72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp khiến cử tri lo lắng

Giáo dụcThứ Ba, 20/05/2014 04:44:00 +07:00

(VTC News)- Cử tri và nhân dân hết sức lo lắng trước thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm.

(VTC News) - Cử tri và nhân dân hết sức lo lắng trước thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.216 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, rất nhiều cử tri lo lắng trước tình hình giáo dục, đào tạo hiện nay.
Thất nghiệp, một số cử nhân Ðại Học Sư Phạm, đành chọn nghề chạy bàn ở tiệm nước . (Ảnh: Báo Người Lao Ðộng)
Thất nghiệp, một số cử nhân Ðại học Sư Phạm, đành chọn nghề chạy bàn ở tiệm nước . (Ảnh: Người Lao động) 
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII cho biết cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa.

Việc đổi mới cần tiếp tục được chuẩn bị kỹ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng để có sự thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chất lượng; không lãng phí  nguồn lực của nhà nước và xã hội.

“Cử tri và nhân dân băn khoăn về thông tin 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm và đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cử tri và nhân dân cho rằng, cần xem xét, điều chỉnh việc ưu tiên trong thi cử. “Việc thực hiện chính sách ưu tiên đối với con em thương binh, liệt sỹ theo cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay là chưa hợp lý”.

Vì vậy, cử tri đề nghị nên áp dụng hình thức ưu tiên bằng hỗ trợ kinh phí nhằm bảo đảm các điều kiện thiết yếu trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện công bằng trong giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT cần có cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết cử tri rất lo lắng trước thông tin 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp 
Ngoài ra, Chính phủ cần phải có giải pháp khắc phục dần tình trạng chênh lệch về chất lượng chuyên môn giữa các trường ở cấp tiểu học, trung học ở các địa phương nhằm hạn chế tình trạng “chạy trường, chạy lớp”.

Cử tri cũng đề nghị phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đối với bậc đại học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam cho học sinh, sinh viên.

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thừa nhận thực tế nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc, việc làm không ổn định hoặc không đúng ngành nghề đào tạo.

”Tỷ lệ thanh niên chưa có việc làm cao...Việc triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo còn chậm”, ông Phúc nói.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, quan tâm hơn tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

“Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học theo tinh thần đổi mới. Quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn