5.000 nhà đầu tư Hàn 'đánh' trên sàn chứng khoán Việt

Kinh tếThứ Năm, 19/04/2018 11:52:00 +07:00

Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Seoul, Hàn Quốc do Việt Nam tổ chức diễn ra vào ngày 18/4 thu hút trên 400 nhà đầu tư Hàn Quốc tham dự và 5.000 nhà đầu tư Hàn mở tài khoản tại TTCK Việt Nam.

Sự hấp dẫn của TTCK Việt

Chia sẻ về triển vọng TTCK Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, sau 18 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam được biết đến là một thị trường non trẻ nhất, quy mô khiêm tốn nhất, nhưng đến nay là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 4 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là gần 84% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua là 43%/năm.

Theo ông Dũng, nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch thì cho đến nay, thị trường có 1.467 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 Sở (trong đó có 743 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết và 724 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM), và có gần 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la.

chungkhoan_hq_PIPA

TTCK Việt Nam đang mời gọi vốn ngoại đến đầu tư. 

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế khác nhau đã tham gia TTCK như Vinamilk, Vin Group, Novaland, Sabeco, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Petrolimex, Vpbank,… và những tên tuổi lớn khác sắp được chào sàn như Techcombank, Vinhomes…Trong năm 2017, có 92,5% doanh nghiệp niêm yết có lãi, tổng doanh thu tăng 18,5% và tổng lợi nhuận sau thuế tăng 27,5% so với năm 2016.

Về cấu trúc của thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, TTCK Việt Nam đã có một hệ thống thị trường với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh bao gồm thị trường cổ phiếu được tổ chức ở 2 Sở GDCK, thị trường TPCP được tổ chức tại SGDCK Hà Nội có quy mô đạt 19% GDP, giao dịch bình quân năm 2017 đạt gần 400 triệu USD/ngày và mới đây là TTCK phái sinh (8/2017).

Mặc dù mới ra đời chưa được 01 năm và mới chỉ có 01 sản phẩm giao dịch là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, nhưng TTCK phái sinh đã có tốc độ tăng trưởng bình quân 42%/tháng và đang thu hút được mối quan tâm ngày càng lớn.

Video: Ba tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2017 là ai?

5.000 tài khoản nhà đầu tư Hàn

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự phát triển nhanh và vững chắc của TTCK trong những năm vừa qua là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là sự tăng trưởng ở mức cao của GDP cũng như sự ổn định của các chỉ tiêu vĩ mô trong một khoảng thời gian khá dài, cùng với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư tạo cơ hội công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong năm 2018 và những năm tiếp theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững về quy mô và tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, Hàn Quốc có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có nhiều ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ và đặc biệt là có 05 CTCK gốc do Hàn Quốc sở hữu 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối trên 90%.

Do vậy, tôi tin tưởng rằng con số gần 5 nghìn tài khoản và giá trị danh mục của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. “Chúng tôi đánh giá cao chất lượng của các nhà đầu tư và cam kết sẽ cùng với Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS) và các cơ quan liên quan của Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, bởi thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.

Theo Bộ Tài chính, hiện tại, xu hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam rất lớn, lớn nhất trong số các nước ASEAN. Hàn Quốc đã và đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 59 tỷ đô la (tính đến 20/3/2018). Hiện Việt Nam là nền kinh tế mở, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên phá kỷ lục chạm ngưỡng 400 tỷ đô la; tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 319,6 tỷ đô la.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn