75 năm Pippi Tất dài: Câu chuyện thiếu nhi truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 15/12/2020 16:32:00 +07:00
(VTC News) -

Từ một cuốn truyện gây nhiều tranh luận, Pippi Tất dài trở thành nguồn cảm hứng dồi dào về thế giới hồn nhiên, không kém phần “nổi loạn” và tình yêu cho trẻ em.

Một câu chuyện “cổ tích” khác thường

Kỷ niệm 75 năm nhân vật Pippi Tất dài ra đời, viện Thụy Điển đã tổ chức cuộc triển lãm trưng bày về cuốn truyện này tại các đại sứ quán Thụy Điển trên khắp thế giới. Sự kiện triển lãm lần này tại Việt Nam được tổ chức với sự phối hợp của Đại sứ sứ quán Thụy Điển, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Trường THCS Trung Hòa.

75 năm Pippi Tất dài: Câu chuyện thiếu nhi truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai - 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Quốc Cường/BTC)

“Chúng tôi may mắn có thể trưng bày triển lãm ở đây hôm nay tại Thư viện Quốc gia xinh đẹp nhờ vào chiến lược ứng phó COVID-19 rất thành công của Việt Nam”, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cho biết hôm 14/12.

Cùng phát biểu trong sự kiện, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Sức mạnh lớn nhất của Pippi tất dài mà có lẽ tác giả ko ngờ tới, đó chính là sức mạnh truyền cảm hứng... Ta nhìn thấy hình ảnh của Pippi trong Greta Thunburg, cô gái trẻ quyết đoán đấu tranh ko mệt mỏi để bảo vệ môi trường toàn cầu, người đã trở thành hình mẫu cho hàng triệu trẻ em trên thế giới ngày nay”.

Pippi Tất dài là câu chuyện về một cô bé khác thường. Cô bé Pippi độc lập về tài chính vì sở hữu một đống vàng miếng. Cô bé có thể bắn súng lục và chèo thuyền trên bảy biển. Cô bé vừa táo bạo vừa tốt bụng, có thể mang một con ngựa và nâng cả người đàn ông mạnh nhất thế giới. Cô đặc trưng với vẻ ngoài là những bím tóc đỏ và đôi tất dài đến tận đầu gối sặc sỡ.

Pippi Tất dài là một cô gái nổi loạn. Trong thế giới của mình, cô đi khỏi những luật lệ của thế giới người lớn, đặt câu hỏi, đứng lên vì những người yếu thế và bị áp bức.

Vì vậy Pippi vừa được yêu thích vừa bị chỉ trích.

Vào giữa những năm 1990, một nhà bình luận xã hội Thụy Điển cho rằng Pippi có tác động bất lợi lớn đối với cả trẻ em đi học và trẻ em trước tuổi đi học ở Thụy Điển. Nhà bình luận viết trên một tờ nhật báo hàng đầu của Thụy Điển rằng việc ủng hộ Pippi đã đảo lộn mọi thứ, trong trường học, trong cuộc sống gia đình và cả những hành vi bình thường trong cuộc sống xung quanh lứa tuổi trẻ em.

75 năm Pippi Tất dài: Câu chuyện thiếu nhi truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai - 2

Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe. (Ảnh: Quốc Cường/BTC)

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cho biết các cuộc tranh cãi nổ ra xoay quanh việc câu chuyện về Pippi trái ngược với những tư tưởng giáo dục con cái theo truyền thống đang thịnh hành lúc bấy giờ. Đại sứ chia sẻ các cuộc tranh luận còn kéo dài cho đến ngày nay, mặc dù chủ đề thảo luận đã thay đổi.

“Gần đây nhất, người ta đã đặt câu hỏi về hình ảnh Annika, người bạn tốt của Pippi, trái ngược với Pippi hoang dã và tự do, và việc xã hội của chúng ta khen thưởng kiểu phụ nữ nào trong số những kiểu phụ nữ này. Tính thời sự liên tục của những câu chuyện về Pippi khiến tôi tin rằng thật tuyện với khi ngày nay các tác phẩm của Astrid Lindgren vẫn tiếp tục có ảnh hưởng”, Đại sứ nói.

Tuy nhiên, xung quanh các ý kiến về tác phẩm, Đại sứ cũng trích dẫn một bình luận của tác giả Lindgren rằng: “Hãy cho bọn trẻ tình yêu, nhiều tình yêu và thêm nhiều tình yêu, rồi những thứ khác sẽ tự nhiên đến”.

75 năm Pippi Tất dài: Câu chuyện thiếu nhi truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai - 3

Cô Nguyễn Thị Tạo và các em học sinh THCS Trung Hòa. (Ảnh: Quốc Cường/BTC)

Đại sứ đọc sách cùng các em học sinh

Ngày 15/12, Đại sứ Ann Mawe đã cùng các em học sinh trường THCS Trung Hòa đọc sách tại phòng đọc thiếu nhi của Thư viện quốc gia. “Tôi cảm thấy rất vui vì được tham gia hoạt động này. Tôi thấy các em rất hứng thú khi được nghe về cô bé Pippi Tất dài của Thụy Điển, một vài em đã đọc truyện trước đây và có những câu hỏi hay, chúng tôi đã có những tương tác thú vị”, Đại sứ nói.

Thuỵ Điển và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa giáo dục. Trong văn học, đã có nhiều tác giả Thụy Điển có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt và ngược lại.

75 năm Pippi Tất dài: Câu chuyện thiếu nhi truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai - 4

(Ảnh: Quốc Cường/BTC)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công chương trình “Những ngày Văn hoá Việt Nam tại Thụy Điển” với chương trình biểu diễn âm nhạc đỉnh cao của các giảng viên, nghệ sỹ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện âm nhạc Malmo Thuỵ điển, Nhạc viện Stockholm.

Thư viện Quốc gia Việt Nam từng là đối tác tham gia hết sức tích cực trong dự án vùng về thư viện giữa Việt Nam, Lào và Thuỵ Điển do Sida tài trợ. Trong dịp này, Thư viện tiếp tục là chủ nhà của hoạt động triển lãm và đọc sách văn học về Pippi, tiếp tục lan toả những giá trị văn học Thuỵ Điển đến với độc giả, công chúng Việt Nam, nhân lên những gương truyền cảm hứng, trao quyền cho trẻ em gái.

Chia sẻ tại chuỗi sự kiện, chị Nguyễn Thanh Hương, Biên tập viên sách tranh NXB Kim Đồng cho biết: “Pippi là một cô bé luôn sống đúng với tuổi thơ giống như bao trẻ em trên thế giới. Các em nhỏ say mê Pippi có lẽ ở chính tâm hồn trẻ thơ, được sống đúng với tuổi thơ của mình, với những trò nghịch ngợm vui vẻ hài hước của mình”.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn