8 đập Trung Quốc chặn 40 tỷ m3 nước, làm mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục?

Thế giớiThứ Hai, 22/07/2019 17:48:00 +07:00

Một nhóm nghiên cứu cho biết 8 đập Trung Quốc chặn 40 tỷ m3 nước, gây ra dòng chảy thấp bất thường của sông Mekong.

Tám con đập Trung Quốc, được xây dựng trên sông Mekong (hay gọi là Lan Thương ở Trung Quốc), được cho là thủ phạm chính trong sự sụt giảm mạnh mực nước hạ lưu và những khó khăn gây ra cho người dân ở các quốc gia ven sông, theo Mekong Butterfly, nhóm dân sự Thái Lan nghiên cứu tác động của các con đập được xây dựng dọc theo sông Mekong.

Nhóm nghiên cứu cho biết 8 con đập chặn tổng cộng hơn 40 tỷ m3 nước để sử dụng cho sản xuất điện, tưới tiêu và các mục đích khác và chúng là nguyên nhân chính gây ra dòng chảy bất thường của dòng sông, ảnh hưởng đến sinh kế của những người sống dọc bờ sông.

mekong-1

 Sông Mê Kông ở Chiang Rai hôm 20/7. (Ảnh: Wassayos Ngamkham)

Theo nhóm này, mực nước thấp nhất được quan sát thấy khi đập Cảnh Hồng, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cắt giảm tốc độ dòng nước qua đập xuống 500 m3/giây. Lưu lượng được tăng lên 1.000 m3/giây vào ngày 18/7.

Tuy nhiên, mực nước ở một số tỉnh phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan vẫn ở mức thấp kỷ lục, khiến cho việc điều hướng, đánh bắt và bơm nước cho tưới tiêu là không thể.

Theo các chuyên gia khác, lượng mưa giảm ở khu vực Đông Nam Á, việc giảm lượng nước thoát ra từ đập Cảnh Hồng ở miền Nam Trung Quốc và kế hoạch chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi ở Lào là nguyên nhân sự sụt giảm mạnh của mực nước hiện tại ở hạ lưu sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Ủy ban sông Mekong (MRC), cơ quan theo dõi dòng chảy của sông Mekong, tuần trước tuyên bố rằng mực nước sông đã giảm xuống dưới mức tối thiểu lịch sử. Ủy ban báo cáo rằng mực nước ở sông Mekong trong mùa lũ đầu từ tháng 6 đến tháng 7 thấp hơn so với mức được ghi nhận vào năm 1992, khi lưu lượng thấp nhất được ghi nhận. Ủy ban cho biết Trung Quốc đã gia hạn cam kết chia sẻ dữ liệu thủy văn với MRC, thỏa thuận sẽ cho phép họ theo dõi chặt chẽ các biến động của nước ở sông Mekong.

mekong2

 Bờ sông ở Viêng Chăn khi mực nước xuống thấp.

Theo Bangkok Post, các nhóm dân sự ngày 22/7 gửi bản kiến nghị kêu gọi chính phủ các nước dọc theo sông Mekong xem xét các dự án đập sắp tới. Bản kiến nghị được Mạng lưới Bảo tồn Mekong (MCN) đệ trình trong diễn đàn được tổ chức tại tỉnh Chiang Rai về tác động của các con đập trên sông Mekong.

Điều phối viên MCN, Somkiat Khuanchiangsa cho rằng Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia phải tìm giải pháp ngăn chặn thiệt hại sinh thái gây ra bởi 11 đập hoạt động và 11 đập khác sẽ được xây dựng ở hạ lưu sông Mekong. 

Pianfly Deetes, nhà bảo tồn đại diện cho nhóm chiến dịch International Rivers, cho biết mực nước giảm mạnh và các tác động sinh thái tiếp theo như hạn hán và tuyệt chủng cá ở sông Mekong "sẽ trở nên bình thường" nếu một loạt các đập thủy điện như đập Xayaburi bắt đầu hoạt động trong ba thập kỷ tới. Bà Pianyh kêu gọi các chính phủ ở các nước ven sông và các nhà điều hành đập phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa và kế hoạch giảm thiểu.

"Nhà điều hành đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc cần phân tích lượng nước ở sông Mekong và các nhánh sông trước khi điều tiết bất kỳ dòng chảy nào và phải làm cẩn thận vì đập chỉ cách tỉnh Chiang Rai 360km", bà nói.

Đối với đập Xayaburi ở Lào, trong đó công ty xây dựng CH Karnchang của Thái Lan là nhà đồng đầu tư và sẽ bán điện cho Cơ quan Phát điện Thái Lan (Egat) sau tháng 10, bà Pianyh cho biết nhà điều hành chỉ nên chạy thử khi có đủ lượng nước ở sông. "Egat phải nhận ra rằng nước ở sông Mekong đang khan hiếm... cá trên sông sẽ dần bị xóa sổ", bà nói.

Bà nói rằng mực nước sông Mekong giảm mạnh, sự xuất hiện của cát và ghềnh, cái chết của nhiều con cá trên bãi cát và trạm bơm nước không hoạt động là sự khởi đầu của những gì có thể xảy ra trong những tháng tới khi đập thủy điện Xayaburi ở chế độ hoạt động đầy đủ.

"Hiện tại, chỉ có hai đập và chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều hậu quả. Có thêm 28 đập nữa đang được xây dựng tại Trung Quốc và 11 đập khác ở Lào. Chúng tôi không thể phủ nhận sự cần thiết của các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (EIA)", bà Pianyh nói.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn