7 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút 828,8 triệu USD vốn FDI

Tin nhanh 24hThứ Năm, 11/08/2022 12:49:00 +07:00
(VTC News) -

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết 7 tháng đầu năm, TP Hà Nội thu hút 828,8 triệu USD vốn FDI, trong đó có 184 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 125,4 triệu USD.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" sáng 11/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu nhiều điểm về tình hình kinh tế của thành phố trong 7 tháng đầu năm.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh, tạo đà thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22% (cùng kỳ tăng 2,3%).

Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 23,1% (cùng kỳ tăng 7,8%). Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng 38,7%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển.

7 tháng đầu năm, TP Hà Nội thu hút 828,8 triệu USD vốn FDI (trong đó có 184 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 125,4 triệu USD). Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 45.000 tỷ đồng.

Thành phố thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho trên 17.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là gần 200.000 tỷ đồng (tăng 13% về số lượng doanh nghiệp so với năm trước); có gần 7.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 11% so với cùng kỳ); nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố là gần 340.000 doanh nghiệp.

7 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút 828,8 triệu USD vốn FDI - 1

Toàn cảnh hội nghị

Thành phố tiếp tục quan tâm và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 7 tháng đầu năm, Thành phố đã thực hiện giảm 2% thuế VAT cho gần 42.000 doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền trên 900 tỷ đồng, hỗ trợ giảm trên 1.700 tỷ đồng lệ phí trước bạ...

Trên địa bàn Thành phố, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 62.000 khách hàng (với dư nợ trên 63.000 tỷ đồng); miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 326.000 khách hàng (với dư nợ trên 537.000 tỷ đồng); cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ tháng 1/2020 đến nay đạt trên 3.800.000 tỷ đồng cho gần 220.000 lượt khách hàng.

Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho trên 2,63 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tổng số tiền là trên 2.500 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động theo chủ trương và chính sách của Trung ương, cùng với 08 nhóm giải pháp (4 trong ngắn hạn và 4 nhóm có tính chất dài hạn) trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp (trong những tháng cuối năm 2022. Thành phố sẽ tiếp tục bố trí 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách, nâng tổng nguồn NSTP ủy thác là 6.600 tỷ đồng; Triển khai đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn, thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019-2025, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Thành phố tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần để khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.

Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; tranh thủ ý kiến các bộ, ngành Trung ương để thiết lập kênh liên lạc trực tuyến để tháo gỡ kíp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ông Thanh cho biết thêm, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. UBND thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội vào kỳ họp tháng 9/2022.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo điện tử và hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trên địa bàn Thành phố; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.

Đồng thời, Thàng phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội với phương châm 5 bước "biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa".

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn