Chính trị

5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết

Thứ Sáu, 22/07/2022 16:16:00 +07:00

(VTC News) - Ách tắc giao thông, ngập úng, rác thải ùn ứ, mật độ xây dựng cao tác động xấu đến cuộc sống của người dân là những bài toán chờ tân Chủ tịch Hà Nội đưa ra lời giải.

Chiều 22/7, tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Trên cương vị người đứng đầu chính quyền Thủ đô, ông Trần Sỹ Thanh sẽ phải có giải pháp cho những vấn đề "nóng" để thành phố ngày càng phát triển.

5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 1

 

Ách tắc giao thông

Với lưu lượng hơn 7,5 triệu ô tô, xe máy đang lưu thông trong năm 2021, cùng tốc độ đăng ký mới tăng nhanh trong năm 2022, giao thông Hà Nội tiếp tục là vấn đề “căng thẳng”.

Hiện tại, đa phần các tuyến đường của Thủ đô có mặt cắt hẹp, từ 7-11 m nên việc ùn tắc vào giờ cao điểm là khó tránh khỏi. Ngay cả các tuyến đường mới, đường đôi lớn như Võ Chí Công, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng... cũng bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải.

Trả lời VTC News về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - cho rằng, ùn tắc giao thông trong nội thành Hà Nội diễn ra hàng chục năm nay, được xem là vấn đề hàng đầu mà chính quyền cần phải giải quyết. Tuy nhiên, qua nhiều thời kỳ, hiệu quả vẫn rất thấp.

Chiến lược quy hoạch giao thông đô thị chưa tốt, có lúc dựng giải phân cách cứng rồi sau đó tháo ra, tổ chức BRT kém hiệu quả, các tuyến đường sắt chậm tiến độ”, ông Thuỷ nói.

Theo ông Thuỷ, để giải quyết được thực trạng này, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải lựa chọn đội ngũ nhân sự về giao thông tốt hơn, những người có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, có tính cầu thị, lắng nghe ý kiến dư luận và làm điều mà người dân mong muốn chứ không phải làm theo ý đồ cá nhân.

Cùng việc lựa chọn đội ngũ có năng lực, người đứng đầu thành phố phải có sự giám sát, kiểm ra và xử lý nghiêm những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thấy chưa làm tốt điều này ở những thời kỳ trước. Ví dụ, tại sao các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, đội vốn nhưng không cá nhân nào bị xử lý? BRT không hiệu quả, còn gây khốn khổ cho người dân thì ai chịu trách nhiệm? Người dân kêu nhưng tiếp tục để BRT hoạt động và cho rằng như thế mới là phát triển giao thông công cộng, liệu tư duy này có đúng? Dự án nếu không phục vụ được nhân dân thì phải cho thôi ngay, không phải vì đầu tư cả ngàn tỷ đồng sợ lãng phí nên cố đấm ăn xôi được”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.

5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 2

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng đến nay Hà Nội chưa xóa bỏ được tình trạng ùn tắc giao thông. (Ảnh: Đắc Huy).

Cùng đó, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nhận định, tân Chủ tịch Hà Nội phải có nhìn nhận thực tế, lắng nghe ý kiến của người dân.

“Đã có đồng chí Chủ tịch thành phố nào thực lòng - tôi nhấn mạnh vào chữ thực lòng - đi dạo, khảo sát đường sá, lên một chuyến xe buýt để xem nó chạy thế nào chưa, hay mới dừng lại ở hình thức? Đã có đồng chí Chủ tịch thành phố nào nhìn thấy sự khổ sở của người đi xe máy, xe đạp phải leo lên vỉa hè vì ô tô chiếm hết đường chưa?… Tôi nghĩ chưa đồng chí Chủ tịch TP Hà Nội nào làm được những điều đó một cách thực lòng. Chính vì thế, không ít chính sách, dự án không sát thực tế được triển khai, người dân vẫn kêu ca”, ông Thuỷ nêu ý kiến.

Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, có nêu, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Ông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, điều này khó có thể thực hiện nếu hạ tầng chưa tốt, đường không thông, hè không thoáng, giao thông cộng cộng không đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

“Chính quyền Hà Nội tới đây cần đẩy nhanh chiến lược phát triển mạng lưới giao thông công cộng, thúc đẩy các tuyến đường sắt nội đô sớm về đích. Phương tiện công cộng nếu chạy tốt, người dân sẽ giảm bớt đi xe máy và ô tô. Không nhất thiết phải cấm, ít có quốc gia nào lại cấm như vậy. Điều gì phù hợp với nhân dân thì làm, chứ không nên áp đặt”, ông Thuỷ nêu quan điểm.

Về vấn đề Hà Nội sẽ xây dựng các bến xe ngoại thành, bao gồm bến Đông Anh, Cổ Bi, Nội Bài, Phùng… trong Quyết định số 1218/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, TS Thuỷ nhận định, điều này có thể khiến giao thông Hà Nội trở nên phức tạp hơn và gây thêm ùn tắc.

“Bến xe cách nội thành 20-30 km, buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận, tạo nên sự phiền hà cho người dân, nhiều phương tiện cá nhân đổ về bến lại thêm ùn tắc. Thay vào việc xây mới ở xa, hãy cải tạo những bến xe hiện có, đồng thời phát triển mạnh hạ tầng hơn nữa, các cửa ngõ Thủ đô phải mở rộng ra. Ví dụ 10-15 km cao tốc Pháp Vân trước khi vào thành phố phải rộng ra 40-50 m hay phía Quốc lộ 5 cũng thế. Chỉ có làm vậy, cửa ngõ mới không tắc nữa”, ông Thuỷ đề xuất.

Ngập úng đô thị

Bên cạnh câu chuyện giao thông, việc khiến người dân quan tâm là tình trạng “cứ mưa là ngập” của Hà Nội sẽ tái diễn đến bao giờ, và đến khi nào mới được xử lý triệt để. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ngập úng cũng làm xấu xí bộ mặt đô thị.

Trả lời PV VTC News về vấn đề nhiều tuyến phố Hà Nội biến thành "sông" sau trận mưa lớn, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - cho rằng, quá trình đô thị hoá, bê tông hoá làm giảm diện tích đất nền, nước mưa không còn chỗ ngấm dẫn đến ngập úng.

"Hà Nội từng công bố có hơn 120 hồ, gần đây cũng không thấy số liệu thống kê là mất bao nhiêu hồ, nhưng tôi được biết các địa phương đã không cho phép thực hiện việc san lấp nữa. Dù vậy, khả năng tích trữ, diện tích mặt nước, độ sâu của các hồ chắc chắn đã bị suy giảm do quá trình bùn lấp tự nhiên, đồng thời công tác nạo vét không được thực hiện thường xuyên”, ông Hồng nói.

X
5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 3

 

X
5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 4

 

X
5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 5

 

X
5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 6

 

Theo ông Hồng, Thủ đô không còn quá nhiều bề mặt đất để thấm nước. Trước đây, chỉ có 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, nhưng hiện nay, con số này đã là 12, sắp tới còn gia tăng. Đô thị hoá kéo theo sự xuất hiện của các tòa cao ốc, điện, đường, trường, trạm… mặt đất bao phủ bởi bê tông, không còn chỗ để nước thấm xuống. Chỗ chứa nước giảm, không có chỗ thấm nước, mưa xuống khiến nước trào lên mặt đất rất nhanh, hệ thống không thoát nước kịp thời sẽ gây ngập úng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, Hà Nội đầu tư hàng triệu USD cho các dự án thoát nước nhưng “đánh không trúng” nên không hiệu quả.

“Thành phố đã chi hàng chục nghìn tỷ vào công tác nạo vét sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây… Tuy nhiên, 2 trạm bơm lớn nhất để bơm nước từ các sông hồ này ra sông Hồng là trạm bơm Yên Sở và Yên Nghĩa, thì mạng lưới kênh tập trung nước lại không đủ, cho nên vẫn phải dựa vào các hồ điều hòa và các trạm bơm dã chiến để thoát nước cho các khu vực.

Kế đến là đổ tiền vào xây dựng rãnh nước ở vỉa hè. Nhưng các kiến trúc sư chỉ tính rằng một người hàng ngày xả ra bao nước thải, hệ thống cống rãnh này có tiêu được không chứ họ không hề tính thêm lượng mưa. Khi lượng mưa đổ xuống quá lớn, cống rãnh không thể tiêu ngay được vì vượt quá khả năng”, ông Hồng nói.

Để quá trình tiêu nước hiệu quả, chuyên gia này kiến nghị, chính quyền Hà Nội cần đầu tư những ứng dụng công nghệ cao giống các thành phố lớn như New York (Mỹ), Matxcơva (Nga)… để biết được khi nào có mưa và mưa diễn ra ở đâu.

“Trang bị vệ tinh địa tĩnh với nhiệm vụ đo lượng nước tích trữ trong các đám mây trên cao sẽ giúp tính toán, dự báo những khu vực có lượng mưa bất thường để cảnh báo cho người dân, cũng như cơ quan chức năng đối phó úng ngập. Khi biết được khu vực nào sắp có mưa, chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc chuẩn bị hệ thống tiêu thoát nước, thực hiện công tác nạo vét ao hồ...

Nếu nước ao, hồ trong khu vực đã nhiều thì cần bơm chuyển cho khu vực không mưa, phương pháp này đã ứng dụng nhiều trong nông nghiệp. Nước ta đã sản xuất và tự chủ được nguồn máy bơm, đường ống nhưng chưa ứng dụng việc chuyển nước theo vùng để hạn chế ngập úng khi mưa lớn bởi vì không biết mưa ở đâu”, ông Hồng nói.

Ông Vũ Trọng Hồng chỉ ra rằng, hiện có 9 con sông chảy qua Thủ đô gồm: sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, Cà Lồ, sông Tích và Tô Lịch. Trừ sông Tô Lịch nằm trong nội đô, 8 con sông còn lại đều chảy qua nhiều tỉnh, thành khác. Tuy vậy, thành phố chưa tận dụng triệt để những con sông này phục vụ công tác chống ngập úng.

Rác thải ùn ứ

Người dân cũng kỳ vọng tân Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh có những giải pháp mang tính hiệu quả cao để giải quyết triệt để tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt.

Theo PGS. TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) - do chưa có các giải pháp xử lý hiệu quả, rác thải ở Hà Nội vẫn được xử lý bằng cách chôn lấp.

Các khu vực được sử dụng để chôn lấp ngày càng hẹp, lượng rác thải lại ngày càng nhiều nên khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, dẫn đến tình trạng ùn ứ rác thải trong nội đô.

Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác của thành phố vần rất luộm thuộm. Rác là vấn đề lớn nhưng chính quyền Hà Nội quan tâm chưa đủ. Hà Nội chọn cách dễ nhất nhưng lại lạc hậu nhất”, ông Vũ Thanh Ca nêu quan điểm.

Chia sẻ về giải pháp xử lý rác một cách hiệu quả, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, quan trọng nhất là giảm thiểu rác phát sinh, trong đó việc phân loại rác tại nguồn đóng vai trò quan trọng.

5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 7

Trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác, chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp. (Ảnh: Ngô Trần).

“Theo thống kê, nếu được phân loại tại nguồn sẽ giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực từ 25/8, nếu hộ gia đình hay cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Quy định đã có rồi, lãnh đạo Hà Nội cần chỉ đạo triệt để, thực hiện nghiêm chỉnh, không thể để tình trạng rác ngập đường tái diễn”, ông Ca nói.

Trong bối cảnh hai khu xử lý rác thải chính là Nam Sơn và Xuân Sơn rơi vào tình trạng quá tải, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô mỗi ngày, dù đã hoàn thiện nhưng sau lần hoạt động thử nghiệm vào cuối tháng 1/2022, đến nay, chưa thể vận hành với lý do gặp khó trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho rằng, chính quyền Hà Nội cần phải quyết tâm để dự án nhà máy điện rác sớm đi vào hoạt động.

“Các dự án điện rác chậm tiến độ có thể do địa phương thận trọng vì vẫn đang chờ những hướng dẫn cụ thể từ phía trung ương. Tất nhiên hướng dẫn này sẽ có, khi mà các bộ ngành đã tạo sức ép, diễn đàn Quốc hội đã nêu, nhưng cũng có độ trễ và phải căn cứ thực tế. Vậy nên, địa phương cần có sự chủ động, quyết tâm đưa ra những chính sách dựa trên luật hiện hành”, ông Huân nói.

Bài toán quy hoạch

Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trung bình mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 160.000 người, tương đương một huyện lớn. Gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và nhà ở của Thủ đô.

Nhiều năm qua, quy hoạch xây dựng tại Hà Nội bị phá vỡ đã tạo ra sự hỗn độn trong nhiều khu đô thị mà hệ lụy người dân đang phải hứng chịu là hạ tầng giao thông ách tắc, mưa là ngập, không gian công cộng bị thu hẹp, thiếu công trình an sinh xã hội...

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội).

Chia sẻ về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết, sau kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, Hà Nội đang có ý kiến phản hồi, tuy nhiên thực tế đã chỉ rõ việc điều chỉnh quy hoạch đã vi phạm đến Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Quy hoạch bị phá vỡ đồng nghĩa với lợi ích xã hội bị xâm phạm, để lại nhiều hệ luỵ xấu. Tắc đường, ngập úng cũng từ đây mà ra. Với tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tôi hy vọng hoạt động công vụ của bộ máy chính quyền sẽ thực sự liêm chính, quy hoạch được thực hiện đúng, các nhóm lợi ích, cán bộ sai phạm liên quan phá vỡ quy hoạch sẽ bị xử lý nghiêm minh, ông Tùng nói.

5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 8

Hàng chục tòa cao ốc “mọc” sai quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương để lại hệ lụy lâu dài, mà dễ thấy nhất là môi trường và giao thông. (Ảnh: Ngô Trần).

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội - nhận định, dân số Hà Nội hiện tăng hơn so với định hướng quy hoạch, giải pháp đặt ra là phải tạo sự liên kết trong mối quan hệ vùng. Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra vấn đề là 9 tỉnh lân cận sẽ phát huy thế mạnh để không đưa nguồn nhân lực từ các tỉnh về Hà Nội.

“Nhân lực từ các địa phương không đến Thủ đô sẽ giảm tải áp lực cho các vấn đề xã hội. Tỉ lệ sinh đẻ tự nhiên ở Hà Nội cũng đang thấp so với mức bình quân cả nước, đó là yếu tố tốt, nhưng lại đặt ra vấn đề già hoá dân số. Đến năm 2030, già hoá dân số Hà Nội sẽ hơn 10%. Chính quyền và người đứng đầu Thủ đô cần phải quan tâm và tạo ra những khu chức năng thích hợp cho người già”, ông Nghiêm nói thêm.

"Giữ mình"

Trao đổi với VTC News, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng, với hai đời Chủ tịch thành phố bị cách chức, xử lý hình sự, hơn lúc nào hết, người dân Thủ đô mong muốn tân Chủ tịch phải là người liêm chính.

“Sau vấp ngã của hai Chủ tịch vừa qua, cử tri và nhân dân mong muốn người kế nhiệm phải dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Thể hiện đúng tư tưởng của Bác Hồ và yêu cầu hiện nay của Đảng ta là con người công minh, chính trực, cùng đó là lối sống cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư”, ông Túc nói.

5 vấn đề chờ tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải quyết - 9

 

Sau vấp ngã của hai Chủ tịch vừa qua, cử tri và nhân dân mong muốn người kế nhiệm phải dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Ông Nguyễn Túc

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhận định, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với tân Chủ tịch Trần Sỹ Thanh.

“Để biến thách thức thành cơ hội, người cán bộ phải giữ được cái tâm trong sáng, ý thức trách nhiệm với Đảng, chính quyền và nhân dân, dù nơi nhận công việc có khó khăn, phức tạp đến đâu cũng sẽ vượt qua”, ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, những vấp ngã của người tiền nhiệm là lời cảnh báo, bài học đối với tân Chủ tịch để tư duy, hành động một cách cẩn trọng, tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

“Người cán bộ mới phải tranh thủ sự ủng hộ của những đồng chí, cộng sự tạo sự đoàn kết để xua tan đi những mặc cảm, quan niệm không trong sáng, toàn tâm, toàn ý vào công việc. Chủ tịch Hà Nội cần sớm giải quyết triệt để những vấn đề của Thủ đô như tắc đường, ngập nước, ô nhiễm môi trường, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện…”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn