7 lần vỡ ống nước sông Đà: Nguyên GĐ dự án 'giải trình'

Thời sựThứ Tư, 07/05/2014 10:48:00 +07:00

(VTC News)- Nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư đường ống nước sạch sông Đà Hoàng Thế Trung cho biết, vẫn không tìm được nguyên nhân vỡ đường ống liên tục.

(VTC News) - Nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư đường ống nước sạch sông Đà Hoàng Thế Trung cho biết, suốt 2 năm tìm hiểu, vẫn không tìm được nguyên nhân đường ống liên tục bị vỡ.

» Sáu lần vỡ ống nước sông Đà, dân thủ đô bức xúc
» 5 lần vỡ ống nước Sông Đà: Bộ Xây dựng chỉ đạo khẩn
» Vỡ ống nước ở Hà Nội: Lộ 'bí mật' khó tin của Vinaconex

Chưa biết vỡ do đâu

Trả lời các câu hỏi liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà đến 7 lần trong thời gian qua, ông Hoàng Thế Trung – Nguyên giám đốc BQL dự án nước Sông Đà khẳng định: Tất cả các khâu từ lập dự án thiết kế, đến thi công chủ đầu tư đều tuân thủ các quy trình.
vỡ ống nước
Khắc phục sự cố vỡ ống nước. Ảnh: Vietnam+  
Một vấn đề được ông Trung dẫn ra là cùng thời điểm triển khai làm dự án này còn có dự án đường Láng Hòa Lạc thi công. Phía chủ đầu tư dự án nước sạch đã liên hệ xin bản thiết kế, xác định đoạn nền đất yếu nằm phía bên trái cao tốc Láng Hòa Lạc, phải xử lý gia cố.


Tuy nhiên "đoạn nền đất yếu không được phía công ty xử lý, vì nếu xử lý sẽ trùng với dự án xây dựng đường Láng Hòa Lạc, gây lãng phí", ông Trung nói.

Sau khi Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đưa ra giải pháp thiết kế, chủ đầu tư đã sử dụng ống nước ngắn từ 2 – 6 mét, thay vì ống thông thường chiều dài 12 m.

Liên quan đến vấn đề vật liệu ống dẫn nước không đảm bảo kỹ thuật, ông Trung lý giải: “Việc lựa chọn ống có sợi thủy tinh là theo khuyến cáo sử dụng vật liệu cao cấp sản xuất trong nước phù hợp với quy định theo tiêu chuẩn quốc tế trong quy hoạch định hướng cấp nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc quyết định chọn sử dụng loại vật liệu đường ống sợi thủy tinh ở thời điểm đó và ngay đến bây giờ, theo tôi là vẫn phù hợp”.

Ông Trung cũng nhấn mạnh, trước đó phía Vinaconex đã cử đoàn sang Tây Ban Nha học hỏi công nghệ. “Việc quyết định sử dụng vật liệu này ở thời điểm đó, tôi nghĩ giờ vẫn phù hợp. Việc này cũng được thực hiện đúng quy trình, tư vấn đề xuất, và chủ đầu tư kiểm tra, quyết định sử dụng”.

Phía chủ đầu tư cũng cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này 1.153 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí từ bằng vốn của doanh nghiệp (vay 70%, 30 % vốn tự có) chứ không hề sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Với câu hỏi về trách nhiệm khi liên tiếp để xảy ra các sự cố vỡ đường ống, ông Trung nói: “ Đối với một dự án lớn có rất nhiều khâu, nhiều công đoạn vì thế mỗi ý kiến đưa ra cũng có những cảm quan khác nhau về nguyên nhân do thi công có vấn đề hay sử dụng loại ống không đạt yêu cầu.

Tất cả những nguyên nhân đó, Tổng Công ty chúng tôi cũng đã nhiều lần họp phân tích nhưng ngay cả chúng tôi với trình độ, khả năng của mình cũng vẫn chưa tìm được nguyên nhân có thể chấp nhận được”.

Chính vì vậy với vai trò quản lý nhà nước Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Cục giám định nhà nước về công trình xây dựng chủ trì cùng với  Cục Hà tầng kỹ thuật phối hợp khảo sát đánh giá, xác định nguyên nhân gây sự cố vỡ đường ống, hy vọng rằng với trình độ khoa học và công nghệ cao các chuyên gia đầu ngành sẽ tìm được nguyên nhân và giúp chúng tôi biện pháp khắc phục.

Và khi tìm được nguyên nhân sẽ biết được trách nhiệm thuộc khâu nào phụ trách thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi mong muốn với khả năng, trình độ KHCN cao, các chuyên gia sẽ tìm được nguyên nhân. Khi xác định được nguyên nhân, từ đó mới có thể biết được trách nhiệm thuộc về ai… Là người phụ trách thi công dự án, sự cố xảy ra tôi cũng buồn lắm”, ông Trung nói.

Cùng đề cập đến vấn đề này, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn nói, khi xảy ra sự cố, phía công ty đã thành lập ban chỉ đạo, và tổ phản ứng nhanh để khắc phục sự cố. Nếu lần đầu tiên sự cố kéo dài trong 72 tiếng, thì lần gần đây nhất đã được khắc phục trong vòng 11 giờ.

“Đây là sự cố bất khả kháng nhưng phía công ty vẫn dồn tổng lực để khắc phục, giảm thiệt hại ít nhất cho dân”, ông Tốn cho hay.

Theo dự báo của Sở Xây dựng Hà Nội, do thời tiết mùa hè năm 2014 nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao, tổng sản lượng nước cung cấp cho thành phố Hà Nội từ 880.000-900.00m3/ngày đêm, nhu cầu nước sạch dự kiến tăng thêm từ 7-10% so với năm 2013.

“Tình hình cấp nước hè năm 2014 sẽ gặp khó khăn nếu tiếp tục xảy ra sự cố đường ống cấp nước sông Đà”, ông Lê Văn Dục- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn