85% lao động ngành dệt may sẽ mất việc vì... máy móc

Kinh tếThứ Ba, 05/12/2017 14:48:00 +07:00

Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới ILO (tháng 7/2016) trong thập niên tới, máy móc tự động sẽ thay thế khoảng 85% lao động ngành dệt may...

Dư luận đang rất quan tâm về việc "robot đang thay thế người lao động" trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay và đang từng bước áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh đã khiến nhiều người lao động một ngày nào đó sẽ bị máy móc đào thải.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới ILO (tháng 7/2016) trong thập niên tới, máy móc tự động sẽ thay thế hơn 50% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Trong đó, lực lượng lao động trong ngành Dệt may sẽ bị ảnh hưởng khoảng 85%.

Như vậy, có thể sẽ có khoảng 85% lao động ngành Dệt may phải chuyển đổi hoặc thất nghiệp.

det_may_2

Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới ILO (tháng 7/2016) trong thập niên tới, máy móc tự động sẽ thay thế khoảng 85% lao động ngành Dệt may.

Nhận định về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, không nên quá lo lắng về việc máy móc sẽ thay thế lực lượng lao động trong ngành dệt may.

Gần đây, chúng ta nghe đến rất nhiều việc máy móc thay thế con người trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, trong đó có ngành dệt may. Cảnh báo Tổ chức Lao động Quốc tế, trong vài chục năm nữa, ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, người lao động  trong ngành dệt may tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lên tới 86%, Indonesia là 85% và Campuchia là 88%.

Theo ông Cẩm, đây là những cảnh báo có căn cứ, nhưng khi nhìn trực diện vào nền kinh tế Việt Nam lại tồn tại nhiều vấn đề: "Cách mạng 4.0 đang đến nhanh đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, nó đến lúc nào và diễn ra như thế nào sẽ có những điểm khác nhau tùy từng ngành nghề".

"Đối với các công việc có tính chất lặp đi, lặp lại có thể thay bằng thiết bị, song, đối với những công việc thay đổi liên tục cần sự sáng tạo thì máy móc chỉ hỗ trợ người lao động chứ thay thế thì không có.

Ví dụ, thiết kế thời trang, đang có bước phát triển mạnh trong công nghệ in 3D. Nếu trong thời kỳ trước, để in được 1 tấm vải in 3D phải mất rất nhiều thời gian, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ cần 5 - 7 phút là hoàn thành. Nhưng về phần thiết kế lại mang cảm xúc con người, máy móc không thể thay thế", ông Cẩm nói.

Video: Quần áo được dệt từ lông chó, lông mèo gây sốt 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, đối với ngành dệt may trong 10 năm tới, tốc độ ảnh hưởng của khoa học công nghệ sẽ tùy thuộc vào công đoạn sản xuất hoặc lĩnh vực sản xuất.

Đối với các phân đoạn như sợi, dệt vải nhuộm, máy móc sẽ thay thế con người rất nhiều và có thể lên tới 30, 40, thậm chí là 50%. Tuy nhiên, một số phân đoạn khác cần sự sáng tạo, thay đổi thì máy móc chỉ có chức năng hỗ trợ con người .

"Tôi đánh giá công nghiệp 4.0 chỉ có tốt và không có áp lực lớn với ngành dệt may. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp con người bị máy móc thay thế và sẽ hình thành lực lượng thất nghiệp. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách để thu nạp lượng lao động bị thay thế, ví dụ như tạo công ăn việc làm ở một ngành nghề nào đó", ông Cẩm chia sẻ thêm.

Việt Vũ
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn