Hành trình phạm tội của những tử tù 8x

Pháp luậtThứ Ba, 02/03/2010 06:00:00 +07:00

Biết Trường chết, hắn sợ hãi giấu Trường ra sau nhà và tiếp tục đi chăn bò. Và sau đó là một loạt những chuỗi hành động nối tiếp hành động giết người của hắn…

Biết Trường chết, hắn sợ hãi giấu Trường ra sau nhà và tiếp tục đi chăn bò. Và sau đó là một loạt những chuỗi hành động nối tiếp hành động giết người của hắn…

Kha Văn Lĩnh và Nguyễn Đức Bá. 
Kha Văn Lĩnh, Phạm Đức Bá đều lớn lên trong những gia đình nông thôn nghèo ở những huyện miền núi Nghệ An, cái nghèo, cái đói đi liền với sự vô học và thiếu nhận thức đã đẩy chúng vào ngõ cụt của cuộc đời và cái án chúng đang mang là những năm tháng nằm dài chờ ân xá của Chủ tịch nước trong trại tạm giam Nghi Kim hay một ngày đẹp trời bị đưa ra pháp trường? Nhưng dù là gì đi chăng nữa chúng cũng không thể chuộc lại những tội lỗi đã gây ra.

Giết người vì say rượu

Hắn lê những bước chân mệt mỏi ra khỏi phòng giam dành cho những kẻ tử tù. Đã 3 năm hắn nằm dài chờ lệnh ân xá của Chủ tịch nước. Mặt hắn bạc đi trông thấy, hai mắt quầng thâm, da xanh rớt. Tôi có cảm giác gai lạnh. Hắn rụt rè không dám kể lại câu chuyện của mình, có lẽ chính hắn cũng cảm thấy ghê tởm khi mỗi lần phải nhắc lại câu chuyện đó.

Hắn là Kha Văn Lĩnh, 25 tuổi, ở Lạc Khê, Con Cuông, Nghệ An. Nhà hắn có 3 anh em nhưng bố mất sớm. Ở những vùng nghèo đói xa văn hóa như làng của hắn thì bọn trẻ con chẳng biết làm gì ngoài đi chăn bò và uống rượu. Học đến lớp 2 hắn bỏ học.

Men rượu đã ngấm vào hắn từ cái thuở hắn còn là một đứa trẻ con nên bây giờ hắn uống giỏi lắm. Hôm đó, hắn nhớ lại hắn cùng 8 đứa bạn lêu lổng tụ tập và nốc cạn 36 chai rượu, bình thường hắn uống 4-5 chai vẫn không say. Trong chếnh choáng men rượu hắn mò sang nhà hàng xóm.

Nhà ông Hòa vắng tanh, chỉ có cô con gái 7 tuổi đang nằm ngủ ngon lành trên giường. Dục tính trong hắn trỗi dậy. Như một con thú hoang, hắn gọi em bé dậy và đưa cô bé tội nghiệp ra ngoài đường giở trò. Một cô bé 7 tuổi, nói còn chưa tròn vành rõ chữ. Cô bé khiếp đảm kêu lên, hắn sợ quá, trong cơn cuồng say, hắn dùng đá đập vào đầu cô bé và dùng tay bóp cổ em đến chết. Rồi quẳng xác em bé xuống sông. Hắn bị bắt, tòa kết án tử hình.

Không một lời bào chữa cho hắn. Mà ai có thể bào chữa được cho một kẻ giết người ghê tởm như hắn. Hắn cũng đã có 2 năm nằm trong tù để ngẫm nghĩ về tội ác không thể dung thứ của mình. Hắn cũng nhờ quản giáo viết đơn xin Chủ tịch nước ân giảm nhưng hắn nói, hắn không hy vọng bởi tội ác tày trời đó, có đất trời nào có thể dung thứ cho hắn.

Hay đơn giản vì...  xem phim chưởng

Phạm Đức Bá ra gặp chúng tôi, gương mặt hơn 20 tuổi vẫn còn những nét non tơ. Hắn quê Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An. Nhà nghèo, không có việc gì ngoài làm ruộng nên học xong lớp 1 là hắn bỏ luôn, đi theo đám bạn chăn bò. Bọn trẻ con làng hắn không rượu chè, cờ bạc mà chỉ "nghiền" mỗi một thứ là phim chưởng. Từng cuộn phim chưởng dày lên trong đầu hắn. Đến bây giờ hắn cũng không nhớ nổi là hắn đã xem bao nhiêu bộ phim...

Hôm đó hắn tụ tập xem phim với đám trẻ con trong nhà bé Trường, phim đến lúc gay cấn, hắn bị kích động, hắn lấy một chiếc dây nhỏ xoắn vào cổ cháu Trường đứng gần đó. Trường lịm dần. Hắn hoảng hốt không nghĩ là Trường đã bị chết ngạt, vội lấy dầu xoa và bông thử xem còn thở không.

Biết Trường chết, hắn sợ hãi giấu Trường ra sau nhà và tiếp tục đi chăn bò. Và sau đó là một loạt những chuỗi hành động nối tiếp hành động giết người của hắn, không giống những hành xử bình thường của một cậu bé mới 18 tuổi sợ hãi khi phạm tội. Hắn đã xem quá nhiều phim, tâm hồn hắn đã bị lạc vào thế giới của những hành xử giang hồ.

Đến mức Bá không còn khả năng phân biệt đâu là cuộc sống thực và đâu là phim ảnh. Hắn bị ám ảnh bởi cảnh tống tiền trong các bộ phim chưởng mà hắn xem, nên trong cơn túng quẫn, muốn có tiền để bỏ trốn, hắn đã cả gan gọi điện đến cho gia đình bé Trường đòi 50 triệu đồng và nói hiện hắn đang giữ bé Trường.

Sau đó hắn lấy trộm xe máy của mẹ qua cầu Rộ bắt xe khách đi xuống Vinh. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Tội ác nối tiếp tội ác. Hắn không còn biết đâu là giới hạn. Xuống Vinh, không biết đường, hắn mò vào một bốt điện thoại và gọi điện về nhà bé Trường.

Giọng hoảng loạn, những vẫn đầy đe dọa, bảo gia đình bé Trường đưa tiền xuống Vinh. Hắn không biết được rằng những cú điện thoại thất thường và thiếu "chuyên nghiệp" của hắn đã bị Công an theo dõi. Trường bắt ngay chính tại địa điểm hắn hẹn giao tiền.

Hắn đã bị đưa vào đây từ năm 2007, lúc đó hắn tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một đời người. Hai năm  đằng đẵng nằm trong trại tạm giam, dù đã viết đơn xin được ân xá, nhưng hắn không có nhiều hy vọng, bởi sau hàng nghìn đêm trong tù, đối diện với 4 bức tường trắng vô cảm, hắn ý thức rất rõ tội lỗi của mình.

Dù là hắn đã bị mê muội vì những bộ phim chưởng, chứ hắn không hề cố ý giết người. Nhưng lương tâm nào có thể bào chữa cho hắn? Những đêm trắng trong tù, khi hy vọng ngày càng mòn mỏi, hắn chẳng cầu mong gì hơn, ngoài lòng từ bi của gia đình người bị hại, để gia đình hắn không bị người đời coi rẻ, gia đình của kẻ giết người, tống tiền.

Bá nói chuyện với chúng tôi vẫn giữ được thái độ bình tĩnh, rành rọt, bởi trong câu chuyện kể, hắn vẫn có một hy vọng nào đó dù mong manh, hắn không cố ý giết người và sẽ được giảm án. Còn Lĩnh run rẩy, lo sợ thậm chí có phần hoảng hốt không dám kể lại tội ác của mình.

Đối diện với những tử tù mà tuổi đời còn trẻ như Lĩnh, Bá trong trại tạm giam Nghi Kim, chúng tôi thấy xót xa cho một thế hệ những thanh niên làng không chịu học hành, sa đà vào rượu chè, phim ảnh đồi trụy, đánh mất nhân tính.

Tôi không nghĩ những gương mặt có phần còn non tơ kia lại có thể làm những cái việc tày trời. Không ai có thể bào chữa cho những tội ác chúng đã gây ra bằng chính mạng sống và sự dày vò lương tâm của chúng.

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn