7 sản phẩm lọt vào vòng trong Chương trình hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao

Sản phẩmThứ Hai, 07/08/2017 23:31:00 +07:00

Mới đây, UBND TP.HCM đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu và triển khai tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) giai đoạn 2017 – 2018, nhằm hỗ trợ các sản phẩm khoa học chuyển sang giai đoạn sản xuất quy mô công nghiệp.

anh1

Các doanh nghiệp, nhà khoa học Việt Nam đã có rất nhiều sản phẩm khoa học tham gia hội chợ, triển lãm, nhưng còn gặp khó trong việc thương mại hóa sản phẩm (Ảnh minh họa) 

Chương trình do Ban Quản lý SHTP phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM chủ trì thực hiện, với tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách là 20 tỷ đồng. Dự kiến triển khai trong vòng 3 năm, mỗi DN được hỗ trợ tối đa 2 dự án, mỗi dự án không quá 3 tỷ đồng; tổng ngân sách thành phố chi ra không quá 50 tỷ đồng/năm.

Các DN dùng số tiền hỗ trợ này để đầu tư xây dựng ý tưởng, hoàn thiện thiết kế, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ khâu phân phối, tiếp thị sản phẩm. Song song đó, Ban Quản lý SHTP còn có các hoạt động đã và đang hỗ trợ DN như tiếp cận vốn vay, có quỹ kích cầu, tìm kiếm, hỗ trợ trang thiết bị, phòng thí nghiệm.

Thực tiễn cho thấy, đa số các đề tài, dự án tại các viện, trường và cả các chương trình của Bộ KH&CN mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, và để các sản phẩm đó đến được với thị trường là một quá trình rất dài, đòi hỏi phải có sự gắn kết giữa 3 bên: doanh nghiệp – viện, trường – cơ quan quản lý.

Do đó, chương trình của UBND TP.HCM có ý nghĩa thực tế rất lớn khi được xây dựng với kỳ vọng các sản phẩm này sẽ trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đóng góp vào kinh tế TP.HCM và cả nước.

Video: Kết nối chuyển giao công nghệ: Tinh chất nghệ Nacumin

Ban Quản lý SHTP cho biết, TP.HCM còn kỳ vọng hình thành các doanh nghiệp KH-CN mạnh, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; tăng tỷ lệ các đề tài - dự án sử dụng ngân sách nhà nước ứng dụng vào thực tiễn và được thương mại hóa hàng năm; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng hoạt động của các đơn vị ở cơ sở; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH-CN nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ; từng bước tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của thế giới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH-CN của thành phố.

Sau nhiều vòng sơ tuyển, Ban quản lý SHTP đã chọn ra 7 sản phẩm - thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ Nano, công nghệ bán dẫn (MEMs) và công nghệ cơ điện tử, tự động hóa (Robot) - được tham gia tiếp vào vòng trong, đó là:

1. Miếng đắp giúp làm lành vết thương có chiết xuất nhung hươu gắn kết quy trình công nghệ tạo vật liệu nanocellulose của Công ty TNHH Thế giới Gen.

2. Sản phẩm công nghệ cao y sinh học ứng dụng trong điều trị chấn thương chỉnh hình (nẹp ốc cho gãy xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay…) của Công ty cổ phần Nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare.

3. Bột nanolycopene 5% - 10% hướng đến ứng dụng viên nang chống nắng của Công ty TNHH Thế giới Gen.

4. Dung dịch thuốc tiêm Stimus của Công ty TNHH CNSH Dược Nanogen.

5. Keo tản nhiệt từ nền vật liệu carbonnanotube và graphen ứng dụng trong các thiết bị điện tử của Công ty cổ phần Nano năng lượng và môi trường Neetech.

6. Sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMS trong chế tạo linh kiện cảm biến áp suất đo mực nước của Công ty cổ phần Phát triển cơ điện tử MEMSITECH.

7. Sản phẩm siêu cách nhiệt sử dụng silicaaerogel dạng tấm hoặc sơn, lớp phủ của Phân viện miền Nam - Viện Vật liệu xây dựng.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn