Ai bảo tình yêu lạc đường…

Tổng hợpThứ Năm, 06/10/2011 01:24:00 +07:00

Cuộc sống là muôn màu và con đường tình yêu của mỗi người lại mang một sắc màu riêng của định mệnh.

Cuộc sống là muôn màu và con đường tình yêu của mỗi người lại mang một sắc màu riêng của định mệnh. Nhưng mẫu số chung vẫn là hạnh phúc, ngay cả khi đôi mắt mù lòa, đôi chân chót mỏi, trái tim vẫn đập yêu thương và vị tha, bao dung và nỗ lực đến cuối cùng…

 Yêu thật sự

Nếu chưa gặp Châu Văn Quang (Thôn Đông Trung - xã Đông Xá - Thị trấn Cái Rồng - Quảng Ninh) mà chỉ nghe kể người ta sẽ dễ tưởng tượng ra một gã thanh niên mới lớn “ngựa non háu đá”, thích chứng tỏ mình thậm chí chẳng hiểu đầu óc gã nghĩ gì mới đi lấy một cô vợ mù. Có trò chuyện, nghe những câu chuyện về chữ duyên tưởng như tình cờ mà rất kỳ ngộ, mới hiểu được những lý lẽ của sâu xa về hạnh phúc.

Gia đình Châu Văn Quang và Nguyễn Thị Dung

Nhà vợ chồng Quang ở cuối ngõ, con đường ngoằn ngoèo như rất nhiều con ngõ nhỏ dẫn tới những mái nhà bình dị, nơi có những phận đời khuyết thiếu ở thị trấn nghèo này. Quang không sởi lởi chạy ra đón khách, chỉ lặng lẽ cười cười dắt giúp khách chiếc xe dựng vào sát tường. Quang lặng lẽ rót nước mời, rồi ngại ngùng ngồi xuống chiếc ghế băng cũ, chăm chăm nhìn ra cô vợ trẻ đang lụi cụi với chiếc chổi ở góc sân, bỗng chốc lại bật cười vì thấy vợ vụng về mò mẫm làm quen với công việc của người phụ nữ trong gia đình.

Chỉ vào chân vợ đang được băng kín, Quang xuýt xoa bảo: Từ lúc về nhà chồng, Dung vẫn chưa quen lối đi lại, hôm trước hấp tấp bị bỏng pô xe máy, may là chỉ bỏng sơ sơ. Điệu bộ suýt xoa của Quang vừa ra dáng một “bảo mẫu”, vừa đúng chất bỡ ngỡ của một anh chồng trẻ.

Nhà của Nguyễn Thị Dung (vợ Quang) ở ngoài đảo xa Quan Lạn (Quảng Ninh), đã quen cuộc sống nghèo với người cha chuyên rượu chè, đập phá, người mẹ khốn khổ nhọc nhằn. Hơn 1 năm trước, nghe tin về cơ sở tẩm quất cho người mù do chị của Quang (cũng là một phụ nữ khiếm thị) tổ chức, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khiếm thị, Dung bèn trốn bố mẹ, theo người về đất liền xin vào học việc. Quang khi đó là cậu sinh viên vừa ra trường, không định đi làm nhà nước, Quang quyết định ở nhà trông coi cơ sở tẩm quất giúp chị gái.

“Cuộc sống xa nhà khiến Dung ngỡ ngàng, còn tôi lúc đầu coi cô bé như em gái, có gì cũng bao bọc, che chở cho cô ấy. Mấy lần bố mẹ Dung phản đối, tới tận nơi để bắt Dung về nhà, có lần còn đưa cô lên tận ủy ban xã, gây sức ép với chính quyền hòng bắt về. Thương quý cô bé, tôi đã đứng ra can thiệp. Không thể để em bị bắt về nhà để rồi lại sống cô độc giữa 4 bức tường và chịu những đòn roi khắc nghiệt của bố. Rồi tình yêu giữa chúng tôi bắt đầu từ đó…”. Một thời gian học việc và yêu Quang, Dung lại bị bố tới bắt về đảo. “Thời gian xa nhau, chỉ thỉnh thoảng hai người mới có thể liên lạc qua điện thoại. Những lần nghe tiếng cô bé khóc nức nở ở đầu dây bên kia, nghĩ đến nỗi khổ của cô bé nơi đảo vắng, tôi không kìm được lòng mình. Thậm chí có lúc chúng tôi đã nghĩ đến việc tự tử. Tôi đánh liều xin phép mẹ, ra đảo hỏi cưới cô ấy làm vợ. Khó khăn đến mấy cũng sẽ cùng chấp nhận”.

Nói rồi, Quang tiếp: “Mình vốn có nhiều bạn bè. Khi biết mình lấy cô ấy, bạn mình đã quây nhau lại và hỏi rằng: Mày sáng sủa, đẹp trai, gia đình lại ổn thỏa, tại sao lại lấy người khiếm thị làm vợ? Mày sợ hết con gái rồi sao?”. Người chê, kẻ chọc, mỉa mai cũng nhiều. Trước cô ấy tôi cũng đã đi qua vài mối tình nhưng đều chỉ là những cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Sau tất cả tôi bỗng nhận ra rằng tình yêu là sự cảm nhận bằng trái tim, bằng tấm lòng. Nên, dù là người mắt sáng hay mắt kém thì đó cũng chỉ là cái vỏ bọc mà thôi. Ngoại hình giống như một “tấm giấy thông hành” để người ta ấn tượng lúc đầu tiên. Để đến được với nhau thực sự người ta sẽ cần phải trải qua rất nhiều cung bậc của trái tim. Với tôi, khi đã quyết định tức là tôi hài lòng với những gì mình lựa chọn, mặc cho người khác nghĩ là đúng hay sai”.

Lấy nhau về quấn quýt, Quang chăm vợ cho ăn uống còn khéo hơn cả phụ nữ. Trước khi cưới, bà Hương (mẹ Quang) đã dùng mọi lý lẽ để can ngăn. Bà không phải là người độc ác vô tâm. Bà can là bởi bà lo cho đôi trẻ còn quá non khi Quang mới chỉ 25 còn Dung thậm chí chưa tới đôi mươi. Với kinh nghiệm sống của mình bà nghi hoặc có khi nào đó chỉ là tình cảm nhất thời sốc nổi, hay vì sự thương hại mà thằng bé muốn cưới để kéo con bé ra khỏi cảnh bế tắc kia chăng? Rồi cuộc đời chìm nổi, con bé lại mang phận mù lòa, cưới nhau về cuộc sống liệu có ấm êm, hay lại “đứt gánh giữa đường” thì bà khổ tâm lắm. Đáp lại lời mẹ, Quang chỉ nói duy nhất một câu: “Con không phải thằng đứng núi này trông núi nọ. Con đã yêu thì chừng nào trời bắt chia rẽ con mới cam đành…”

Hơn 70 tuổi, bà Hương vẫn sững người trước lời nói như tạc dạ của con trai. Bà chỉ biết dặn con: Khổ không được kêu, chán không được bỏ. Người đàn bà nhân hậu ấy đã khổ một đời với 15 lần sinh nở mà 7 đứa đã về trời vì sài, vì co giật đùng đùng. Những đứa còn lại mỗi đứa mỗi phương. Bà hiểu nỗi khổ của người đàn bà hơn ai hết. Bà hiểu những khó khăn mà Dung- cô dâu mù chịu thương chịu khó ấy rồi sẽ phải trải qua.

 Định mệnh yêu em

Mười năm trước, Chìu A Tài tuyệt vọng rơi vào “thế giới bóng tối” giữa bản nghèo dân tộc Dao ở Bình Liêu (Quảng Ninh), với nỗi ám ảnh chật vật của người đàn ông sung sức đang gánh trên vai trách nhiệm với người vợ trẻ và 2 đứa con thơ đang lớn phổng từng ngày. Đôi mắt đang bình thường bỗng một ngày mờ tịt, trong bản nghèo không biết bệnh viện là gì, Tài đành “sống chung với lũ”. Đau đớn hơn, 23 tuổi, vợ Tài bỏ nhà, bỏ con cho chồng rồi chạy theo một người đàn ông khác.

Vợ chồng Chìu A Tài và Lê Thị Thúy
   Tuổi thanh niên rơi vào bế tắc, đôi mắt là tài sản lớn nhất còn không giữ được, Tài đã từng muốn kết liễu cuộc đời. “Thương hai con nhỏ, tôi nghĩ mình phải kiếm sống. Nhưng bằng cách nào đây với đôi mắt khô cạn đã mù lòa? Gửi các con ở lại cho hàng xóm, từ giã bản người Dao thân thuộc, Tài tìm về thị trấn Cái Rồng (Quảng Ninh) để tìm nơi học tẩm quất, với hy vọng kiếm sống và gửi tiền về nuôi con”.

Rồi, cuộc đời như run rủi với chuỗi ngày gặp gỡ nên duyên kỳ ngộ: làm việc 2 năm ở cơ sở tẩm quất thị trấn Cái Rồng, Chìu A Tài đã gặp và đem lòng yêu mến cô gái mù Lê Thị Thúy. Thúy sinh ra trong một gia đình nghèo, lên 2 tuổi cô bị sởi rồi vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy được nữa. Ai cũng trầm trồ Thúy càng lớn gương mặt càng xinh xắn, chỉ có đôi mắt khốn khổ mù lòa. Không thể cảm nhận về cuộc sống, Thúy chỉ biết níu vào những lời động viên của mẹ để tiếp tục chuỗi ngày bóng tối: “Trời đã bắt tội thế rồi, có bố mẹ nào muốn đẻ con ra mà mắt mũi lại như thế đâu. Trời không cho thì vẫn phải cố mà sống, con ạ!”.

25 tuổi, Thúy đã là vợ hai của A Tài, trở thành mẹ của 2 đứa con chồng đang tuổi lớn và cũng đã sinh được một bé gái hơn 1 tuổi. “Vì cảnh vợ chồng mù, lại nghèo nên đám cưới giản dị chỉ vài mâm. Cưới nhau, vợ chồng mò mẫm lăn lộn với gian nan”.

Năm nay đã 31 tuổi, đi khám bệnh Tài mới biết mình bị căn bệnh khô dây thần kinh mắt, tiền chữa bệnh sẽ mất rất nhiều, lấy đâu ra? Làm công việc tẩm quất thuê, mỗi tháng vợ chồng Tài cũng kiếm được chừng dăm triệu một tháng, đủ để chi trả cho cuộc sống xa nhà và gửi về nuôi những đứa con ở quê nghèo. Nhớ lại những tháng ngày đã qua, Tài cười- cái điệu cười dân dã của người Dao đi xa bản nhiều năm vẫn gốc gác quê  nhà: Hồi trước ước ao đôi mắt tự nhiên sáng trở lại, để nhìn thành phố, để được như mọi người…”.- Và cả nhìn thấy vợ nữa chứ?- Vâng, dù không nhìn được nhưng cái tay vẫn sờ thấy gương mặt vợ, cái bụng đã thấy vui lắm rồi!

Tạm biệt cơ sở tẩm quấn ngoài Quảng Ninh chúng tôi tới thăm một Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù nằm trên phố Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây hiện có tới 10 cặp vợ chồng mà một trong hai người, vợ hoặc chồng khiếm thị, hoặc cả hai đều khiếm thị. Làm việc ở trung tâm đều hơn 10 năm, nhưng đa số các giáo viên 2-3 năm gần đây mới “dám” lập gia đình, sinh con. Nghe kể chuyện sinh con, nuôi con của những cặp vợ chồng khiếm thị giữa thời bão giá, ai cũng chạnh lòng…

 “Thương từ khi thai nghén trong lòng”

Căn phòng của vợ chồng anh Trường - chị Việt Anh chỉ rộng 20m2, nằm ngay trong khu ký túc xá của trung tâm. Hằng ngày hai bố mẹ (đều bị khiếm thị) lên lớp cho các học viên trong trung tâm, chỉ có bà ngoại già yếu xoay xở với cô bé Hà Anh 15 tháng tuổi. Hà Anh có đôi mắt trong veo và rất nhanh nhẹn, rạng rỡ. Từ khi hoài thai bé Hà Anh, anh chị đã phập phồng lo lắng…

Anh Trường kể: “Nhà mình có 5 anh chị em thì 3 người hỏng mắt. Bản thân mình bị thoái hóa sắc tố hắc võng mạc, tuổi càng lớn thì mắt càng mờ dần đi, học xong ĐH Sư phạm thì mình mù hẳn. Nhiều người mù đều có mối băn khoăn giống mình là không rõ bệnh của mình có khả năng di truyền sang con không, liệu sinh con ra con có khổ như mình không. Lúc cưới vợ, rồi vợ có bầu, cũng mừng lắm, nhưng vừa mừng, vừa lo, vừa thương đứa bé…”.

Chị Việt Anh kể, có dịp bà ngoại phải về quê hơn chục ngày, hai vợ chồng chị xoay vào chăm con, mệt không kịp thở. “Lúc con biếng ăn, mẹ thì không biết miệng con đâu để đưa thìa cháo vào, nó vùng vằng đổ hết. Có lúc con đói quá, khóc  ầm lên, bố mẹ thì mãi vẫn chưa đút đúng vào miệng nó được, nó tự động với lấy thìa cháo, cũng bị đổ gần hết. Mình đoán trẻ con nó cũng biết tự thích nghi, Hà Anh nhà mình biết kéo thìa, đón bình sữa từ khá sớm” - chị Việt Anh kể.

Gia đình tẩm quất Hoàng Kim

Con đi học - gánh nặng gấp đôi

Anh Thanh, giáo viên khiếm thị dạy tin học tại trung tâm, có một người vợ cũng khiếm thị và con nhỏ hơn bốn tuổi. Hai anh chị thuê nhà gần trung tâm, mỗi tháng nguyên tiền thuê nhà đã ngốn nửa lương của anh. “Anh đi làm ở đây vui vì có công việc, nhưng thu nhập chỉ tròm trèm 3 triệu đồng, vợ anh thì làm dịch vụ xoa bóp tại nhà. Mỗi tháng phải lo tiền nhà, tiền ăn, rồi tiền học, tiền thuê người đưa đón con…

Tiền học của cháu thì chưa tốn, nhưng tiền xe ôm thì đắt đỏ, cả đi cả về mất hai chục ngàn”- anh Thanh tâm sự. Bố mẹ nào thì cũng chỉ biết cố gắng hết sức, nhưng tình cảnh chung của các gia đình ở trung tâm thường là chưa hết tháng đã hết tiền.

Chị Chiến cũng là một bà mẹ khiếm thị. Bé Trà My, con gái chị đã tám tuổi, đang học Trường Tiểu học Yên Hòa. Từ khi sáu tuổi, cứ 7h sáng, Trà My tự đeo cặp, lũn cũn đi từ căn phòng của hai mẹ con ở nhờ trong ký túc xá của trung tâm, ra cổng. Một bác xe ôm tin cậy do mẹ Chiến hợp đồng theo tháng sẽ đón My, đưa em đi học. Cũng giờ đó, chị Chiến tự mình lên lớp.

Chị đã quen với từng bậc thang, từng chỗ ngoặt của những lối đi trong khuôn viên trung tâm. Cuối tuần hai mẹ con lại đi một chuyến xe ôm hơn 10km để về căn nhà có ba ở Cổ Nhuế (xã ngoại thành thuộc huyện Từ Liêm). Chồng chị Chiến cũng là một công nhân khiếm thị của một cơ sở in sách chữ nổi của Hội người mù Việt Nam.

Chị Chiến kể: “Do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ cha nên bị mù bẩm sinh. Ông xã thì bị mù do lên sởi, chạy hậu. Anh chồng chị không muốn cho chị sinh con vì sợ con lại khổ giống mình. Nhưng chị cứ liều. Chị cũng mong có đứa con để nương tựa về tinh thần… May sao ông trời thương, con bé sinh ra đã khỏe mạnh, bụ bẫm. Mới tám tuổi nhưng đã giúp mẹ được nhiều việc lắm rồi!”.

Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù này có hơn 20 nhân viên, trong đó gần một nửa là người khiếm thị. Người khiếm thị dạy cho người khiếm thị, người khiếm thị làm việc cùng nhau có một thuận lợi là sự cảm thông và kiên nhẫn rất lớn, nhưng khả năng giúp đỡ nhau thì rất hạn hẹp.

Anh Trường chia sẻ: “Các bố, mẹ trong trung tâm có khi đi họp phụ huynh giùm cho nhau, thiếu thốn nhưng vẫn cố đùm bọc nhau. Mình đã có những lúc tưởng như không đứng dậy được, nhưng nhờ có bạn bè chia sẻ nên mình cũng vượt qua… Nhờ thế, mình hiểu sự chia sẻ có giá trị chừng nào!”.

Mong muốn của anh Trường là dịp 1/6 sắp tới, có thể có một nhà hảo tâm hay một tổ chức từ thiện nào đến trung tâm và tặng các cháu, mỗi cháu một món quà nhỏ để động viên. Anh vẫn đang cố gắng tìm cơ hội, đi liên hệ và chờ đợi…

Thanh Hải

Bình luận
vtcnews.vn