Adidas-Puma: Mối tình vụng trộm, trăm năm hận thù

Thể thaoThứ Sáu, 23/08/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News)- Mối thâm thù giữa 2 đại gia đồ thể thao Adidas và Puma đã có lịch sử gần một thế kỷ.

(VTC News) - Mối thâm thù giữa 2 đại gia đồ thể thao Adidas và Puma đã có lịch sử gần một thế kỷ.

Vào những năm 20 của thế kỷ trước, hai anh em người Đức Adolf và Rudolf Dassler cùng nhau mở một tiệm giày trong phòng giặt đồ của bà mẹ họ. Công việc kinh doanh bắt đầu trở nên thuận lợi khi những vận động viên nổi tiếng đi giày của nhà Dassler và giành huy chương vàng ở thế vận hội 1930.

Sự khác biệt về tính cách đã dẫn đến những mâu thuẫn âm ỉ chỉ chờ dịp bùng phát, khi ông em Adolf là một người chu đáo, trầm lắng chỉ chuyên thiết kế và sản xuất giày, thì anh trai Rudolf lại sôi nổi và vô cùng hướng ngoại, chuyên phụ trách việc đem hàng đi rao bán.


Puma-Adidas
Hai anh nhà Dassler, Adolf và Rudolf. 

Tuy nhiên, phải đến khi mối quan hệ vụng trộm giữa Rudolf và vợ của Adolf bị phát hiện thì công ty của nhà Dassler ban đầu mới chính thức bị chia rẽ và trở thành thù địch từ đó đến nay. Một nhà báo người Đức từng miêu tả rằng “sự mâu thuẫn Adidas và Puma đã phân chia thị trấn Herzogenaurach giống như bức tường Berlin phân chia thủ đô của nước Đức”.

Thị trấn Herzogenaurach nhỏ bé với chỉ 23.000 dân từ đó đã bị chia rẽ khủng khiếp tới mức có giai đoạn mà con cháu của những người làm việc cho Puma không thể có bất cứ quan hệ nào đó với con cháu của những người làm việc cho Adidas. Ngay cả trong chính trị và tôn giáo cũng tương tự, khi mà Puma được cho là theo phe bảo thủ và Công giáo, còn Adidas ủng hộ đảng Dân chủ xã hội và đạo Tin lành.

Người dân ở đây phải lựa chọn giữa việc trở thành nhân viên và ủng hộ Adidas hay Puma, ngoại trừ trường hợp của Frank Dassler, cháu của Rudolf, người từng có thời gian làm việc cho cả hai bên. Tuy nhiên họ dường như không lấy làm khó chịu về điều đó. Sự phát triển mạnh mẽ của cả hai thương hiệu Adidas và Puma đã biến nơi đây thành một địa điểm nổi tiếng, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về văn hóa kinh doanh. Một người dân chia sẻ: “Không có mâu thuẫn ấy, chúng tôi không thể trở thành quê hương của hai thương hiệu mang tính toàn cầu”.

Puma-Adidas
Puma tự hào là nhà tài trợ cho Usalt Bolt. 

Năm 1974, tức là 6 tháng sau cái chết của Rudi, lãnh đạo của 2 công ty bí mật tổ chức một cuộc họp ở tận Nuremberg để bàn về tương lai của mối quan hệ giữa 2 bên. “Nhưng họ không dám kể với các nhân viên, thậm chí là cả vợ của mình, về buổi họp đó. Đơn giản là nó không tốt cho việc kinh doanh”, Helmut Fischer, một quan chức của Puma kể lại.

Từ năm 2007, Puma bị tập đoàn của Pháp PPR chuyên sản xuất hàng hiệu cao cấp với các thương hiệu nổi tiếng như Gucci hay Alexander McQueen thâu tóm, trong khi Adidas vẫn quy định không có cổ đông nào được sở hữu quá 5% cổ phiếu của công ty. Tuy nhiên cũng phải đến năm ngày 21/09/2009, nhiều năm sau cái chết của hai anh em Dassler, Adidas và Puma mới gác lại quá khứ và tổ chức một trận bóng đá giao hữu cùng nhau.

Giờ đây, đối thủ chính của Adidas chính là Nike, gã khổng lồ chuyên sản xuất đồ thể thao đến từ bang Oregon của nước Mỹ, khi mà cả hai cùng thống trị thị trường trị giá tới 4,5 tỷ euro (chỉ xét riêng ở môn bóng đá). Tuy nhiên, những mối thâm thù trong quá khứ vẫn còn sức ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động của cả Adidas và Puma.

Nếu đi tìm một ví dụ điển hình cho cuộc đối đầu giữa Adidas và Puma trong bóng đá, hãy nhìn vào trận chung kết Champions League mùa giải trước trên sân Wembley. Trong khi Adidas từ lâu đã là nhà cung cấp áo đấu cho Bayern Munich và thậm chí còn sở hữu khoảng 9% cổ phần của đội bóng này, thì Puma lại có một mùa giải “thắng lớn” với Dortmund. Từ cuối năm 2011, biểu tượng con báo của Puma đã xuất hiện trên áo đấu của Dortmund với số tiền tài trợ khoảng hơn 6 triệu euro/năm, con số kỷ lục trong lịch sử câu lạc bộ này.

Cuộc chiến giữa Bayern Munich và Dortmund cũng là cuộc chiến Adidas-Puma. 

Dù mới chỉ qua được gần 2 năm trong số 8 năm thời hạn hợp đồng, nhưng phong độ chói sáng của thầy trò Jurgen Klopp trên sân cỏ đã giúp Puma không chỉ quảng bá rộng rãi thương hiệu của mình mà còn đạt doanh thu cực lớn. Ở mùa giải trước, doanh số áo đấu của Dortmund đã đạt tới 300.000 chiếc (mức giá trung bình là 80 euro/chiếc) và ngay cả khi trận chung kết tại Wembley chưa diễn ra, những cửa hàng của Puma tại Nhật, Malaysia và Anh đã lâm vào cảnh cháy hàng với chiếc áo vàng truyền thống của đội bóng vùng Ruhr.

Tuy nhiên, thành công như vậy vẫn chưa thấm vào đâu so với đối thủ Adidas, khi mà số lượng áo đấu Bayern Munich tiêu thụ được ở mùa giải trước lên tới 600.000 chiếc, và doanh thu hàng năm của hãng này lên tới 14,9 tỷ euro, gấp hơn 4,5 lần so với đối thủ Puma (chỉ 3,3 tỷ euro).

Dù phải chấp nhận phận “chiếu dưới” trong nhiều năm qua, nhưng người nhà Puma vẫn luôn tự hào về mình. Hãy xem Ulf Santjer, giám đốc truyền thông của Puma nói: “Nghe này, chúng tôi được người chạy nhanh nhất hành tinh làm đại diện (Usalt Bolt), Madonna cũng thế. Không tồi đấy chứ?

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn