83 giáo viên dạy lái xe dùng bằng giả: Tiết lộ 'lỗ hổng' pháp lý

Tin tức 24h quaThứ Tư, 11/03/2020 07:21:44 +07:00

83 giáo viên có thể dùng giấy tờ giả xin dạy lái xe ở 5 trung tâm tại TP.HCM là do quy định tuyển dụng không bắt buộc xác minh tính pháp lý của văn bằng, chứng chỉ.

5 cơ sở đào tạo vừa bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) công bố sai phạm là: Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát, Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế giới, Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn, Trường dạy lái xe Thống Nhất.

Có 29 giáo viên dùng văn bằng giả, bà Phạm Thị Ngọc Thy (Hiệu phó Trường dạy lái xe Thống Nhất, 5 cơ sở tại quận 5 và 10) cho biết, do nhu cầu người học tăng cao nên trường tuyển giáo viên dạy thực hành. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 65/2016 của Chính phủ, trường yêu cầu người ứng tuyển nộp bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ sư phạm (bản photo có công chứng). Sau đó trường gửi hồ sơ qua Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM để các ứng viên dự chương trình tập huấn và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành.

Theo bà Thy, ông Nguyễn Hoàng Dân (phụ trách nhân sự của trường) vì muốn gấp rút hoàn thành các thủ tục giấy tờ để tuyển dụng giáo viên nên mua nhiều chứng chỉ giả, hoàn tất hồ sơ nộp Sở GTVT. Đây là nguyên nhân hàng loạt giáo viên của trường sử dụng bằng giả.

"Nhà trường tuyệt đối không bao che việc giáo viên sử dụng bằng giả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kỹ lưỡng hơn trong tiếp nhận hồ sơ giáo viên", bà Thy nói và cho biết trường đang xác minh văn bằng của 37 giáo viên còn lại nộp cho Sở GTVT tránh rắc rối về sau.

83 giáo viên dạy lái xe dùng bằng giả: Tiết lộ 'lỗ hổng' pháp lý - 1

Cơ sở đào tạo lái xe Thống Nhất. (Ảnh: Hà An)

 

Ông Huỳnh Sỹ, phụ trách hoạt động của Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn (đường Âu Cơ, quận Tân Phú) cho biết, cơ sở có khoảng 100 giáo viên, mỗi năm dạy hơn 1.000 học viên. 10 giáo viên của trường sử dụng văn bằng giả là "sự cố ngoài ý muốn", bởi chưa có quy định buộc cơ sở đào tạo phải xác minh bằng cấp, còn nhân viên nhận hồ sơ không có nghiệp vụ, khó phát hiện văn bằng, chứng chỉ thật hay giả.

"Qua sự việc này, khi tuyển dụng giáo viên chúng tôi sẽ gửi văn bản tới cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ, văn bằng đề nghị xác nhận ứng viên có học ở đó hay không. Việc này đảm bảo chất lượng dạy và học ở trung tâm", ông Sỹ nói.

Trả lời VnExpress, ông Bùi Hoà An (Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM) cho biết, 5 trường sai phạm đã cho thôi việc 83 giáo viên sử dụng bằng giả; thu hồi tất cả giấy tờ, văn bằng liên quan. Các cơ sở cũng bị đình chỉ hoạt động 1-3 tháng tùy mức độ sai phạm.

Nhận thấy "lỗ hổng" pháp lý, Sở đã yêu cầu các cơ sở đào tạo tự xác minh bằng cách gửi công văn về các trường xem giáo viên có học ở đó không. Tuy nhiên, có trường trả lời, trường không, vì nhiều giáo viên học chứng chỉ có địa chỉ ngoài Bắc. Trong tháng 3, Sở sẽ kiểm tra văn bằng, chứng chỉ giáo viên tất cả các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn.

Trong văn bản phát đi chiều 10/3, Sở GTVT TP HCM cho biết, tính đến tháng 2 thành phố có 73 cơ sở đào tạo lái xe (riêng dạy lái ôtô là 56 trường) với gần 6.600 giáo viên dạy thực hành. Hai năm gần đây thành phố cấp hơn một triệu giấy phép lái xe (chiếm 23% cả nước). Điều này tạo nên áp lực rất lớn đối với công tác quản lý về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe của Sở.

Nguyên nhân 83 giáo viên sử dụng chứng chỉ, bằng chuyên môn không hợp lệ, Sở cho là nhiều cơ sở buông lỏng việc xác minh. Các quy định hiện hành không yêu cầu Sở xác minh đối với văn bằng, chứng chỉ của giáo viên dạy thực hành lái xe. Việc tuyển dụng và tập huấn do cơ sở dạy lái xe chủ động thực hiện, nên phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên dạy thực hành.

83 giáo viên dạy lái xe dùng bằng giả: Tiết lộ 'lỗ hổng' pháp lý - 2

Khu vực thực hành tại Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát sau khi bị công bố sai phạm. (Ảnh: Hà An)

 

Theo luật sư Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), hành vi làm hoặc sử dụng văn bằng giả của giáo viên trường dạy lái xe có đầy đủ dấu hiệu tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 341, BLHS 2015. Tội này bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm; nếu phạm tội nhiều lần, có tổ chức và gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt tù từ hai năm đến 5 năm.

Luật sư Tám cho rằng, cần phải xử lý nghiêm việc làm hoặc sử dụng văn bằng giả nói trên để tình trạng này không còn tiếp diễn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các trường thiếu trách nhiệm để lượng lớn giáo viên sử dụng văn bằng giả.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe, đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an TP HCM điều tra, xử lý.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn