8 loài động vật có nọc cực độc được dùng để chữa bệnh

Tin tứcChủ Nhật, 28/03/2021 15:14:41 +07:00

Nọc độc của rắn, bọ cạp, thằn lằn hay ong có thể gây chết người nhưng chúng cũng được sử dụng làm phương pháp chữa bệnh.

Từ xưa đến nay, mọi người đều biết các loài động vật chứa nọc độc mạnh như rắn, bọ cạp..., có thể gây tử vong cho con người chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, nọc độc về bản chất là chất hóa học, trong tự nhiên, chúng có thể gây nguy hiểm chết người. Nhưng về mặt y học, một số nọc độc có thể trở thành thuốc quý và hỗ trợ chữa bệnh.

Nọc độc của 8 loài động vật dưới đây có thể cứu bạn trong nhiều tình huống.

Rắn

Theo Medical News Today, nói đến nọc độc, không thể không nhắc tới loài rắn. Nọc độc của rắn có lẽ là biểu tượng của nọc độc động vật nói chung, cả về sự nguy hiểm lẫn tác dụng trong y học. Trong nhiều trường hợp, sử dụng nọc rắn còn là cách tốt nhất để cứu chính những người bị cắn.

Vào những năm 1960, bác sĩ người Malaysia Hugh Alistair Reid đã có bước đột phá khi phát hiện tác dụng của nọc độc từ loài rắn. Phát hiện này được công bố trên Toxicon, tạp chí chính thức của Hiệp hội Độc chất Quốc tế. Nó giúp Reid và các nhà khoa học khám phá và nghiên cứu thêm về công dụng của nọc độc rắn trong y học.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra nọc của rắn hổ mang Ấn Độ có thể hỗ trợ cho bệnh nhân bị viêm khớp. Đây là một trong những loài rắn độc phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á.

Các thí nghiệm trên chuột bị mắc bệnh viêm khớp cho thấy chỉ với liều nhỏ nọc rắn hổ mang đã giúp giảm sưng và cứng khớp triệt để. Nọc độc của loài rắn này ức chế sự phá vỡ collagen trong khớp dẫn đến tổn thương khớp.

8 loài động vật có nọc cực độc được dùng để chữa bệnh - 1

Nọc độc của rắn được ứng dụng trong nhiều phương thuốc chữa bệnh. (Ảnh: Nature)

Bọ cạp

Các nhà khoa học đưa nọc độc bọ cạp vào nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh ung thư. Chất độc trong nọc bọ cạp được cho là có thể thu nhỏ và làm chậm sự phát triển của các khối u.

Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Quốc gia, các nhà khoa học có thể sử dụng hợp chất quan trọng trong nọc độc bọ cạp để nhắm vào tế bào ung thư mà không ảnh hưởng tế bào khỏe mạnh bên cạnh. Khám phá này mang lại đột phá lớn trong việc điều trị một trong những dạng ung thư não nguy hiểm nhất: u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng (GBM).

Ong

Theo National Geographic, nhiều người không biết rằng ong là loài có nọc độc khá mạnh, thậm chí có thể gây chết người. Tuy nhiên, con người đã nghiên cứu về khả năng chữa bệnh của nọc ong trong hơn 5.000 năm. Khoa học gần đây củng cố thêm nhiều bằng chứng về loại thuốc tự nhiên mạnh mẽ này.

Liệu pháp nọc ong (BVT) được chứng minh có lợi cho hệ miễn dịch khi được sử dụng đúng cách. Liệu pháp này ngày càng được sử dụng phổ biến trong điều trị các loại bệnh bao gồm viêm khớp, bệnh Lyme, chàm, hen suyễn, khối u...

Nhện

Nọc độc của nhện được chứng minh là có khả năng giảm đau, chống ung thư, loạn dưỡng cơ..., đặc biệt là loài nhện góa phụ đen.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy nọc độc từ nhện mạng phễu chết người tại Australia có thể ngăn chặn tổn thương não do đột quỵ. Trong khi đó, nghiên cứu khác được thực hiện bởi Đại học Queensland (Australia) khẳng định một số thành phần trong nọc độc của nhện tarantula có thể được sử dụng như chất thay thế không gây nghiện cho thuốc giảm đau opioid, có lợi với những người phải dùng thuốc giảm đau mạn tính.

Ốc sên

Đa số loài ốc sên đều vô hại, nhưng ốc nón là ngoại lệ. Chúng là một trong những loài động vật độc nhất trên thế giới. Ốc nón thường sinh sống trong các rặng san hô thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chỉ cần một lượng cực nhỏ nọc độc của chúng cũng có thể khiến một người đàn ông trưởng thành mất mạng sau vài phút.

Tuy nhiên loại nọc độc này được cho là mạnh gấp hàng trăm lần so với morphin. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra phương thức tốt nhất để khai thác, bào chế và sử dụng trong y học.

8 loài động vật có nọc cực độc được dùng để chữa bệnh - 2

Loài thằn lằn được mệnh danh là "quái vật gila" có nọc độc giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường type II. (Ảnh: Britannica)

Thằn lằn

Một trong những bước đột phá đầu tiên trong y học nghiên cứu nọc độc động vật xảy ra vào đầu những năm 1990. Khi đó, các nhà nghiên cứu phát hiện điều thú vị về nọc độc của "quái vật gila", loài thằn lằn lớn, nhiều màu sắc, có nguồn gốc ở tây nam nước Mỹ.

Các nhà khoa học phát hiện loại hormone mạnh trong nọc độc của thằn lằn gila có thể kích thích sản xuất insulin, hợp chất cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Hormone này tương tự hoạt chất nội tiết trong bộ máy tiêu hóa của con người, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, nhưng có tác dụng kéo dài hơn.

Các nhà khoa học đã sản xuất loại thuốc có tên Byetta, thí nghiệm trên bệnh nhân tiểu đường type II và đạt kết quả đáng kinh ngạc. Chỉ một mũi tiêm trước khi ăn một giờ, Byetta có thể điều chỉnh lượng đường trong máu, làm giảm nguy cơ gây biến chứng của bệnh tiểu đường khoảng 8 tháng.

Dơi

Nọc độc của dơi là một trong những lĩnh vực tiên tiến nhất khi nghiên cứu về nọc độc của động vật sử dụng cho con người. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Queensland phát hiện nọc độc của dơi ma cà rồng chứa peptide điều chỉnh huyết áp, hỗ trợ điều trị một số bệnh bao gồm suy tim, tăng huyết áp và bệnh thận.

Theo các nhà nghiên cứu, peptide là dạng đột biến của calcitonin gene related peptide (CGRP), được cơ thể sử dụng để làm giãn mạch máu. Vì tình trạng của các mạch máu có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch, những đặc tính này trong nọc độc của dơi có thể là liệu pháp khả quan cho những người mắc vấn đề về tim mạch nếu kết quả nghiên cứu cuối cùng được đưa ra.

Sứa

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của những người đi bơi ở biển là bị sứa đốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy sau khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nọc độc của sứa được chứng minh có đặc tính chống ung thư.

Mặc dù việc sử dụng nọc độc của sứa để làm thuốc chưa được nghiên cứu nhiều như động vật khác, các nhà khoa học đang dần quan tâm đến chúng trong những năm gần đây.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp