9 sự kiện 'rúng động' giới công nghiệp ô tô toàn cầu 2015

XeThứ Năm, 31/12/2015 08:00:00 +07:00

Ngày cuối cùng của năm 2015 cũng là lúc nhìn lại một năm qua và điểm lại các sự kiện gây chấn động hoặc có tác động lớn đến nền công nghiệp xe hơi thế giới, như

(VTC News) - Ngày cuối cùng của năm 2015 cũng là lúc nhìn lại một năm qua và điểm lại các sự kiện gây chấn động hoặc có tác động lớn đến nền công nghiệp xe hơi thế giới, như scandal khí thải của Volkswagen hay xe tự lái của Google

1. Dieselgate – Vụ bê bối khí thải của Volkswagen

Tiến sỹ Ulrich Hackenberg, người có 30 năm gắn bó và chịu trách nhiệm về kỹ thuật của Volkswagen phải từ chức sau bê bối gian lận khí thải
2015 là năm khó quên của hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới khi các động cơ turbo diesel cỡ nhỏ của Volkswagen bị phát hiện đều có “sự can thiệp” để vượt qua kiểm tra về khí thải. Các kỹ sư VW đã lắp một “thiết bị đánh lừa” để các động cơ turbo diesel đáp ứng kiểm tra chính thức về tiêu chuẩn khí thải.

Tiết lộ gây sốc này còn khiến công chúng choáng váng hơn khi có liên quan tới một loạt nhân sự cấp cao của VW tại Wolfsburg, chủ tịch Martin Winterkorn và nhóm kỹ sư trưởng trong đó có kỹ sư nghiên cứu và phát triển hàng đầu của Audi, Ulrich Hackenberg.

Hiện VW chưa lên kế hoạch giải quyết triệt để hậu quả từ scandal chấn động có tên Dieselgate, song thống kê cho thấy đã có trên 11 triệu xe chịu ảnh hưởng và tổn thất để sửa chữa, mua lại, kiện tụng…sẽ vào khoảng trên 20 tỷ USD.


2. Xu hướng ưa chuộng các dòng xe điện


 Mẫu xe chạy điện Bolt EV Concept của Chevrolet
Sau scandal chấn động Dieselgate của Volkswagen, người ta bắt đầu chuyển sang các dòng xe điện, bất kể một số vấn đề về hạ tầng và chi phí.

Có thể kể tới một số mẫu xe điện ấn tượng như mẫu Porsche Mission E concept tại triển lãm ôtô Frankfurt, mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện với quãng đường chạy 300 dặm (khoảng 483 km) hay mẫu SUV điện e-tron quattro của Audi với quãng đường chạy 500 km chỉ sau một lần sạc.

Dường như vụ bê bối của VW đã khiến nhiều người mất niềm tin vào tương lai, khi mà các động cơ diesel khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về khí thải. Giờ đây giải pháp thay thế có thể là các dòng xe điện, trong đó đáng nói là mẫu Bolt EV concept của Chevrolet với quãng đường chạy 200 dặm (khoảng 322 km) và có mức giá 30.000 USD.


3. Giới công nghiệp ô tô lo ngại trước xe tự hành của Google

Mô hình thử nghiệm xe tự lái của Google
Với nhiều tên gọi khác nhau như xe tự lái, xe robot hay xe không người lái, những chiếc xe này đang thu hút sự quan tâm của giới truyền thông khắp nơi. Tesla đang triển khai mô hình xe tự lái trên một số phiên bản hiện nay, chủ xe được thử nghiệm ở vai trò mới: ngồi trên xe và giải phóng hoàn toàn đôi tay.

Bên cạnh đó, Google cũng làm giới săn tin sục sôi khi ra thông báo mở đầu kỷ nguyên mới về ô tô  với một đội quân hùng hậu các “chiến binh” tự lái. “Gã khổng lồ” công nghệ giới thiệu tới công chúng mô hình thử nghiệm xe tự lái hình quả trứng dự kiến sẽ xuất hiện trên đường phố cuối thập kỷ này.

Sau thông báo của Google, có tin đồn cho rằng hãng Ford sẽ hợp tác với Google để xây dựng các động cơ ô tô sử dụng công nghệ tự lái của Google. Xe tự lái đang là phân khúc hấp dẫn của nhiều hãng sản xuất ô tô.

Trong khi đó, người ta cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm pháp lý và mức độ sử dụng xe tự lái do pháp luật quy định, những vấn đề hiện vẫn thuộc thẩm quyền của các tòa án và cơ quan lập pháp.


4. Tiêu chuẩn an toàn của Mỹ sẽ định hướng các nhà sản xuất ô tô


Thử nghiệm hệ thống cảnh báo va chạm phía trước
Dù không phải lúc nào cũng đi trước đón đầu các đợt triệu hồi xe, song NHTSA (Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ) đang nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông nhờ công nghệ.

Tháng 12/2015, NHTSA thông báo sẽ tăng cường kiểm soát tối đa công nghệ an toàn trên các xe hiện nay, từ camera lùi tới cảnh báo va chạm phía trước và phanh tự động – bắt buộc trang bị trên các dòng xe mới phiên bản 2019.

Trên thực tế, để đạt đánh giá 5 sao khi quy định mới được thi hành, các xe ôtô phải vượt qua kiểm tra tránh va chạm và bảo vệ người đi đường, cũng như các bài kiểm tra mới và khó hơn về an toàn giao thông ở những góc đường hẹp, góc chết và va chạm phía trước.

Mục đích của những bài kiểm tra này là để việc trang bị các hệ thống hỗ trợ như cảnh báo va chạm trước, phanh tự động và camera lùi trở thành quy định bắt buộc.


5. General Motors lao đao vì lỗi ổ khóa điện gây chết người


Bộ khóa khởi động trên hàng triệu xe của General Motors được đóng gói và vận chuyển trở lại hãng theo lệnh triệu hồi
Trong vòng hai năm qua, đợt triệu hồi hàng triệu xe bị lỗi ổ khóa khởi động đã khiến GM lao đao trước tòa án và các chính phủ liên bang. Ác mộng chưa dừng khi giờ đây, nhiều khả năng GM phải đối mặt với khung hình phạt dân sự và hình sự.

Báo cáo cuối năm 2015 cho biết đã có ít nhất 275 người bị thương và 124 ca tử vong do lỗi kỹ thuật này trên xe của GM. Tổng thiệt hại hãng phải đền bù cho gia đình các nạn nhân hiện hơn 500 triệu USD, chưa kể tiền thanh toán chi phí sửa chữa cho hơn 2,6 triệu xe bị ảnh hưởng.

Và đó cũng là chưa kể mức nộp phạt hình sự (có thể lên tới 1 tỷ USD) mà GM phải chịu do trì hoãn quá lâu việc khắc phục thay thế khóa khởi động dính lỗi sau khi sự việc bị phát hiện.


6. "Cơn ác mộng" mang tên túi khí Takata


Logo biểu tượng của Takata, nhà sản xuất túi khí Nhật Bản
Có thể nói 2015 là năm của các vụ chấn động lớn khi nhà sản xuất túi khí Nhật Bản Takata công bố ước tính gần 34 triệu xe bị lỗi túi khí do hãng sản xuất hồi tháng 5/2015. Được biết túi khí Takata bị lỗi cụm bơm khí, ảnh hưởng tới độ ẩm và dễ nổ sớm.

Đây là nguyên nhân khiến nhiều hãng xe lớn đồng loạt tẩy chay túi khí Takata như: Honda, Toyota, Mazda, Ford…; và sự kiện xe bị triệu hồi vì lỗi túi khí Takata cũng là vụ bê bối chẳng kém scandal của Volkswagen hay General Motors, một vụ tai tiếng lớn cho công ty của Nhật Bản.


7. Nhiều mẫu xe mới ra đã lập kỷ lục về doanh thu


Subaru Outback phiên bản 2016
Bên cạnh các vụ việc chấn động, 2015 cũng là năm chứng kiến nhiều mẫu xe mới đạt kỷ lục về doanh thu. Nhiều hãng xe đạt doanh số cao tại thị trường Mỹ trong năm 2015, vượt doanh số năm ngoái và thậm chí nhiều hãng còn phá kỷ lục từ trước tới nay.

Trong năm nay, nhiều thương hiệu có bước đột phá về doanh số như Kia, Hyundai, Nissan và Mercedes-Benz. Hãng Subaru cũng có một năm khởi sắc, vượt kỷ lục doanh thu hàng năm và hiện đang chờ thống kê chính thức về doanh số tháng 12 và cả năm 2015.

8. Xu hướng “Nam tiến” của các nhà máy lắp ráp ô tô trên toàn cầu


Sân vận động Atlanta Falcons với biểu tượng Mercedes-Benz quen thuộc
Năm 2015 cũng là năm chứng kiến cuộc chuyển dời thú vị khi nhiều hãng xe hơi có xu hướng “Nam tiến”. Đặc biệt nhiều hãng xe ở châu Á đều có xu hướng dịch chuyển nhà máy xuống phía Nam.

Tháng 1/2015, Mercedes-Benz Mỹ thông báo hãng sẽ chuyển từ trụ sở New Jersey về ngoại ô Atlanta, Georgia, gây dựng lại cơ sở vào mùa hè và hoàn thiện văn phòng trước 2018.

Công ty này cũng mua quyền đặt tên cho sân vận động bóng đá mới của thủ đô Georgia – trước khi CEO Stephen Cannon rời công ty để lãnh đạo nhóm quản lý sân vận động và đội bóng đá Atlanta Falcons.

Trong khi đó, Volvo cũng cho biết hãng sẽ xây nhà máy lắp ráp gần Charleston, phía Nam Carolina, và một hãng ôtô khác là Porsche thì chính thức khai trương trụ sở mới cạnh sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson, Atlanta.


9. Xe SUV trở thành "lá cờ đầu" của các nhà sản xuất xe hơi


 Lamborghini cũng khẳng định hãng sẽ trình làng mẫu Urus SUV
Với mức giá xăng dầu trung bình khoảng 2 USD/gallon (tương đương 3,8L), doanh số các dòng xe SUV có xu hướng tăng trong năm 2015. Giờ đây ngay cả các thương hiệu xe mới và sang cũng nghiêng về các dòng xe SUV và bán tải.

Bentley giới thiệu mẫu Bentayga SUV đi kèm với chiếc đồng hồ “sang chảnh” Tourbillon gắn trên bảng táp-lô có giá 170.000 USD, giá trị bằng một nửa xe. Lamborghini cũng khẳng định hãng sẽ thiết kế mẫu Urus SUV, hay Rolls-Royce tiết lộ hãng đang phát triển một mẫu xe "mang dáng dấp" một chiếc SUV.

Ngay cả thị trường Châu Á cũng không nằm ngoài xu hướng này khi Hyundai hứa hẹn sẽ mang tới thị trường các mẫu Genesis SUV sang trọng, tiện lợi. Một công ty khác là Volvo thì sẽ nhượng quyền thương hiệu xe sang giá cao, mẫu XC90.

Còn nhớ khi thế giới chỉ trích Cadillac và Lincoln khi “đốt tiền” vào các sản phẩm xe sang giá cao như Escalade và Navigator? Ngày nay, có vẻ như không một nhà sản xuất nào có thể đứng yên trước lợi nhuận từ xe SUV và các mẫu bán tải.



Trần Anh
Bình luận
vtcnews.vn