêm 6 tầng mà không bị xử lý.

Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, hiện dự án này có 19 tầng, trong khi giấy phép xây dựng cấp cho dự án là 18 tầng. Diện tích tầng vượt này là khoảng 1.800 m2.

Theo tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Sở Xây dựng Hà Nội là nơi cấp phép xây dựng và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội là nơi thỏa thuận quy hoạch, nhưng cần làm rõ xem ai là người ký phép và trách nhiệm của người ký phép này cho dự án Kinh Đô Tower ở 8B Lê Trực như thế nào?

"Các cơ quan chức năng cần đối chiếu quy hoạch và nếu chiều cao quanh khu vực Lăng cho phép bao nhiêu thì phải tiến hành xử lý, tháo dỡ công trình tòa nhà này đảm bảo đúng. Nếu tối đa cho phép được bao nhiêu thì phải tháo dỡ xuống như vậy, dứt khoát phải làm, còn thiệt hại đối với doanh nghiệp thì cơ quan nào cấp phép phải tiến hành đền bù, bởi, ở đây, người ta cũng xin phép, làm đầy đủ thủ tục. Nếu sai thì là ở người cho phép chứ không phải ở họ", TS Liêm nhận định.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn