9 ‘sắc thái’ Boris Johnson: Hành trình từ cậu bé bị bắt nạt trở thành Thủ tướng Anh

Thế giớiThứ Năm, 25/07/2019 20:18:00 +07:00

Từ cậu bé chuyên bị bắt nạt, đến nhà báo, Ngoại trưởng và giờ là Thủ tướng, sự nghiệp chính trị của ông Boris Johnson luôn đầy ắp sự tranh cãi.

johnson1

Boris Johnson (trái) cùng mẹ Charlotte và gia đình. Ảnh chụp đầu những năm 1970. (Ảnh: Telegraph).

1. Tuổi thơ đầy tham vọng

Alexander Boris de Pfeffel Johnson sinh ngày 19/6/1964 tại New York với tên thân mật trong gia đình là Al. Từ khi sinh ra cho đến năm 14 tuổi, gia đình Johnson đã phải chuyển nhà liên tục 32 lần qua 2 lục địa khác nhau do công việc của người cha Stanley. Mẹ ông, bà Charlotte, đã phải bỏ học đại học Oxford để theo chồng sang Mỹ sau sinh cậu con trai Boris ở tuổi 22.

Cho tới năm 8 tuổi, cậu bé Al bị điếc khá nặng do căn viêm tai giữa tràn dịch và khá nhút nhát. Ông được mẹ yêu thương, chăm sóc, nhưng cha ông lại đòi hỏi những người con của mình phải trở nên cứng rắn và có tính cạnh tranh cao. Chiến thắng là ưu tiên hàng đầu, cho dù là người chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất hay có mái tóc vàng nhất, tất cả đã khuyến khích cậu bé Al yếu đuối ngày nào đặt mục tiêu trở thành “ông vua của thế giới”.

2. Al trở thành Boris

Al và Rachel, hai đứa trẻ lớn nhất của nhà Johnson được cha mẹ gửi sang học trường tư thục ở Anh. Ngày đó, cậu bé Al luôn bị các bạn bắt nạt bởi là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và do gia đình ở tại Brussels (Bỉ). Để tự bảo vệ mình, Al đã dần dần biến bản thân thành một người Anh đích thực, từ cách ăn nói cho tới lựa chọn trang phục.

johnson2

Boris Johnson ở trường Eton năm 1979. (Ảnh: Shutterstock)

Đến khi nhập học vào trường Eton, phiên bản Al nhút nhát ngày nào đã đổi tên thành một Boris phóng khoáng, lòe loẹt. Dù là một học sinh có học lực tốt, Boris cũng gây nhiều "ấn tượng" cũng như khiến các giáo viên của mình nhiều lần nổi giận do thái độ kiêu ngạo.

3. Chính trị gia Oxford

Năm 1983, Boris Johnson theo học đại học Oxford, ngành văn học kinh điển tại trường Balliol. Tại đây, Boris Johnson đã giành được nhiều thành tích đáng kể và dường như những giải thưởng cao quý nhất đều được định sẵn giành cho cậu thanh niên tài năng nhưng nghịch ngợm này.

johnson3 3

Bộ trưởng văn hóa Hy Lạp nói chuyện với Chủ tịch Oxford Union Boris Johnson trước khi bà có bài phát biểu với Hội, ngày 12/8/1986. (Ảnh: Reuters)

Boris có tham vọng trở thành Chủ tịch của tổ chức Oxford Union, tuy nhiên ông đã thất bại trong lần đầu tranh cử. Nhưng điều đó không khiến ông nản lòng. Thất bại là mẹ thành công, Boris 2.0 đã thay đổi cách tranh cử, biết sử dụng nguồn lực từ những người ngưỡng mộ ông, ngụy trang bài phát biểu tranh cử đầy tính thuyết phục ẩn trong những câu nói hài hước, và cuối cùng, ông đã trở thành Chủ tịch Oxford Union, vị trí từng do cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague và Cựu Thủ tướng Edward Heath nắm giữ. Từ đó, chính trị gia Boris Johnson đã ra đời.

4. Thất bại đầu đời

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học năm 1987, chàng thanh niên Boris đã nhanh chóng cưới người vợ đầu Allegra Mostyn-Owen giàu có và xinh đẹp. Sau đó, ông đã nhanh chóng kiếm được công việc thực tập tại tờ báo The Times of London. Thế nhưng, ngôi sao một thời tại Eton và Oxford không nhận được cảm tình của tòa soạn. Thậm chí, ông còn bị Toà soạn sa thải do đưa sai trích dẫn trong một bài báo về khám phá khảo cổ cung điện của Vua Edward II.

5. Những năm tháng ở Brussels

johnson4 3

Boris Johnson tại một bữa tiệc ở Brussels vào khoảng năm 1990 trong thời gian làm phóng viên thường trú của Daily Telegraph tại Brussels. (Nguồn: Guardian)

Không lâu sau, ông Johnson đã kiếm được công việc mới ở tờ báo Daily Telegraph, nhờ quen biết với Tổng biên tập Max Hastings. Chàng trai trẻ Boris tìm được những thành công ở tòa soạn mới, và được cử đi làm phóng viên thường trú tại Brussels ở tuổi 25. Trong 5 năm làm việc tại đây, Boris Johnson đã thành danh bằng cách gần như một mình phát triển những bài báo hấp dẫn nhưng cũng đầy tính bảo thủ, chê bai những quyết định của EU. Tuy ông không được lòng các đồng nghiệp ở châu Âu, nhưng ở quê nhà, cái tên Boris Johnson được nhiều người Anh biết đến, những bài báo của ông cũng được đón nhận tích cực. Qua đó, ông đã nếm được hương vị quyền lực và say sưa trong đó.

6. Người nổi tiếng

Năm 1994, ông Boris Johnson được gọi về London và được bổ nhiệm vào vị trí trợ lý Tổng biên tập tờ Telegraph và chủ mục chính trị. Ông cũng nhận làm chủ mục cho tờ tạp chí The Spectator.

johnson5 5

Boris Johnson xuất hiện trên chương trình Have I Got News for You. (Ảnh: BBC)

Trong khoảng thời gian này, Boris Johnson vướng vào một scandal với người bạn Darius Guppy, người từng bị kết tội lừa đảo, khi hai người cùng nhau lên kế hoạch “dọa nạt” một nhà báo khác. Khi xuất hiện trên chương trình “Have I Got News for You” năm 1998, bê bối này một lần nữa được đưa ra trên truyền hình, nhưng ông Johnson đã tự biến mình thành trò cười cho khán giả và từ đó, giành được một số lượng lớn người ủng hộ mới.

Boris Johnson được bổ nhiệm làm Tổng biên tập của Tạp chí The Spectator năm 1999 trước khi được đề cử vào làm ứng viên đảng Bảo thủ của thị trấn Henley-on-Thames và được bầu vào năm 2001. Năm 2005, khi David Cameron được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông Johnson trở lại làm bộ trưởng giáo dục đại học.

7. Ngài Thị trưởng Boris Johnson

Năm 2008, Boris Johnson rút khỏi Nghị viện và đánh bại Ken Livingstone của đảng Lao động để trở thành thị trưởng của thành phố London. Trong thời gian này, ông Boris đã đạt được danh tiếng đáng kể, nổi bật với dịch vụ chia sẻ xe đạp tại London mang tên ông - "Xe đạp Boris".

johnson6 5

Thị trưởng thành phố London Boris Johnson bị mắc kẹt trên dây kéo khi cổ vũ cho Olympic London 2012. (Ảnh: Barcroft Media)

Năm 2012, Boris Johnson tái đắc cử vị trí Thị trưởng, bất chấp một rắc rối trong vấn đề quảng bá Thế vận hội tổ chức tại London mùa Hè năm đó. Người London thường có xu hướng bầu nhiều hơn cho đảng Lao động nhưng Boris Johnson là một ngoại lệ. Những người ủng hộ ông tin rằng những bê bối sẽ chỉ cho thấy ông là chân thực và đáng tin cậy hơn nhiều chính trị gia khác. Tuy nhiên các nhà phê bình chỉ trích ông không phải là một thị trưởng đúng nghĩa, phân tích rằng ông không có một kế hoạch rõ ràng và sử dụng vị trí này chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân.

8. Ủng hộ Brexit và trở thành Bộ trưởng Ngoại giao

Khi mọi thứ nóng lên trong cuộc tranh luận Brexit năm 2016, ông Boris tuyên bố nước Anh sẽ có một "tương lai vĩ đại" khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Khi Tổng thống Mỹ thời điểm đó Barack Obama khuyến khích Anh ở lại EU, ông Boris đã chỉ trích ông Obama là "đạo đức giả".

Sau khi Anh bỏ phiếu rời EU và Thủ tướng Cameron từ chức, Boris Johnson được dự đoán có khả năng cao trở thành Thủ tướng tiếp theo, nhưng ông lại tuyên bố sẽ không tham gia cuộc đua năm 2016.

johnson7 7

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc gặp gỡ giữa ông và Thủ tướng Anh Theresa May tại Liên hợp quốc năm 2017. (Ảnh: Golden State Times)

Khi bà Theresa May trở thành Thủ tướng Anh, bà đã bổ nhiệm ông Boris làm Ngoại trưởng nước này. Trong vai trò mới, ông đã đến thăm nhiều quốc gia EU mà trước đây ông đã lên án, đồng thời thuyết phục thế giới rằng Brexit sẽ không có nghĩa là Anh đang rời xa thế giới.

Tháng 7/2018, ông Boris từ chức Bộ trưởng Ngoại giao vì lập trường trái ngược với bà May về Brexit. Từ đó, ông trở thành một trong những người chỉ trích bà May mạnh mẽ nhất trong nghị viện. Tháng 9/2018, ông nói rằng thoả thuận Brexit mà bà May trình lên "tệ hơn nhiều" so với việc Anh ở lại EU. Ông ủng hộ "Brexit cứng", tức là Anh rời khỏi EU mà không có thoả thuận.

9. Cán đích “đỉnh cao” danh vọng

Ngày 27/3/2019, bà May tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng nếu thoả thuận Brexit bà đàm phán với EU không được Nghị viện chấp thuận. Ngay sau tuyên bố này của bà May, nhiều người đã bàn luận về việc ai sẽ là người thay thế bà và Boris Johnson đứng đầu danh sách này. Tuy nhiên, dù từng được ủng hộ lớn, một cuộc thăm dò khi đó cho thấy gần 60% đảng Bảo thủ nghĩ rằng ông thiếu các phẩm chất cần thiết để trở thành một thủ tướng.

johnson8 7

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đứng trước cổng số 10 phố Downing. (Ảnh: Getty Images)

Sau khi thoả thuận Brexit liên tiếp bị bác bỏ tại Nghị viện và phải lùi thời hạn, bà May tuyên bố từ chức trong một bài phát biểu đầy xúc động, chính thức khai hoả cho cuộc tranh cử giành vị trí của bà.

Cuối cùng, ngày 23/7, người được gọi tên để làm chủ nhân của ngôi nhà số 10 phố Downing là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Ông Johnson giành chiến thắng áp đảo trước “kỳ phùng địch thủ”, Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt, với số phiếu ủng hộ cách biệt là 92.153 phiếu và 46.656 phiếu. Với chiến thắng này, ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, kế nhiệm nữ Thủ tướng Theresa May kể từ ngày 24/7.

Dù đã đạt được thành công đầu tiên, không khó để nhận ra hàng loạt thách thức mà tân Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt. Việc bà May chia tay ngôi nhà số 10 phố Downing đã để lại cho người kế nhiệm “di sản” là một chính trường Anh chia rẽ và phân cực vì kế hoạch Brexit.

(Nguồn: Thế giới và Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn