6 lý do khiến Bình Nhưỡng quyết định đấu pháo

Thế giớiThứ Bảy, 27/11/2010 08:40:00 +07:00

(VTC News) - Theo một số nhà phân tích, có 6 lý do chính khiến Bình Nhưỡng quyết định đấu pháo với Hàn Quốc trên biển Tây. 6 lý do đó là gì?

(VTC News) – Sau vài ngày nổ ra cuộc đầu pháo giữa quân đôi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trên biển Tây, các nhà phân tích tổng kết có 6 lý do chủ yếu khiến Bình Nhưỡng quyết định nã pháo về phía đảo Yeonpyeong mà họ gọi là để “trả đũa hành động khiêu khích của quân đội Hàn Quốc”.

Chuyển giao quyền lực

Một số nhà phân tích tin rằng hành động nã pháo vừa qua của Bình Nhưỡng có liên quan chặt chẽ đến tiến trình chuyển giao quyền lực từ chủ tịch Kim Jong-il sang người con trai út của ông, tân đại tướng Kim Jong-un.

Hiện nay, sức khỏe của chủ tịch Kim được cho là đang rất yếu, và việc chuyển giao hoàn toàn quyền lực chắc chắn sẽ diễn ra trong thời gian không xa.

Vào tháng 9, Bình Nhưỡng đã tiến hành một kỳ đại hội đảng hiếm hoi nhằm bầu tân đại tướng Kim Jong-un giữ những chức vụ chủ chốt trong đảng, đặc biệt là vị trí Phó chủ tịch quân ủy trung ương, một vị trí có thực quyền chỉ sau người cha chủ tịch Kim Jong-il.

Khiêu khích quân sự chính là con đường nhanh nhất để Kim Jong-un tạo dấu ấn? 

Các nhà phân tích cho rằng, vụ chìm tàu chiến Cheonan của hải quân Hàn Quốc và vụ đấu pháo vừa qua chính là một hành động hiếu chiến của quân đội Bắc Hàn. Tuy nhiên, nó lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, đó là củng cố vị thế của tân đại tướng Kim Jong-un.

Theo nhà nghiên cứu Mark Fitzpatrick thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, “vụ chìm tàu Cheonan khó tránh khỏi có sự liên quan của Bình Nhưỡng”. “Kim Jong-un khó có thể làm một việc gì mà nhanh chóng tạo được dấu ấn. Nhưng nếu gây ra một vụ khiêu khích quân sự, thì sự khẳng định này sẽ đến nhanh hơn”.

Nội bộ bất đồng

Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill, từng dẫn đầu đoàn đại biểu của Mỹ tham gia các vòng đàm phán 6 bên, cho biết, quân đội Hàn Quốc giờ đây ngày càng nhận được nhiều chỉ thị trực tiếp từ các nhà lãnh đạo cấp cao, và hành động quân sự vừa rồi chỉ là một trong số đó. Điều này cho thấy, quân đội ngày càng được quan tâm và có dấu hiệu giành nhiều đặc quyền trong nền chính trị Bắc Hàn.

Theo ông Hill, hiện nay có một câu hỏi đặt ra là quân đội liệu có hoàn toàn thay thế bộ máy của chính quyền dân sự?

“Theo tôi, hiện nay nội bộ Bắc Triều Tiên đang trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Có một điều rất rõ ràng là, để bắt đầu quá trình chuyển giao, Chủ tịch Kim đã phong cho người con trai út của mình hàm đại tướng 4 sao, điều này thể hiện sự ưu ái tuyệt đối của ông đối với quân đội”, ông Hill cho biết.

“Có rất nhiều vấn đề tồn tại, và theo tôi, qua cách họ thể hiện ra bên ngoài sẽ biết được hiện giờ mâu thuẫn đó đang ở mức nào”, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Bế tắc hạt nhân

Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên từng dấy lên các vụ căng thẳng để tăng tường vị thế đàm phán của mình, đặc biệt là liên quan đến vấn đề hạt nhân.

Đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên có liên quan đến Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên đã bị đình trệ từ tháng Tư năm 2009.

Năm 2005, Bình Nhưỡng đã từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ kinh tế và nhượng bộ chính trị. Nhưng thỏa thuận này đã sụp đổ khi các bên liên quan còn nghi ngờ việc Bình Nhưỡng có hay không chương trình làm giàu uranium, ngoài chương trình sản xuất plutonium đã biết.

Bình Nhưỡng từng thiện chí phi hạt nhân hóa của mình khi phá hủy tháp làm lạnh ở cơ sở hạt nhân Yongbyong 

Một thông tin do nhà khoa học Mỹ Hecker tiết lộ hồi đầu tháng 11 đã khiến Mỹ càng nghi ngờ về khả năng sản xuất bom nguyên tử của Bình Nhưỡng. Theo thông tin được tiết lộ này, hiện Bắc Triều Tiên có khoảng 2.000 máy ly tâm và đều đang hoạt động.

Ngoài ra, nhà khoa học Mỹ này còn tỏ ra kinh ngạc về mức độ tinh vi của cơ sở hạt nhân mà ông được Bình Nhưỡng cho tận mắt chứng kiến.

Chỉ ít giờ trước khi cuộc pháo kích diễn ra, đặc phái viên của Mỹ trong chuyến công du tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã nói rằng “Mỹ chỉ tiến hành ngồi vào vòng đàm phán 6 bên chừng nào Bắc Triều Tiên tỏ thiện ý phi hạt nhân hóa một cách rõ ràng”. Đây có phải là động thái củng cố quyết tâm gây khủng hoảng của Bình Nhưỡng?

Diễn tập quân sự

Trong quá khứ, hai miền Triều Tiên từng có nhiều vụ xô xát quân sự, nhưng chủ yếu là diễn ra ở ngoài khơi thuộc khu vực biên giới căng thẳng trên biển.

Hàn Quốc đã công nhận đường giới hạn phía bắc do Mỹ đơn phương vạch ra sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, nhưng Bắc Triều Tiên không chấp nhận điều này.

Bình Nhưỡng thường phản đối các cuộc diễn tập quân sự của Hàn Quốc trên biển Tây, nhưng đây là lần phản ứng mạnh mẽ nhất 

Cứ mỗi lần Hàn Quốc tiến hành tập trận ở khu vực biển tranh chấp, Bình Nhưỡng đều lên tiếng phản đối, cho rằng đây là hành động hiếu chiến và xâm phạm lãnh thổ, nhưng đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phản ứng mạnh như thế này kể từ khi hiệp định đình chiến giữa hai miền được ký kết.

Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận năm nay từ hôm thứ Hai. Sau vụ pháo kích này, Mỹ cho biết sẽ gửi lực lượng lớn gồm tàu sân bay và các đơn vị đồn trú tại 1 căn cứ quân sự ở Nhật Bản tham gia tập trận chung cùng Hàn Quốc.

Cam kết viện trợ

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Lee Myung-bak với lập trường viện trợ cứng rắn đã đẩy quan hệ hai miền xấu đi trông thấy. Viện trợ mà Hàn Quốc cấp cho Bắc Triều Tiên nhỏ giọt bởi Tổng thống Lee cho rằng, viện trợ phải có điều kiện và gắn viện trợ với việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, bằng chính sách Ánh Dương, Hàn Quốc đã cung cấp một lượng lương thực lớn cho Bình Nhưỡng để cứu giúp nền kinh tế nghèo khó của nước này. Tuy nhiên, gần đây Hàn Quốc tuyên bố, chính sách Ánh Dương đã thất bại.

Những chuyến hàng viện trợ như thế này từ Hàn Quốc đã giúp Bình Nhưỡng giải quyết rất nhiều khó khăn trong nước 

Lũ lụt cộng với mất mùa liên miên khiến Bắc Triều Tiên liên tục rơi vào cảnh thiếu ăn. Các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Liên hợp quốc càng khiến quốc gia Đông Á này rơi vào cảnh khó khăn nghiêm trọng.

Trên những cơ sở này, các nhà phân tích cho rằng, một cuộc khiêu khích quân sự như vừa qua có thể giúp Bình Nhưỡng phần nào đánh lạc hướng quan tâm của người dân trước những khó khăn trong nước.

Gây chú ý đối với Mỹ

Hiện nay Bình Nhưỡng muốn cả viện trợ kinh tế của Hàn Quốc lẫn sự chú ý từ Mỹ - và trong những tuần gần đây đã kêu gọi Mỹ tiến hành nối lại các vòng đàm phán 6 bên, mặc dù bản thân chưa đạt được các điều kiện do Mỹ đưa ra.

Trong quá khứ nước này từng sử dụng những hành động khiêu khích cao độ như tiến hành thử tên lửa để ra tăng vị thế đàm phán của mình, đồng thời tập trung sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Hữu Túc(tổng hợp)

 

 

Bình luận
vtcnews.vn