70% nguồn nước chạy thận tại bệnh viện không đạt tiêu chuẩn, bác sĩ lúng túng

Sức khỏeThứ Sáu, 28/07/2017 07:38:00 +07:00

Kết quả xét nghiệm mẫu nước chạy thận nhân tạo của 41 bệnh viện của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, mẫu nước đầu nguồn có tới 70% mẫu không đạt tiêu chuẩn khiến nhiều người lo lắng.

Tại buổi tập huấn quy trình chạy thận cho các đơn vị chạy thận nhân tạo khu vực phía Bắc tổ chức ngày 27/7 tại BV Bạch Mai (Hà Nội), nhiều bệnh viện tỏ ra lúng túng với nguồn nước chạy thận.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng Khoa Thận – thận nhân tạo (BV đa khoa tỉnh Hải Dương) thừa nhận: Trong hệ thống chạy thận nhân tạo, nước có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi bệnh nhân. Vì thế, để xây dựng một quy trình chạy thận thì phải xây dựng quy trình lọc nước tinh khiết trước khi đưa vào sử dụng.

Thế nhưng, chúng tôi còn khá lúng túng. Đào tạo cho nhân viên y tế về nguồn nước chưa có. Chưa kể nguồn nước hôm nay tốt, mai không đảm bảo do yếu tố khách quan… nhân viên y tế không biết xử lý thế nào. Chúng tôi rất mong được đào tạo bác sĩ chuyên về nước cho quy trình chạy thận". 

chay-than-nhan-tao_RMOM

Nguồn nước rất quan trọng trong quá trình chạy thận nhân tạo. (Ảnh: NN) 

Chia sẻ của bác sĩ Hường cũng là tâm tư của khá nhiều bác sĩ đại diện các cơ sở chạy thân nhân tạo. Bác sĩ Dũng cũng băn khoăn: Bác sĩ chỉ biết sử dụng máy móc, còn việc nguồn nước có sạch hay không thì đúng là khó. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng - nguyên bác sĩ tại Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) - ví von: “Chạy thận tại nhiều cơ sở như đi trên dây”. Nguồn nước chạy thận cần đưa lên hàng đầu. Quy trình lọc nước tinh khiết chạy thận nhân tạo sẽ trải qua một quá trình phức tạp.

Theo đó, nguồn nước đầu vào là nước máy. Hệ thống lọc cần phải xử lý sắt, clo tổng, mangan, asen, độ cứng... với nhiều bước. Do đó, cần có hành lang pháp lý, tiêu chí đánh giá nguồn nước chứ hiện nay chỉ đi kiểm tra, chưa có tiêu chí so sánh chuẩn mực.

Quy trình cần chặt chẽ nhưng nguồn nước ô nhiễm

Nước cấp cho hệ thống xử lý nước của lọc máu chu kỳ thường là nước máy. Nước máy được khai thác từ các nguồn nước bề mặt (nước ao hồ sông suối, thường nhiễm bẩn do vi sinh vật và hóa chất hữu cơ) hay nước ngầm (nước giếng khoan..., thường nhiễm các chất vô cơ). Cả 2 nguồn nước này đều phải qua xử lý ở nhà máy nước trước khi đưa vào sử dụng.

Mỗi quốc gia đều có 1 bộ tiêu chuẩn riêng về nước máy, Việt Nam có QCVN01:2009/BYT, Mỹ có EPA, nhưng tựu chung là các nhà máy nước sẽ cho 1 số hóa chất thêm vào trong quá trình xử lý nước như Chlor để làm sạch nước và Fluor cho quá trình được gọi là Fluor hóa nước để dự phòng sâu răng (giống mục đích cho Fluor vào kem đánh răng để chống sâu răng).

Tất cả các cơ sở lọc máu sử dụng nước máy với rất nhiều loại hóa chất được thêm vào từ nhà máy nước như kể trên đều phải tiến hành xử lý nước để tạo ra nước đạt chuẩn phục vụ quá trình lọc máu. 

PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cũng khẳng định: Nước đảm bảo hay không nhìn mắt thường không thể biết, do đó, cần phải có người xét nghiệm. Nếu xét nghiệm nước không thường xuyên sẽ khó phát hiện nước có đảm bảo không.

Video: 8 người chết khi chạy thận - Bệnh viện đa khoa Hòa Bình báo cáo nguyên nhân ban đầu

Khi hệ thống quản lý chất lượng chưa tốt chỉ có cách giám sát liên tục. Nếu nguồn nước ổn định thì 3 tháng phải xét nghiệm 1 lần. Với nguồn nước cần xét nghiệm gần 25 chỉ số, kinh phí sẽ rất lớn nhưng các bệnh viện phải cố gắng. Chỉ số nào cũng rất quan trọng, không thể coi nhẹ chỉ số nào cả.

PGS.TS Hải cũng cho rằng: Các bệnh viện cũng chưa chú trọng nguồn nước. Thời gian tới, các cơ sở chạy thận cần phải quan tâm hơn.

Sự cố tai biến chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình vừa qua là bài học và các cơ sở sẽ phải chú trọng nguồn nước trong chạy thận hơn nữa.

(Nguồn: laodong.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn