8 mốc phát triển 'vàng' của trẻ

Tổng hợpThứ Ba, 07/02/2012 03:28:00 +07:00

Ông bà ta thường nói: “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng theo quy luật phát triển đó.

Thật thú vị và hạnh phúc khi được chứng kiến sự lớn lên và phát triển của trẻ, đặc biệt là trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời trẻ như lúc trẻ biết cười, biết đi, biết nói…Đó cũng là những thời điểm quan trọng để bố mẹ và bác sĩ theo dõi sự phát triển của trẻ.
 

Ông bà ta thường nói: “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” – 3 quá trình phát triển thông thường của trẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng tuân theo quy luật phát triển đó. Do đó nếu trẻ trì hoãn một giai đoạn phát triển quan trọng nào đó, cũng đừng lo lắng.

Tuy nhiên, hãy chú ý hơn tới những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời trẻ để chắc chắn rằng trẻ đang phát triển bình thường và đúng hướng. Sau đây là 8 mốc phát triển của trẻ mà cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm:

1. Giao tiếp bằng mắt (6 – 8 tuần tuổi)

Khi được 6 – 8 tuần tuổi, trẻ sẽ bắt đầu giao tiếp bằng mắt. Đây là một trong những giai đoạn quan trọng đầu tiên của trẻ mà bạn cần lưu ý và là dấu ấn rất thú vị. Trẻ sẽ dùng ánh mắt để dõi theo bạn, nhìn những việc bạn làm và cuối cùng là tập trung vào bạn. Giao tiếp bằng mắt thể hiện rằng não của trẻ đang ghi nhận một gương mặt quen thuộc và nó cũng chỉ ra rằng sự phát triển về thần kinh và những kỹ năng giao tiếp của trẻ đang đi đúng hướng.

Hãy nhớ rằng một số trẻ sẽ có hoạt động giao tiếp bằng mắt muộn hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi; vì thế bạn không nên quá lo lắng nếu trẻ chỉ bắt đầu giao tiếp bằng mắt khi được 3 tháng. Nếu đến thời điểm 3 tháng mà trẻ vẫn chưa có hoạt động giao tiếp bằng mắt bạn nên cho trẻ đi kiểm tra thị lực.

2. Mỉm cười thân thiện (8 tuần tuổi)

Lần đầu tiên khi trẻ cười với bạn, chắc hẳn đó là khoảnh khắc không thể nào quên đối với bạn. Nụ cười này không giống như nụ cười vu vơ của những em bé mới sinh khi nhìn lên trần nhà hoặc những đồ vật khác. Nụ cười thân thiện đầu tiên này là một trải nghiệm có tính tương hỗ: trẻ cười đáp lại nụ cười của bạn.

Nụ cười thân thiện đánh dấu mốc phát triển của bé khác lạ hơn, là một dấu hiệu cho thấy những phần khác nhau trong não của bé đang dần hoàn thiện, nó cũng chỉ ra sự phát triển về mặt tình cảm. Bạn có thể phân biệt được cảm giác buồn của trẻ khi không thấy mẹ ở bên hay niềm vui của trẻ khi nhìn thấy bạn.

Nếu bạn không nhận được một nụ cười thân thiện nào của trẻ cho đến khi 3 tháng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ bởi có thể liên quan đến vấn đề về thị lực.

3. Lẫy (2 – 3 tháng tuổi)

Khi trẻ được 2 hoặc 3 tháng, trẻ sẽ bắt đầu tập lẫy. Trong thời gian này trẻ có thể chuyển người sang tư thế nằm úp, sau đó bắt đầu di chuyển tiến lên phía trước và lùi về phía sau (tuy nhiên không đủ lực nên chỉ xoay quanh 1 vị trí). Khi bé đủ chắc, những chuyển động này khiến trẻ trườn được. Khi trẻ có thể lật mình và trườn, hãy để giữ trẻ khi thay tã để tránh tai nạn.

Nếu đến 6 tháng tuổi mà trẻ chưa lẫy được, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên trẻ phát triển kỹ năng thể chất ở mức độ khác nhau nên có nhiều trẻ biết lẫy sớm hơn hoặc muộn hơn những trẻ khác.

4. Cầm đồ vật (từ 3 tháng tuổi trở lên)

Trẻ mới sinh có phản ứng cầm đồ vật bẩm sinh. Đó là lý do tại sao khi bạn chạm vào lòng bàn tay trẻ, trẻ sẽ dùng những ngón tay xinh xắn nắm lấy tay bạn. Khi trẻ được 3 tháng tuổi trẻ sẽ phát triển sự kết hợp tay – mắt; cố gắng với và cầm chặt những đồ vật mà mình muốn.

Bạn có thể nhận thấy rằng ở độ tuổi này trẻ làm rơi đồ trong tay và cố gắng nhặt chúng lên. Giai đoạn phát triển này giúp trẻ học về trọng lực. Với và cầm đồ vật cho thấy tính tò mò tự nhiên của trẻ.

Khi được 4 tháng tuổi, trẻ có thể nhặt những đồ vật lớn hơn. Trẻ sẽ không thể cầm được những đồ vật nhỏ nếu như không cải thiện sự linh hoạt của những ngón tay.

Ở giai đoạn này bạn có thể nhận thấy những giác quan của trẻ và giúp trẻ phát triển các giác quan bằng cách tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ thực hành kỹ năng đó.

Nếu trẻ có vẻ không thích thú với bất kỳ đồ chơi nào bạn đặt trước mặt trẻ khi được 8 tháng tuổi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Những trẻ sinh non bước vào giai đoạn  này muộn hơn nhưng bác sĩ có thể đưa ra cho bác những lời khuyên về thời điểm thích hợp cho trường hợp của bạn.

5. Tồn tại độc lập (hơn 5 tháng tuổi)

Khi bước vào giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hiểu khái niệm về việc giữ chặt và lâu đồ vật – nghĩa là trẻ hiểu được rằng những đồ vật đó sẽ vẫn ở đây, bên cạnh mình, thậm chí ngay cả khi chúng được dấu ở đâu đó. Đó là lý do vì sao trẻ ở lứa tuổi này thường thích trò chơi ú òa.

Trò chơi này kích thích trí nhớ và kỹ năng suy nghĩ trừu tượng của trẻ. Hãy bắt đầu chơi ú òa với trẻ ở độ tuổi này và bạn sẽ nhận được nhiều nụ cười của trẻ.

6. Ngồi (4 – 8 tháng tuổi)

Hầu hết những đứa trẻ bắt đầu học ngồi 1 mình trong khoảng 4 – 8 tháng tuổi. Đó là lúc mà trẻ lẫy thành thạo và giữ cho đầu mình ngẩng lên được. Đến 8 tháng tuổi, khoảng 90% trẻ có thể tự ngồi trong vài phút mà không cần ai giúp đỡ. Nếu đến 6 tháng tuổi mà trẻ không thể tự giữ đầu vững, bạn cần đến gặp bác sĩ để tham khảo.

7. Bò (6 – 10 tháng tuổi)

Khi trẻ biết ngồi thì chỉ một thời gian sau trẻ sẵn sàng khám phá phần còn lại của ngôi nhà. Trẻ bắt đầu tại vị trí đang ngồi, sau đó sẽ bắt đầu tập bò. Ngay khi nhận ra rằng mình có đủ sức để tự giúp bản thân mình, trẻ sẽ bò đi xung quanh.

Không phải tất cả trẻ đều bò theo kiểu tay – đầu gối. 1 số trẻ thích di chuyển trên mông trong khi một sô khác thích lăn.

Để khuyến khích trẻ tập bò, hãy cho trẻ không gian, sau đó đặt những đồ chơi hoặc đồ vật mà trẻ yêu thích ngoài tầm với của trẻ để trẻ bò đến lấy.

Khi trẻ bước vào giai đoạn này hãy bảo vệ an toàn cho trẻ bởi bạn không muốn trẻ đi vào những nơi không nên vào hay động vào những đồ không nên động như các thiết bị điện hay đồ vật sắc, nhọn.

Tất cả trẻ sẽ học được cách di chuyển trong môi trường của mình – cho dù bằng cách bò, lăn hay chạy. Nếu trẻ tỏ ra không hứng thú với việc di chuyển khi được 1 tuổi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về trường hợp này để có biện pháp thích hợp.

8. Đi (từ 10 tháng tuổi)

Khi trẻ bò vững, trẻ bắt đầu tìn kiếm những thứ để có thể vịn vào để đứng dậy như thành cũi, tay ghế… Để giúp trẻ an toàn trong giai đoạn này, bạn hãy di dời những đồ vật không chắc chắn hoặc dễ đổ khi trẻ động vào.

Ngay khi trẻ tự đứng thì những bước đi chập chững đầu đời sẽ xuất hiện. Một số trẻ bắt đầu lẫm chẫm đi sau 10 tháng tuổi; một số khác muộn hơn hoặc sớm hơn. Trẻ tập đi trong giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi và có thể đi xung quanh nhà khi được 14 – 15 tháng tuổi. Việc tập đi đòi hỏi nhiều thời gian; vì vậy nếu còn điều gì băn khoăn, hãy liên lạc ngay với bác sĩ.

Theo Eva
Bình luận
vtcnews.vn