7 sai lầm khi dùng thớt biến nó thành ổ vi khuẩn gớm ghiếc

Góc của nàngThứ Sáu, 28/08/2020 06:59:00 +07:00

Rất nhiều bà nội trợ cứ dùng một chiếc thớt hết năm này qua năm khác mà không biết rằng, thời hạn sử dụng của món đồ này thật ra khá ngắn nếu muốn giữ vệ sinh.

Dưới đây là một số sai lầm rất phổ biến khi dùng thớt.

Chỉ dùng một chiếc thớt

Thịt sống, thịt gia cầm và cá có thể chứa vi khuẩn Ecoli và Salmonella, thủ phạm gây tiêu chảy và bệnh đường ruột…

Nếu bạn chỉ dùng một chiếc thớt vừa để chế biến thịt sống, vừa thái rau củ hay đồ chín thì chắc chắn sẽ khiến cả nhà nhiễm các vi khuẩn trên, lượng vi khuẩn nếu đủ lớn sẽ gây tai họa. Do đó, nguyên tắc đầu tiên về dùng thớt là phải có 2 cái riêng cho đồ sống và đồ chín, hình thức phải khác nhau cho dễ phân biệt. Sau khi dùng,  cần rửa sạch với giấm và nước ấm.

7 sai lầm khi dùng thớt biến nó thành ổ vi khuẩn gớm ghiếc - 1

 

Dùng nước rửa bát để vệ sinh thớt

Nếu chỉ dùng nước rửa bát thông thường, bạn có thể chỉ làm sạch vi khuẩn trên bề mặt thớt mà không loại bỏ được vi khuẩn ẩn sâu trong thớt, ngay cả khi bạn sử dụng nước ấm. Chưa kể lượng hóa chất lưu lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người trong nhà.

Bạn không nên lạm dụng chất tẩy rửa hóa học mà thay vào đó, hãy dùng chất tẩy rửa tự nhiên và an toàn như giấm, chanh, muối để chà trên bề mặt thớt.

Rửa thớt không đúng cách 

Nhiều người có thói quen dùng miếng rửa bát thép hoặc kim loại để chà rửa thớt thường xuyên, làm thớt bị xước, tạo thành nơi ẩn náu của nhiều loại vi khuẩn. Hãy rửa nhẹ nhàng nhưng thật kỹ lưỡng bằng miếng rửa bát thường.

Sau khi rửa xong, đừng để thớt nằm ngang vì sẽ khiến cho nước thấm sâu vào, thớt khó khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

7 sai lầm khi dùng thớt biến nó thành ổ vi khuẩn gớm ghiếc - 2

 

Để thớt luôn ẩm ướt

Bề mặt ẩm ướt là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển. Thay vì đặt ngay thớt vừa rửa lên giá, hãy làm cho nó khô hoàn toàn trước đã. Như vậy sẽ giảm đáng kể cơ hội sinh sôi của các mầm bệnh.

Dùng thớt quá nhỏ

Bạn tiết kiệm không gian nhà bếp và dễ dàng lau chùi hơn khi sử dụng thớt có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, do diện tích bề mặt thớt nhỏ nên thực phẩm có thể bị rơi ra ngoài khi chế biến, tạo điều kiện cho vi khuẩn bám vào thức ăn.

Ngoài ra, việc dùng dao trở nên khó khăn hơn với cái thớt này và bạn rất dễ bị đứt tay. Vì sự an toàn của bản thân, bạn nên sử dụng một chiếc thớt phù hợp, không quá nhỏ và tiện cho việc sử dụng.

7 sai lầm khi dùng thớt biến nó thành ổ vi khuẩn gớm ghiếc - 3

 

Sử dụng cả 2 mặt thớt

Nhiều người thường sử dụng hai mặt của thớt, mặt này cắt thịt, mặt kia cắt cá hoặc mặt này cắt thức ăn chín, mặt kia cắt thức ăn sống. Phần lớn các mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp… là nguồn ô nhiễm, rất bẩn. Khi bạn đặt thớt xuống thì vi khuẩn, vi trùng đã bám vào. Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng một mặt của thớt.

Dùng một chiếc thớt quá lâu 

Sau một thời gian sử dụng, mặt thớt gỗ và thớt nhựa trở thành ổ vi khuẩn. Một khi thớt của bạn bắt đầu bị nứt hoặc có các rãnh, sẽ rất khó để làm sạch, vi khuẩnsẽ  sinh sôi trong đó. Vì vậy, nên thay thớt mới hằng năm.

7 sai lầm khi dùng thớt biến nó thành ổ vi khuẩn gớm ghiếc - 4

 

Thiên An(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn