6.000 tỷ đồng của BIDV bị 'thổi bay' trong vòng 20 giờ

Kinh tếThứ Bảy, 08/02/2014 06:22:00 +07:00

(VTC News) – Mới giao dịch được 4 phiên trên sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh, cổ phiếu BID của BIDV đã giảm mạnh khiến vốn hóa thị trường của ngân hàng này giảm gần 6.000 tỷ đồng.

Giảm nhiều hơn tăng

Chào sàn từ ngày 24/1, cổ phiếu BID được lãnh đạo ngân hàng BIDV đặt nhiều kỳ vọng. Trả lời báo giới, ông Trần Phương – Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, việc niêm yết cổ phiếu tại thời điểm trước Tết Giáp Ngọ sẽ tạo điều kiện cho BIDV thực hiện tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài trong năm 2014 một cách hiệu quả.

BIDV kỳ vọng BID cũng sẽ hút được sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn. Lãnh đạo BIDV khá lạc quan khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy định mới về việc một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được sở hữu 20% vốn ở ngân hàng Việt. Điều đó sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Kỳ vọng là vậy nhưng BIDV vẫn chưa hái được quả ngọt khi quyết định niêm yết cổ phiếu BID. Chào sàn từ ngày 24/1/2014, BID đã trải qua 4 phiên giao dịch (chưa đầy 20 giờ giao dịch chính thức) thì có tới 3 phiên mã cổ phiếu này giảm mạnh và chỉ có 1 phiên tăng nhẹ.

Trong ngày chào sàn 24/1, BID tăng 100 đồng/CP, tương ứng 0,5% lên 18.800 đồng/CP. Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, mã cổ phiếu BID liên tục đi xuống. Ngày sau giảm mạnh hơn ngày trước. Cụ thể, ngày 27/1, BID giảm 400 đồng/CP, tương ứng 2,1% xuống 18.400 đồng/CP. Ngày 6/2, BID giảm 800 đồng/CP, tương ứng 4,3% xuống 17.600 đồng/CP.

Và tới ngày 7/2, ngày giao dịch thứ 2 của năm Giáp Ngọ, tốc độ giảm của BID được gia tăng. BID suýt giảm sàn khi mất 1.000 đồng/CP, tương ứng 6% và dừng ở mức 16.600 đồng/CP.

Như vậy, sau 4 phiên giao dịch, BID giảm 2.100 đồng/CP, tương ứng 11,2%. BID sụt giảm khiến vốn hóa thị trường của BIDV bị ảnh hưởng mạnh. Hiện tại, BIDV có 2.811.202.644 cổ phiếu BID đang lưu hành và niêm yết. 4 ngày qua, với việc giảm mạnh giá cổ phiếu BID đã khiến vốn hóa thị trường của BIDV giảm 5.903,5 tỷ đồng.

Kỳ vọng gì ở BID?

BID đang trong xu hướng đi xuống. BID giảm giá một phần do niêm yết vào thời điểm không thuận lợi khi VN-Index đang trong thời gian điều chỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động bán ra của nhà đầu tư cũng góp phần khiến cổ phiếu này gặp không ít bất lợi.

Trả lời Vneconomy, ông Nguyễn Hữu Việt (Giám đốc nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán IRS) cho biết, so sánh tương đối về mức giá, khả năng sinh lời với một cổ phiếu khác trong ngành như CTG, BID không thực sự hấp dẫn.

Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán BVSC) thì cho hay: Nếu xét dựa trên các tiêu chí về P/E, P/B, mức giá của BID vẫn ở mức hợp lý, dù chưa phải là cổ phiếu hấp dẫn nhất trong số các cổ phiếu cùng ngành đang niêm yết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Duẩn, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư SnD lại có cái nhìn khác. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, ông Duẩn nhận định, BID không tăng là một tín hiệu tốt. Trong phiên chào sàn, BID thậm chí có thời điểm giảm nhẹ. Đó là do không ít nhà đầu tư chốt lời.

Ông Duẩn phân tích, giá đấu giá bình quân của BID là gần 18.600 đồng/CP. Sau thời gian đấu giá, trên OTC, BID giảm khá mạnh và giao dịch phổ biến trong khoảng từ 12.000 đồng tới 13.000 đồng/CP. Mua bán ở mức giá này, rõ ràng nhà đầu tư thiệt hại không ít.

Theo ông Duẩn, dựa vào tâm lý của nhà đầu tư, khi niêm yết, BID chào sàn ở mức 18.700 đồng/Cp, tức là tăng mạnh so với mức 12.000 đồng/CP. Sự chênh lệch này khiến nhà đầu tư đua nhau bán ra. Và tất nhiên, lượng hàng xả ra nhiều thì giá cổ phiếu khó có thể tăng.

Có thể thấy, trong phiên chào sàn, lượng cung BID là rất lớn. Nhưng BID khớp lệnh tới gần 8,5 triệu cổ phiếu. Điều đó đồng nghĩa với việc cung lớn và cầu cũng rất lớn.

Ông Duẩn cũng cho biết thêm, hiện lượng cổ phiếu BID “trôi nổi” trên thị trường khá thấp, chưa tới 5%. Hơn 95% còn lại thuộc về Nhà nước. Đây cũng là yếu tố khiến BID trở nên hấp dẫn.

Ông Duẩn nhận định, BID có thể điều chỉnh vài phiên nhưng về lâu dài, cổ phiếu này có thể tăng khá. Vì vậy, với cá nhân ông Duẩn vẫn khuyến nghị nhà đầu tư có tiềm lực nên mua vào BID.

Đồng quan điểm với ông Duẩn, Công ty chứng khoán Maritime Bank Securites cũng khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua vào BID. Nguyên nhân Maritime Bank Securites đưa ra chính là BIDV có lợi thế về quy mô, lịch sử hoạt động, hệ thống khách hàng và đối tác.

Maritime Bank Securites phân tích: “BIDV được coi là một trong những ngân hàng vững mạnh nhất Việt Nam hiện nay. Khác với một số ngân hàng lớn đã niêm yết, BIDV chưa có đối tác chiến lược nước ngoài. Đó sẽ là cơ hội của cổ phiếu BIDV khi niêm yết trên HSX với nhiều thông tin minh bạch hơn. Đánh giá khả quan về triển vọng ngành ngân hàng, triển vọng thị trường chứng khoán năm 2014, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu BID cho mục tiêu trung và dài hạn”.

Cụ thể hơn, theo Maritime Bank Securites, nhà đầu tư nên mua vào BID ở vùng giá từ 16.000 đồng/CP tới 17.000 đồng/Cp. Vùng giá bán kỳ vọng là 23.000 đồng/CP  – 24.000 đồng/CP. Thời gian nắm giữ khuyến nghị là 6 tháng

Với các khuyến nghị kể trên, lợi nhuận BID dự kiến có thể mang lại cho nhà đầu tư là 30%.

Bình luận
vtcnews.vn