Ai cho anh mượn đường của tôi mà không xin phép?

Thời sựThứ Bảy, 17/05/2014 01:00:00 +07:00

Vụ giàn khoan là một nước cờ chính trị, vì vậy chúng ta phải phản ứng: ai cho anh mượn đường của tôi mà không xin phép.

Vụ giàn khoan là một nước cờ chính trị, vì vậy chúng ta phải phản ứng: ai cho anh mượn đường của tôi mà không xin phép.

Cho rằng lần này Trung Quốc đã vượt qua thông lệ và làm ảnh hưởng một cách rất căn bản đến mối quan hệ thông thường vốn có, luật sư Nguyễn Trần Bạt trong sự phân tích nhiều mặt đời sống kinh tế chính trị trong nước, đã thể hiện quan điểm: Người Việt ngoài tình cảm yêu nước còn có sự sáng suốt nữa nên nếu lúc nào đó cần phải hy sinh thì chúng ta sẽ hy sinh, nhưng nếu không cần phải làm việc ấy thì kiên quyết không làm.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

- Thưa ông! Với tư cách là một nhà nghiên cứu, suy nghĩ đầu tiên của ông như thế nào về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam?


Luật sư Nguyễn Trần Bạt 
Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng việc chúng ta sống cạnh nước Trung Quốc là một sự tồn tại có tính số phận, nó là một thuộc tính lâu dài của đời sống dân tộc chúng ta.

Cho nên chúng ta không có cách nào thoát ra khỏi việc phải giải quyết những khúc mắc, những va chạm giữa hai quốc gia có thể có những lúc tiêu cực như hiện nay, và có thể có những lúc tích cực như trong quá khứ.

Chúng ta phải cân đối trong quan hệ với nước CHND Trung Hoa bằng tất cả sự tỉnh táo có tính số phận của người Việt Nam. Không buông thả mình được, không để cho tình cảm, để cho các cảm xúc lấn át một cách không kiểm soát được, bởi vì nó là vấn đề rất thiết thực có ảnh hưởng rất quan trọng đối với toàn bộ lịch sử tồn tại của dân tộc Việt Nam.


- Còn với tư cách một công dân thì cảm xúc của cá nhân ông thế nào về vấn đề chủ quyền đất nước?

Chủ quyền của một quốc gia là vấn đề cốt lõi, là một trong những nội dung cơ bản của tình cảm dân tộc. Một công dân mà không ý thức về chủ quyền của dân tộc mình, của đất nước mình thì không thể nói công dân ấy là một công dân tự giác, một công dân có ý thức được.

Tôi luôn xem vấn đề chủ quyền quốc gia không chỉ là quyền lợi của người Việt mà còn là lương tri của người Việt, là niềm tự hào của người Việt, và là danh dự của người Việt. Tôi xem việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền quốc gia như là danh dự của cá nhân tôi.


- Theo quan sát của cá nhân ông, nhìn lại diễn biến của sự việc kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những bước đi của Việt Nam trong đối ngoại và trong cả đối nội những ngày qua?


Tôi cho rằng bước đi của Chính phủ cũng khác với thông lệ  mà người Việt Nam và Chính phủ Việt Nam vốn có. Sự "khác với thông lệ” của Chính phủ có lẽ là kết quả đương nhiên của những hành vi khác thường của Chính phủ CHND Trung Hoa. Rất khó có người tự trọng nào không có phản ứng khi người ta bê cái bếp lò ra đặt trước cửa nhà mình. Tôi nghĩ sự kiềm chế của Việt Nam đã được dồn nén, được kiểm soát quá lâu và đôi lúc làm cho nhân dân hiểu nhầm.

Tôi nghĩ rằng cho đến phút này Chính phủ chúng ta vẫn tỉnh táo, vẫn tiếp tục dàn xếp các công việc, vẫn tiếp tục kiểm soát các sự kiện mặc dù không hề dễ, bởi phản ứng của xã hội có những khía cạnh bản năng của nó.

Đúng là những ngày qua đã có những phản ứng xã hội bản năng và không tránh khỏi bị lợi dụng để xảy ra những chuyện đáng tiếc...

Nổi giận là một trong những quyền cơ bản của khái niệm nhân quyền, con người có thể sử dụng nó đúng hoặc sai. Tôi nghĩ rằng không ai có thể cho rằng người Việt không có quyền nổi giận trước sự xúc phạm của người khác. Vấn đề là chúng ta phải kiểm điểm xem chúng ta sử dụng các quyền ấy có đúng đắn hay không.

Chúng ta phải tôn trọng các quyền bản năng như quyền nổi giận khi bị xúc phạm. Còn lực lượng nào lợi dụng các quyền bản năng ấy thì đấy là vi phạm pháp luật.

- Theo ông, tình hình hiện nay nếu không có bước đi khôn ngoan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam vốn đang chưa thoát khỏi miệng đáy của khủng hoảng?


Ảnh hưởng là vô cùng lớn. Không ai để xăng dầu, để tiền bạc cạnh đám cháy. Tất cả các xung đột quốc gia đều có tính chất một đám cháy, kể cả những xung đột ở gần nơi có nước như Biển Đông. Xung đột ở Biển Đông nhưng nước biển  cũng không thể làm giảm tác động có tính chất tiêu cực của xung đột đối với phát triển kinh tế.

Tất cả những gì diễn ra thái quá ở các khu công nghiệp ngay lập tức ảnh hưởng đến công ăn việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động vốn rất khó khăn hiện nay, và dĩ nhiên ảnh hưởng một cách khốc liệt đến sự phát triển kinh tế.


- Vậy theo ông bước đi sắp tới của chúng ta nên là gì?


Nhân dân chúng ta có một khả năng hy sinh to lớn vì độc lập dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ, đấy là một đặc trưng có chất lượng lịch sử lâu dài. Theo tôi, không nên nói bất kỳ một lời nào tiêu cực về trạng thái tâm lý sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc.
>>Xem thêm video tàu Trung Quốc phun vòi rồng:



Sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình cho độc lập dân tộc là một trong những đặc điểm rất lãng mạn của người Việt. Tôi kính trọng điều ấy. Tôi sẽ không nói một lời nào, không phân tích một chữ nào một cách tiêu cực về tâm lý, về tình cảm như vậy của người Việt.

Tuy nhiên, con người sống không chỉ bằng sự cao thượng của ý nghĩ, của tình cảm, mà bằng cả sự sáng suốt nữa. Người Việt chúng ta có cả sự sáng suốt chứ không phải chỉ có tình cảm yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đốt cháy mọi thứ.

Khi cần phải đốt cháy thì người Việt biết chọn để bắt đầu đốt từ cái rẻ nhất trở đi. Người Việt chúng ta biết tính toán cả quá trình đốt theo thời gian nữa. Nếu lúc nào đó cần phải hy sinh thì chúng ta sẽ hy sinh, nhưng nếu không cần phải làm việc ấy thì kiên quyết không làm.


Vấn đề là có phải Việt Nam là đối tượng duy nhất của chuyện giàn khoan này không? Tôi cho là không. Đấy là họ mượn đường để đi một nước cờ chính trị. Cho nên chúng ta cũng phải phản ứng là ai cho anh mượn đường của tôi mà không xin phép.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Nếu chúng ta phân tích chuyện này một cách thỏa đáng và quan niệm cho đúng thì về mặt nguyên lý chúng ta bỗng nhiên có đồng minh sẵn trong cái động cơ chính trị của người Trung Quốc. Chúng ta càng đoàn kết càng tốt. Đoàn kết với nhau ở trong nước, đoàn kết giữa Đảng và nhân dân, đoàn kết với quốc tế. Đoàn kết không phải là sự liên kết lạnh lùng của chính trị, đoàn kết phải được xây dựng trên tinh thần hướng tới sự lương thiện toàn cầu.


Tôi nghĩ khôn ngoan nhất là chúng ta phải thực thi các quyền của một quốc gia. Đấy là chủ quyền của chúng ta, chúng ta phải sòng phẳng, ngay thẳng. Chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị thái độ biết nổi giận, nhưng nổi giận có kiểm soát, nổi giận của người lương thiện, trung thực. Chúng ta sẽ có rất nhiều bạn bè nếu chúng ta hành xử một cách ngay thẳng, trung thực.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đại Đoàn Kết
Bình luận
vtcnews.vn