'70.000 giáo viên thất nghiệp', Bộ GD-ĐT lên tiếng

Giáo dụcThứ Bảy, 28/05/2016 07:51:00 +07:00

Chiều 27/5, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Vũ trả lời báo chí xung quanh thông tin hơn 70.000 cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp.

- Thưa ông, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng sư phạm và số lượng giáo viên cần tuyển dụng trên cả nước năm nay dự kiến là bao nhiêu?

Chỉ tiêu đào tạo giáo viên (GV) mầm non, phổ thông năm 2016 hệ chính quy của các trường ĐH, CĐ cả nước đã thông báo là 49.562 (ĐH là 26.885 chỉ tiêu, CĐ là 22.677 chỉ tiêu). Nếu tính cả chỉ tiêu đào tạo trung cấp sư phạm chính quy khoảng 15.760 chỉ tiêu thì tổng chỉ tiêu chính quy năm 2016 là 65.322 chỉ tiêu.

Thí sinh dự thi vào CĐ Sư phạm TƯ năm 2014.  

Theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”,bình quân mỗi năm đào tạo mới để thay thế, bổ sung khoảng 38.000 giáo viên phổ thông (trong đó số GVphổ thông đến tuổi về hưu bình quân hàng năm khoảng 27.000 GV), khoảng 17.500/năm giáo viên mầm non. Như vậy, có thể nói việc đào tạo sư phạm hiện đang bộc lộ bất cập về số lượng đào tạo vượt quá nhu cầu sử dụng. 

- Đầu ra của các trường sư phạm được sử dụng rất ít, đầu vào vẫn tuyển với số lượng lớn. Điều này gây nên tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều. Nhưng tại sao các trường vẫn được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh?

Hiện nay vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ; thừa GV ở những vùng thành thị, những vùng có điều kiện sống thuận lợi. Nhưng vẫn còn thiếu GV ở một số vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn, thiếu cục bộ GV ở những môn học đặc thù, lĩnh vực giáo dục mới được đưa vào nhà trường hoặc những môn học/lĩnh vực giáo dục sẽ được dạy học tăng cường theo lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thí dụ như tiếng Anh (dạy từ lớp 3, 4, 5), Tin học, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo ...

Bên cạnh đó, về cơ cấu đội ngũ, thừa giáo viên phổ thông nhưng lại thiếu giáo viên ở mầm non và giảng viên những ngành đặc thù. Hiện nay Bộ GD&ĐT không còn cấp hay phê duyệt chỉ tiêu cho các trường mà việc xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo của các trường là hoàn toàn dựa trên quyền tự chủ. Bộ chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra việc xác định chỉ tiêu có phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng chứ không có quyền can thiệp vào quyền tự chủ xác định chỉ tiêu, kể cả chỉ tiêu sư phạm.

Mặt khác, hiện nay Bộ GD&ĐT tạo chỉ chủ quản của 10 trường đào tạo có đào tạo sư phạm (bằng khoảng 10% cơ sở đào tạo sư phạm). Còn lại là các trường CĐSP do địa phương và các trường do các bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu sư phạm bằng biện pháp hành chính là rất khó khăn.

- Bộ GD&ĐT đã có biện pháp gì để xử lý bất cập này?

Trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã chủ động có những biện pháp để hạn chế tăng quy mô đào tạo sư phạm như sau: Cảnh báo về trình trạng thừa giáo viên và đề nghị hạn chế tuyển sinh vào sư phạm. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải xác định chỉ tiêu tuyển mới sư phạm hệ chính quy trong tổng chỉ tiêu tuyển mới và phải được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản...

Thời gian tới, Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm với số lượng phù hợp với nhu cầu và quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo của ngành.  Đồng thời yêu cầu các trường sư phạm hạn chế đào tạo mới, tập trung ưu tiên cho việc đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

- Ông có thể cho biết tiến độ và kết quả của việc cơ cấu lại các trường sư phạm?

Hiện nay, dự thảo đề án quy hoạch lại các trường sư phạm về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, qua thảo luận có nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện việc kiểm định để đánh giá, xếp loại các cơ sở đào tạo sư phạm, từ đó làm căn cứ cho việc quy hoạch các trường sư phạm cho hợp lý về số lượng và cơ cấu vùng miền. Hơn nữa, hiện nay Bộ GD&ĐT xác định rà soát, quy hoạch lại hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm phải được đặt trong tổng thể rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó mới có giải pháp đồng bộ sắp xếp các cơ sở đào tạo đào tạo sư phạm thuộc diện dôi ra như việc sáp nhập với các cơ sở đào tạo khác, thành lập trường cộng đồng để đào tạo đa ngành, chuyển đổi thành phân hiệu...

Văn Chung/VNN
Bình luận
vtcnews.vn