7 hành tinh của hệ mặt trời mới phát hiện có thể truyền sự sống cho nhau qua thiên thạch

Thế giớiThứ Năm, 23/03/2017 18:31:00 +07:00

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, các hành tinh trong hệ mặt trời mới được phát hiện TRAPPIST-1 có thể truyền sự sống cho nhau thông qua một vụ nổ thiên thạch.

Theo đó, mỗi hành tinh trong số này đều nắm giữ những "hạt giống" có thể theo vật trung gian là các thiên thạch di chuyển tới hành tinh khác và “nảy mầm” trên môi trường mới.

Manasvi Lingam và Abraham Loeb, hai nhà thiên văn học người Mỹ đưa ra kết luận này dựa trên thuyết panspermia.

2_193071

 Mô phỏng hệ hành tinh Trappist-1 với 7 hành tinh được ký hiệu từ b đến h.

Theo thuyết này, sao Hỏa từng có điều kiện thích hợp cho sự sống hình thành, bao gồm cả nước và không khí. Tuy nhiên, một vụ va chạm thiên thạch gây ra bởi các loại đá trong hệ Mặt Trời có thể tạo ra phân đoạn chuyển tiếp của sự sống từ sao Hỏa với Trái Đất. 

Hai nhà thiên văn học Mỹ cho rằng, sự sống của các hành tinh trong TRAPPIST-1 cũng có thể sẽ được chuyển tiếp theo phương thức tương tự. 

Video: NASA công bố phát hiện 7 hành tinh to bằng Trái đất, có thể có sự sống 

Thêm vào đó, khoảnh cách giữa các hành tinh trong TRAPPIST-1 lại nhỏ hơn khoảng 20 lần so với khoảng cách từ sao Hỏa tới Trái đất. Sự gần gũi này, theo Lingam và Loeb, càng khiến cho quá trình “truyền sự sống” có thể xảy ra dễ dàng hơn.

Thậm chí, khả năng một thiên thạch di chuyển từ hành tinh này sang hành tinh khác trong TRAPPIST-1 được đánh giá là cao hơn tới vài nghìn lần so với khả năng xảy ra hiện tượng tương tự giữa sao Hỏa và Trái đất.

Mặc dù vậy, nghiên cứu này vẫn khó có khả năng được kiểm chứng bởi ngay bản thân thuyết Panspermia vẫn còn đang gây rất nhiều tranh cãi và chỉ được đặt ở rìa khoa học chính thống.

Một số nhà khoa học thậm chí còn phản bác gay gắt thuyết này khi cho rằng khó có một cá thể truyền sự sống nào lại có thể “sống dai” đến vậy khi phải trải qua một hành trình lên tới hàng trăm triệu km. 

Họ đặt ra giả thiết, giả sử điều đó xảy ra, các "hạt giống" sẽ phải gồng mình hoàn thành một quá trình gồm 3 giai đoạn.

Đầu tiên, chúng sẽ phải chịu đựng sức nóng và áp lực sau khi bị đẩy vào không gian, sau đó bị bức xạ tia cực tím cực mạnh từ chính hành tinh “mẹ”.

Và nếu may mắn còn “sống sót”, những cá thể này sẽ một lần nữa phải hứng chịu sức nóng và áp lực khủng khiếp khi xâm nhập vào môi trường mới.

Nhiều nhà khoa học khẳng định, khả năng các "hạt giống" có thể chịu đựng "hành trình gian khổ" này là phi thực tế.

Tuy nhiên, Amaury Triaud, nhà thiên văn học tới từ Đại học Cambridge và cũng là người góp công lớn trong việc phát hiện ra TRAPPIST-1 cho rằng giả thiết dù có nhiều điểm không khả dĩ nhưng không phải là vô căn cứ.

“Nên nhớ rằng có những thứ đã tồn tại được trong những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt. Ví dụ như vi khuẩn vẫn có thể sống trong các lò phản ứng hạt nhân hay như các sinh vật bị đóng băng dưới cái lạnh ở Nam Cực trong nhiều thế kỷ vẫn có thể hồi sinh trong phòng thí nghiệm.

Như những gì mà nhà thiên văn học Anh gốc Sri Lanka Chandra Wickramasinghe từng nói. Nó giống như ném hạt giống vào gió. Hầu hết chúng sẽ không thể tồn tại. Nhưng vẫn có những cá thể đơm hoa kết trái. Và đó là tất cả những gì mà chúng cần”, ông Triaud chia sẻ quan điểm của mình.

Video: Phát hiện phi thuyền khổng lồ ở Nam Cực, nghi của người ngoài hành tinh 

Hồi cuối tháng 2, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA phát hiện ra hệ Mặt trời mới có 7 hành tinh, trong đó có 3 hành tinh có thể phát triển sự sống.

Hệ Mặt trời mới này được các nhà khoa học NASA đặt tên là Trappist-1. Trong đó có 7 hành tinh với kích thước tương đương Trái đất, quay xung quanh một ngôi sao lùn. 

Đây được xem là hệ thống ngoại hành tinh (exoplanet) hiếm hoi được phát hiện, nơi có thể tồn tại sự sống. Không những vậy, hệ hành tinh này còn có hàng loạt hành tinh có kích thước tương đương Trái đất, với nền tảng là đá chứ không phải khí, được xem là 'bước nhảy vọt' trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.

Song Hy (Nguồn: National Geographic)
Bình luận
vtcnews.vn