Ai Cập đánh giá cao thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 16/07/2021 12:39:37 +07:00
(VTC News) -

Đại sứ Ai Cập khẳng định Ai Cập luôn đánh giá cao thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Đổi Mới năm 1986.

VTC News xin chia sẻ bài viết của Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hassan Nayel về quan hệ hữu nghị giữa Ai Cập và Việt Nam nhiều thập kỷ qua. 

Ngày 23/7 này, Ai Cập kỷ niệm 69 năm ngày Cách mạng 1952 - cuộc cách mạng trở thành sự kiện quan trọng vì nó định hình lịch sử chính trị hiện đại ở Ai Cập và ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang đấu tranh giành độc lập và chống lại sự thống trị của Chủ nghĩa Thực dân và Chủ  nghĩa  Đế quốc.

Nước Cộng hòa Ai Cập đầu tiên được thành lập để sớm đảm nhận vai trò chủ đạo giữa các quốc gia đang phát triển, thể hiện ở việc trở thành một trong những quốc gia sáng lập trung tâm của các phong trào quốc tế và tổ chức khu vực quan trọng, bao gồm Phong trào Không liên kết (NAM) và Tổ chức Thống nhất Châu Phi (OAU), Liên minh Châu Phi ngày nay (AU).                      

Ai Cập đánh giá cao thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam - 1

Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hassan Nayel.

Trước đó vài năm, nhà lãnh đạo cách mạng lịch sử, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Ai Cập. Với tầm nhìn xa, ông nhận thấy Ai Cập và Việt Nam có chung những giá trị nhân văn, di sản văn hóa, khát vọng độc lập và phát triển. Ông tin rằng những điểm tương đồng giữa hai quốc gia cùng sở hữu nền văn minh cổ đại đã phát triển xung quanh các đồng bằng sông ngòi, với tất cả các tác động văn hóa xã hội của thực tế này, có thể tạo nên tiền đề của một mối quan hệ lâu dài và hiệu quả dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và sự tôn trọng sâu sắc, niềm tin đó sau này được phản ánh trong những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lời dạy bảo đó đã dẫn dắt các nhà lãnh đạo Việt Nam kể từ đó cho đến ngày nay.

Tại hội nghị Bandung năm 1955, một cột mốc quan trọng trong việc thành lập Phong trào Không liên kết (NAM), nhà lãnh đạo Ai Cập Gamal Abdel Nasser và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp mặt cùng với các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng khác, để đóng góp và duy trì nỗ lực của các quốc gia đang đấu tranh nhằm giành sự thống nhất và độc lập dân tộc. Và trong năm 1963, tầm nhìn chỉ đạo của các mối quan hệ đã được hiện thực hóa, theo nghĩa hiện đại, bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập và Việt Nam, và cả hai nước tiếp tục nỗ lực cần mẫn để đảm bảo một trật tự quốc tế đặc trưng bởi bình đẳng, công bằng và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong mối liên hệ này, tôi thấy thật sự ấn tượng khi tham khảo bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết hùng hồn này, Tổng Bí thư cho thấy nhân dân Việt Nam đã trải qua cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài để bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước, và Đảng đã có tầm nhìn như thế nào để áp dụng những cải cách cần thiết trong công cuộc Đổi Mới và từng bước phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa là chủ trương cơ bản trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Nó cũng nhấn mạnh rằng những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt bao gồm khả năng cạnh tranh thấp và tăng trưởng thiếu bền vững, chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng, những cải tiến cần thiết đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục và các dịch vụ công khác, và chống tham nhũng.

Với suy nghĩ đó và bất chấp khoảng cách địa lý ngăn cách giữa Ai Cập và Việt Nam, nhìn thấu đáo cho thấy hai nước có những điểm tương đồng đáng kể về lập trường, định hướng, giá trị và thách thức mà hai nước đang phải đối mặt. Cả hai quốc gia đều tự hào là một trong những nước có nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới, và đều có sức mạnh tinh thần để đối mặt với các cường quốc thống trị để giành độc lập, trong khi hiện nay, với quy mô dân số gần như giống nhau với gần 100 triệu người, cả hai quốc gia đều đang trải qua một thời kỳ tương tự trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội,  đang cùng phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao trong vài thập kỷ tới.

Trên cương vị là Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam hơn 3 năm và chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Hà Nội, tôi có thể tự tin nói rằng những giá trị nhân văn và xã hội được chia sẻ giữa nhân dân hai nước là vô cùng sâu sắc. Cả hai dân tộc đều cùng nhận định rằng đoàn kết dân tộc là chìa khóa của sự phát triển, đồng thời kiên quyết chống lại những tư tưởng hủ bại và lật đổ, đồng thời chia sẻ sự tôn trọng sâu sắc đối với truyền thống xã hội, và trân trọng biết ơn sự hy sinh của các anh hùng dân tộc và tự hào về di sản của tổ tiên.

Ai Cập đánh giá cao thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Cộng hòa Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi thăm cấp nhà nước Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tình hữu nghị giữa Ai Cập và Việt Nam có ý nghĩa chính trị cao nhất thể hiện trong những năm gần đây qua việc trao đổi các chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi tới Việt Nam vào tháng 9/2017 và chuyến thăm của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ai Cập vào tháng 8/2018. Những chuyến thăm này đã góp phần tạo động lực hơn nữa cho quan hệ hai nước, thể hiện qua sự ủng hộ lẫn nhau về chính trị ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, trong đó Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo An ninh Liên Hợp Quốc UNSC (2020-2021) sau khi kết thúc thành công vai trò chủ tịch ASEAN 2020.

Bên cạnh đó, sự phát triển song phương còn được thể hiện ở việc kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng, lần đầu tiên đạt mức cao xấp xỉ 0,5 tỷ USD vào năm 2018 và duy trì thành công trong những năm tiếp theo, trong khi hai nước đã vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra từ năm ngoái và hai bên mong muốn sớm đạt được mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương một tỷ USD.

Văn hóa và giao lưu nhân dân luôn là một trong những trụ cột cho hợp tác song phương, cũng như văn hóa, và tôi xin trích lời ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, là “nền tảng tinh thần của xã hội”. Các hoạt động văn hóa chung trong những năm gần đây bao gồm biểu diễn của đoàn múa rối nước Ai Cập tại Hà Nội, việc Việt Nam tham gia Diễn đàn Thanh niên Thế giới, trong khi sinh viên Việt Nam tiếp tục chọn Ai Cập là một trong những điểm đến yêu thích để học tiếng Ả Rập. Những hình thức giao lưu này càng góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta.

Trong khi Ai Cập đang hướng tới một tương lai thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, các ưu tiên quốc gia vẫn tập trung vào sự phát triển bền vững, đồng thời kiên quyết đối mặt với những thách thức truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng, bao gồm cả việc chống lại đại dịch COVID-19, chống khủng bố, bảo đảm an ninh quốc gia, tăng cường quan hệ trong khu vực và quốc tế và bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Đồng thời, chính phủ Ai Cập đang thực hiện một kế hoạch phát triển toàn diện và đẩy lùi tham nhũng, trong đó bao gồm nhiều dự án lớn chưa từng có. Ngoài ra, các cải cách kinh tế và khung pháp lý hiện đại được thông qua nhằm tạo ra một môi trường thân thiện để thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là năng lượng, hậu cần và viễn thông, và điều này tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam mở rộng đầu tư vào Ai Cập vì lợi ích của cả hai bên.

Nhân dịp này tôi xin gửi lời chúc mừng Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã bầu ra các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin khẳng định rằng Ai Cập luôn đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là kể từ khi thực hiện Đổi Mới năm 1986.

Nhân cơ hội tôi cũng xin nhắc lại niềm tin rằng dưới sự lãnh đạo hiện tại của cả hai quốc gia, Ai Cập và Việt Nam được định sẵn để cùng chung tay khám phá một chân trời đầy cơ hội cho nhân dân hữu nghị hai nước để đạt được tiềm năng và khát vọng của mình. 

(Nguồn: Đại sứ quán Ai Cập)
Bình luận