53% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận

Kinh tếThứ Ba, 21/08/2018 11:50:00 +07:00

Tới thời điểm cuối năm 2016, chỉ 47% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có lợi nhuận.

Thông tin được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) chuyên đề thị trường vốn, tài chính với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam – giải pháp và thách thức”, tổ chức tại Hà Nội sáng 21/8.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ và Thủ tướng luôn luôn kiên định và coi việc ổn định nền kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; trong đó có 3 vấn đề liên quan tới việc phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

CSC_0495

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

. (Ảnh: Văn Phong)

Tuy nhiên, tại diễn đàn, khi nhắc đến việc đánh giá các chủ thể của nền kinh tế, Phó Thủ tướng đưa ra số liệu thống kê: Tới tháng 12/2016, 53% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận. "Vì sao lại thiếu khả quan như vậy? Phải chăng là do tình trạng vốn mỏng của các doanh nghiệp?" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề tài chính: Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vì vậy chi phí tài chính luôn ở mức cao, cộng thêm các khoản chi phí khác và vốn chủ sở hữu Nhà nước còn hạn chế.

Thông qua diễn đàn, Phó Thủ tướng mong muốn tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này, đánh giá đúng sức khỏe của các chủ thể để có giải pháp phát triển nền kinh tế.

Bên cạnh các vấn đề mà Phó Thủ tướng nêu ra, Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề Thị trường Vốn – Tài chính đi sâu thảo luận, đánh giá các vấn đề còn tồn tại của thị trường vốn, tài chính nội địa và giải pháp tái cơ cấu thị trường này.

Đồng thời, Diễn đàn cũng thảo luận và tìm kiếm các giải pháp tạo dựng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Diễn đàn sẽ đưa ra giải pháp nhằm giải quyết các hạn chế của thị trường vốn – tài chính nội địa như: Sự thiếu hụt dòng vốn trung – dài hạn khiến các hoạt động sản xuất không có nguồn lực phát triển. Việc phân bổ vốn giữa các ngành kinh tế còn bất hợp lý, chưa có hệ thống giám sát hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Khung pháp lý còn yếu khiến cơ cấu thị trường chưa được định hình rõ ràng dẫn tới tình trạng bất ổn, những cơ hội xen lẫn thách thức và tác động khó lường của quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số…

Những giải pháp được đề xuất, đồng thuận tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp báo cáo, đệ trình lên Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể diễn ra tháng 12/2018.

Video: Đại biểu 'truy' cổ phần hóa 10 doanh nghiệp chỉ bằng 1 căn nhà phố cổ

Văn Phong
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn