50 năm chinh phục Mặt Trăng: Đóng góp của 400.000 người và 8 phi hành gia hy sinh

Thế giớiThứ Sáu, 19/07/2019 17:53:00 +07:00

Đằng sau vinh quang của hành trình chinh phục Mặt Trăng suốt 50 năm qua là nỗ lực của hàng trăm nghìn con người và cả sự hy sinh của những phi hành gia xấu số.

Cách đây một nửa thế kỷ, ngày 20/7, tàu Apollo 11 đưa các nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đặt chân lên Mặt Trăng trong sứ mệnh chinh phục chưa từng có tiền lệ. 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện này, BBC tổng kết lại những con số, những nhân tố tạo ra bước nhảy vọt cho ngành hàng không vũ trụ Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung. 

400.000 người tham gia vào dự án Apollo 

Neil Armstrong cho tới nay vẫn là phi hành gia nổi tiếng nhất của NASA, được cả thế giới nhớ đến với tư cách là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. 

Nhưng trong các cuộc trò chuyện và phỏng vấn về cú hạ cánh lịch sử, ông luôn khiêm tốn về thành tích của mình và không ngừng nhấn mạnh sứ mệnh thành công là nhờ sự góp sức của hàng nghìn người. 

apollo

Phòng điều khiển ở Trung tâm vũ trụ Kennedy, Florida nín thở dõi theo nhất cử nhất động của Apollo 11. (Ảnh: AP)

Theo ước tính của NASA, có khoảng 400.000 người đã tham gia vào chương trình Apollo. Họ là các phi hành gia, chuyên viên điều khiển bay, đối tác đến đơn vị cung cấp thực phẩm, kỹ sư, nhà khoa học, y tá, bác sĩ, nhà toán học và lập trình viên.

Đơn cử như sứ mệnh Apollo 11, trong khi Armstrong và Aldrin du hành ngoài vũ trụ, trên mặt đất, các chuyên viên kiểm soát chuyến bay ngồi chật kín trong một căn phòng theo sát nhất cử nhất động của họ. Trong mỗi ca trực, ngoài đội ngũ nòng cốt gồm 20-30 người còn có hàng trăm kỹ sư ở Houston và một nhóm tại Học viện MIT ở Boston cố vấn về hệ thống cảnh báo máy tính.

Bộ phận Kiểm soát được hỗ trợ bởi hệ thống các trạm liên lạc đặt khắp nơi trên thế giới và nhóm kỹ sư tại Công ty Grumman thiết kế tàu hạ cánh cùng tất cả các nhà thầu phụ của hãng. Bên cạnh họ là lực lượng hỗ trợ, từ giám đốc cao cấp đến người bán cà phê. Nhẩm tính con số này đã lên tới hàng nghìn người.

Nhân con số đó với các bộ phận khác của dự án, từ tên lửa cho tới phụ trách trang phục phi hành gia... con số 400.000 có lẽ còn hơi thấp. 

12 phi hành gia thực sự đặt chân lên Mặt Trăng

33 phi hành gia có mặt trong các chuyến đi của tàu vũ trụ Apollo nhưng chỉ có 27 người tới Mặt Trăng, 24 người bay vào quỹ đạo Mặt Trăng và 12 người đặt chân xuống bề mặt của Mặt Trăng. Tính tới thời điểm hiện tại, 2 phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt là những người cuối cùng in dấu chân trên Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo 17 tháng 12/1972. 

apollo-11 3

Hình ảnh về sứ mệnh Apollo cuối cùng năm 1972. (Ảnh: NASA) 

Không ai rõ Neil Armstrong thực sự nói gì khi là 1 trong 2 người đầu tiên đặt chân xuống bề mặt của Mặt Trăng. Ông chưa từng kể điều đó với ai. Armstrong từng thừa nhận rằng câu nói "Đây là bước đi nhỏ bé của con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại” đi vào lịch sử này chỉ nảy ra trong đầu ông vào thời điểm bước xuống Mặt Trăng. 

Với Buzz Aldrin, những gì ông mô tả về Mặt Trăng là cụm từ "hoang vu tráng lệ".

Người thứ 3 đặt chân lên Mặt Trăng và cũng là một trong những phi hành gia có chiều cao khiêm tốn nhất Pete Conrad chạy vòng quanh và hét lên rằng: "Trời ạ, đó có thể là bước nhỏ với Neil nhưng là một bước dài với tôi". 

Khi Charlie Duke bước xuống Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 16 tháng 4/1972, ông không thể kìm chế sự hứng khởi và thốt lên rằng "Trời ơi… tuyệt vời quá!". Trong suốt chuyến du hành, Duke và chỉ huy John Young không hề che giấu sự nhiệt tình, hào hứng của mình. 

8 phi hành gia thiệt mạng trong các nhiệm vụ Apollo

Trước khi nhóm phi hành đoàn gồm ba người trên tàu Apollo 7 cất cánh vào tháng 10/1968, 8 phi hành gia Apollo đã thiệt mạng.

Người đầu tiên qua đời vào năm 1964 là Theodore Freeman khi máy bay của ông, chiếc phi cơ huấn luyện T-38 bị một con chim đâm vào, phá vỡ buồng lái và làm động cơ ngừng hoạt động. 

Ngày 28/02/1966, phi hành đoàn chính trên tàu Gemini 9 gồm Elliot See và Charles Bassett đang chuẩn bị hạ cánh chiếc máy bay T-38 ở St Louis. Do mây mù che kín đường băng, See định vị nhầm một đoạn rẽ và đâm vào tòa nhà lắp đặt tàu vũ trụ. Nhóm phi công thiệt mạng ngay lập tức. 

bang nhom 4

 Tấm bảng nhôm tưởng nhớ các phi hành gia đặt trên Mặt Trăng. (Ảnh: NASA) 

Ngày 27/01/1967, phi hành đoàn gồm Grissom, Ed White (người Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian) và Roger Chaffee, nằm trên ghế trong khoang phóng tàu để chạy thử nghiệm toàn bộ tàu vũ trụ. Họ bị khóa chặt trong khoang lái tròn phức hợp. Cuộc thử nghiệm diễn ra theo chiều hướng xấu, một mùi khét bốc ra từ trong khoang tàu, các phi hành gia gặp khó khăn khi nói chuyện với bộ phận kiểm soát. 

Từ mặt đất, các nhân viên trực điện đài nghe thấy tiếng nói: "Lửa, tôi ngửi thấy mùi cháy". Chỉ trong vài giây cả phi hành đoàn bị thiêu sống trong lửa. Họ không có cơ hội thoát ra.

Thảm kịch đã khiến người ta phải suy nghĩ lại toàn bộ về chương trình Apollo và đưa ra hàng loạt các cải tiến sau đó. 

Trong cùng năm này, Clifton Williams thiệt mạng khi một máy bay T-38 khác rơi và Edward Givens qua đời trong một tai nạn giao thông. 

Tất cả 8 phi hành gia cùng với 6 phi hành gia khác của Liên Xô được tưởng niệm bằng một tấm bia do các phi hành gia trên tàu Apollo 15 để lại trên Mặt Trăng.

1 phụ nữ duy nhất có mặt trong phòng điều khiển Apollo 11

Sự xuất hiện của Kỹ sư điều khiển tự động JoAnn Morgan trong phòng điều hành phóng tàu Apollo 11 tại Cape Canaveral khiến người ta bất ngờ vì quan niệm cố hữu trước nay rằng Apollo là một dự án toàn đàn ông. 

Bà Morgan là người mang giới tính nữ duy nhất trong căn phòng chật kín đàn ông đó. Bà chịu trách nhiệm quản lý 21 kênh thông tin liên lạc, độ ổn định và tình trạng của tất cả các hệ thống quan sát tên lửa Saturn 5.

"Phóng tàu là một vụ nổ có kiểm soát. Bạn luôn có chút e ngại khi bạn trông chừng nó", Morgan chia sẻ. 

phong dieu khien 6

JoAnn Morgan là phụ nữ duy nhất phòng điều hành phóng tàu Apollo 11 tại Cape Canaveral. (Ảnh: Vanity Fair)

Là một trong số ít những phụ nữ làm việc ở vị trí cao cấp trong chương trình Apollo, Morgan nói bà thường xuyên phải đối phó với tình trạng kỳ thị giới tính, đặc biệt là khi bà mới bắt đầu.

"Tôi nhận được những cuộc điện thoại tục tĩu, một số bình luận không mấy hay ho trong thang máy và bị một số người xô đẩy trong quán ăn, Sau một thời gian, hầu hết những hành động đó không còn nữa vì nhiều người nhận ra tôi là người làm việc nghiêm túc", bà chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo nữ kỹ sư này, chương trình không gian của NASA vẫn chưa sẵn sàng cho phụ nữ.

"Thậm chí khi xây các tòa nhà mới, họ vẫn quên rằng sẽ có thêm nhiều phụ nữ đến làm việc. Tòa nhà đầu tiên tôi làm việc chỉ có một phòng vệ sinh nữ duy nhất trong cả tòa nhà 3 tầng. Họ phải cải tạo một phòng vệ sinh nam ở mỗi tầng thành nhà vệ sinh nữ. Vì vậy chúng tôi phải dùng nhà vệ sinh nữ với bồn tiểu đứng", bà chia sẻ. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn