7 dự án giao thông 'rùa bò', tai tiếng nhất 2011

Thời sựThứ Hai, 19/12/2011 06:26:00 +07:00

(VTC News) - Dự án Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Dự án mở rộng Quốc lộ 32, Cầu treo dây võng lớn nhất Việt Nam.

(VTC News) - Năm 2011 là một năm “bận rộn” của ngành giao thông, với hàng loạt các dự án giao thông bị “chỉ mặt, điểm tên” để chấn chỉnh lại, trong đó đa phần liên quan đến vấn đề tiến độ và chất lượng công trình. VTC News xin điểm lại một số dự án giao thông tai tiếng nhất năm qua.

1. Dự án xây dựng Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng

Dự án Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt chủ trương từ ngày 22/12/2003, với tổng mức đầu tư 75 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Song do hạn chế trong quản lý và triển khai dự án, gần 2 năm sau, dự án vẫn nằm trên giấy. Đến cuối năm 2006, Dự án đã bị đội vốn lên lên trên 84,1 triệu USD, và dự kiến thi công xong trong quý 1/2010.

Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng. 
Tuy nhiên, đến tháng 12/2007, tức sau 4 năm kể từ ngày được phê duyệt chủ trương, dự án mới chính thức khởi công tại khu vực phía Nam Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng cũ.

Ngày 4/10/2011, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đi “thị sát” dự án vẫn chậm tiến độ. Ngay sau đấy, Bộ trưởng Thăng đã mạnh tay “trảm tướng”, bổ nhiệm ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam thay ông Đặng Hồng Cương làm Trưởng Ban quản lý Dự án.

Đồng thời, Bộ trưởng ra hạn cuối, nếu ngày 31/12 dự án không được đưa vào khai thác sẽ kỷ luật toàn bộ ban điều hành dự án.

2. Cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác tạm thời từ tháng 2/2010. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của Việt Nam dành cho xe cơ giới, xe chạy hai chiều riêng biệt, với tổng chiều dài toàn tuyến gần 60km, gồm 4 làn xe ôtô, đi qua 3 tỉnh là TP. HCM, Long An và Tiền Giang. Với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình này là 9.884 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, mặt đường có nhiều hư hỏng, lún nứt, bong tróc tạo nên các ổ gà, ổ voi… gây nguy hiểm cho phương tiện lựu thông. Ngày 21/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký văn bản tạm đình chỉ công tác đối với ông Lã Chí Đức, Giám đốc điều hành Dự án.

Ngay sau đấy, ngày 29/11, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) đã ra quyết định cách chức Giám đốc điều hành Dự án đối với ông Lã Chí Đức, và một loạt cán bộ khác cũng bị khiển trách, phê bình.

Hư hỏng trên mặt đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương. 

3. Dự án mở rộng Quốc lộ 32 (đoạn Nhổn, Từ Liêm, Hà Nội)

Ban đầu Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, hoàn thành 27km từ Nhổn đến Sơn Tây, cơ bản hoàn thành 1,92km từ Mai Dịch đến Cầu Diễn.

Đoạn Cầu Diễn - Nhổn triển khai từ tháng 10/2008, đoạn này chỉ dài khoảng 4km, nhưng từ đấy tới nay vẫn chưa thi công xong, dù từ tháng 10/2009, Bộ GTVT bàn giao để Sở GTVT Hà Nội là đại diện chủ đầu tư.

Dù UBND Thành phố Hà Nội liên tục ra văn bản “thúc” tiến độ, nhưng dự án vẫn ì ạch, và người dân Thủ đô rất bức xúc gọi là “con đường đau khổ”. Dự kiến phải tới quý I/2012 các hạng mục còn lại dự kiến mới hoàn thành.

Đường 32 (đoạn Nhổn) được mệnh danh là "con đường đau khổ". 

4. Cầu Thuận Phước (Thành phố Đà Nẵng)

Cầu Thuận Phước bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) là cầu treo dây võng lớn nhất Việt Nam, được khởi công từ tháng 10/2003, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, ngày 19/7/2009 cây cầu chính thức được đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau cầu Thuận Phước đã xuất hiện những vết nứt ngang dọc trên lớp phủ mặt cầu. Cho đến nay, hơn 1 năm đã qua từ ngày các vết nứt đầu tiên xuất hiện, sự cố nứt lớp phủ mặt cầu vẫn liên tục xảy ra, tồi tệ hơn, các biện pháp khắc phục, xử lý gần như vô nghĩa, mặt cầu càng ngày càng bị băm nát. Đến nay các bên liên quan vẫn chưa thể đưa ra một phương án khắc phục triệt để nào.

Công nhân khắc phục hư hỏng trên mặt cầu Thuận Phước. 

5. Đại lộ Thăng Long (Hà Nội)

Đại lộ Thăng Long là dự án chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có tổng chiều dài hơn 29km, bề rộng mặt cắt ngang là 140m. Đây là đường cao tốc hiện đại nhất nước, với 6 làn đường, với tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng.

Ngày 3/10/2010, Đại lộ Thăng Long được thông xe đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 6 tháng sau lễ thông xe, Đại lộ Thăng Long đã có những dấu hiệu của sự xuống cấp, mặt đường xuất hiện vết nứt xé ngang lòng đường dài khoảng 2m với chiều rộng tới 1,5 cm, nhiều đoạn mặt đường bị lún mấp mô với chiều dài khoảng 6 - 8m, lún sâu từ 3 - 5cm.

Ngoài ra, sau mỗi trận mưa, một số hầm đường bộ dân sinh phía dưới Đại lộ Thăng Long lại ngập chìm trong nước.

Nứt trên Đại lộ Thăng Long. 

6. Dự án tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội (đoạn Nhổn – ga Hà Nội)

Dù đã được khởi công tới hai lần (2008 và 2010), nhưng tới nay khu deport dự án tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội (đoạn Nhổn – ga Hà Nội) vẫn còn nhiều cái “vướng”.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 (dài 12,5 km) đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã được khởi công từ tháng 9/2010, với tổng mức đầu tư là 784 triệu Euro (tương đương 18.408 tỷ đồng), dự kiến ban đầu hoàn thành vào năm 2015.

Tuy nhiên, do chậm tiến độ đã đẩy tổng mức đầu tư của dự án tăng khoảng 1,5 - 1,7 lần so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. UBND TP. Hà Nội đã phải 3 lần có văn bản “thúc” tiến độ dự án này.

Sau đấy dự án đã phải đưa ra lộ trình mới, cụ thể: Cuối tháng 2/2012, thi công phần đi trên cao của dự án; tháng 11/2012, triển khai thi công phần ngầm; năm 2016 đi vào hoạt động.

Sau 2 lần khởi công, khu deport Nhổn vẫn chưa nên hình hài.

7. Mặt cầu Thăng Long (Hà Nội)

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) được thực hiện từ cuối năm 2010, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng mặt cầu đã xuất hiện nhiều vết lún, nứt, trồi, sụt…

Từ đấy đến nay các đơn vị liên quan đã cố gắng tìm cách khắc phục, sửa chữa, tuy nhiên tình hình vẫn không mấy cải thiện.

Hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. 

Hiện lãnh đạo Bộ GTVT (chủ đầu tư) vẫn đang bỏ ngỏ phương án có thể phải thay lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu.

Lê Việt(tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn