5 sự kiện ICT nổi bật nhất Việt Nam 2014

Kinh tếThứ Bảy, 27/12/2014 05:27:00 +07:00

Những điểm nhấn tiêu biểu của làng công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam trong một năm đã qua do báo điện tử VTC News lựa chọn.

(VTC News) - Những điểm nhấn tiêu biểu của làng công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam trong một năm đã qua do báo điện tử VTC News lựa chọn.


1. Flappy Bird và sự thành công không tưởng


Câu chuyện về Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird là một trong những điểm sáng nổi bật của ngành game nói riêng và lĩnh vực ICT của Việt Nam nói chung trong năm 2014. Tựa game di động này đã tạo ra cơn sốt trên phạm vi toàn thế giới, sự thành công mà chưa một sản phẩm công nghệ nào của Việt Nam từng làm được trước đây.

flappy bird
 
Sau 6 tháng được tác giả tung ra, tới giai đoạn đầu tháng 1/2014, Flappy Bird bất ngờ tỏa sáng khi leo lên vị trí số 1 ở bảng xếp hạng ứng dụng dành cho các thiết bị di động iOS và Android. Mặc dù bị đánh giá là nghèo nàn về hình ảnh cũng như lối chơi quá đơn giản nhưng tựa game này cũng cuốn hút hàng triệu người trên thế giới "cắm mặt" vào chơi mà không thể dứt ra được.


Sự thành công của Flappy Bird cũng đã mang lại cho "cha đẻ" Hà Đông danh vọng cũng như tiền bạc. Nhiều nguồn tin cho rằng tựa game này đã giúp lập trình viên độc lập trên thu về trung bình 50.000 USD/ngày. Hà Đông và sản phẩm của mình cũng là tâm điểm của giới truyền thông trong nước cũng như quốc tế suốt một thời gian dài sau đó.

Tuy nhiên tới đầu tháng 2/2014, Hà Đông đã bất ngờ "khai tử" Flappy Bird khi gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng di động với lý do tựa game này đã phá hủy cuộc sống của mình.

Cũng có nhiều nguyên nhân để lý giải cho quyết định đáng tiếc này khi sự thành công của Flappy Bird đã tạo cho tác giả của nó rất nhiều áp lực: luôn được báo chí chú ý, bị cáo buộc gian lận và ăn cắp ý tưởng, có khả năng bị truy thu thuế đối với lợi nhuận từ game ...


2. MobiFone tách khỏi VNPT

Ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT, trong đó một nội dung quan trọng là cho phép MobiFone được tách ra khỏi VNPT. Đây được xem là hành động mang tính bước ngoặt đối với thị trường viễn thông Việt Nam.

MobiFone
 
Sau khi tách ra, MobiFone cũng đã được nâng cấp từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành mô hình Tổng công ty. Ngoài 12 đơn vị hoạch toán phụ thuộc, MobiFone có cổ phần chi phối ở 3 công ty và nắm dưới 50% vốn điều lệ tại 4 đơn vị khác. Việc chuyển đổi này sẽ làm tăng giá trị thương hiệu của MobiFone khi tiến hành cổ phần hóa.


Mặc dù 2014 là một năm đầy biến động đối với MobiFone nhưng doanh nghiệp này vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định với tổng doanh thu ước đạt 36.605 tỷ đồng, bằng 101,4% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế lại tăng 5,2%, đạt 7300 tỷ đồng và bằng 100% kế hoạch năm.

Được biết, việc tách MobiFone khỏi VNPT là một bước trong Quy hoạch 32/2012/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Theo đó thị trường viễn thông sẽ được tái cơ cấu lại, hình thành 3 - 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh từng bước làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

3. Nghị quyết 36 - "Cơ hội vàng" cho CNTT Việt Nam.

Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với Nghị quyết 36, CNTT Việt Nam đang có cơ hội “cất cánh” để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT.

Nghị quyết 36
 
Đối với sự phát triển CNTT ở Việt Nam, có thể nói, Nghị quyết 36 là văn bản quan trọng bậc nhất, mang tầm chiến lược , đề ra những định hướng dài hạn, xuyên suốt cho sự phát triển toàn diện của CNTT từ nay đến năm 2020. Nghị quyết 36 được ra đời nhằm thay thế cho Chỉ thị 58 sau hơn 10 năm được ban hành, nhờ đó các chỉ đạo, định hướng công tác ứng dụng, phát triển CNTT sẽ phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.


Với Nghị quyết này, CNTT đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, vǎn hoá, xã hội của đất nước, là nền tảng của phương thức phát triển mới, góp phần quan trọng đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

4. Báo động về an ninh mạng

Có thể nhận định 2014 là năm đầy "sóng gió" đối với an ninh mạng Việt Nam. Các cuộc tấn công của tin tặc đã bài bản và được đầu tư công phu hơn qua đó khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề về mặt tài chính. Còn về phía phương diện người dùng, nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân đã trở nên hiện thực hơn bao giờ hết.

an ninh mạng
 
Theo thống kê từ các tổ chức bảo mật của Việt Nam, đã có tới hơn 6.500 website của Việt Nam bị tấn công với mật độ trung bình mỗi ngày là hơn 20 website, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi số lượng nạn nhân là doanh nghiệp và cơ quan nhà nước chiếm đa số.


Điển hình có thể kể tới là cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (VCCorp) hồi tháng 10 vừa qua. Điểm đặc biệt là tin tặc đã bỏ ra tới hàng trăm ngàn USD để đầu tư cho vụ phá hoại này, qua đó khiến doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 20 - 30 tỷ đồng.

Xem clip: 1.000 camera giám sát ở Việt Nam bị hacker nước ngoài theo dõi

Nguồn: VTV1


Chưa dừng lại ở đó, tình trạng thu thập trái phép thông tin người dùng cũng là "điểm đen" nổi bật của an ninh mạng Việt Nam. Nổi bật nhất là vụ việc hơn 14.000 điện thoại của người dùng Việt Nam đã bị theo dõi và nghe lén thông qua phần mềm gián điệp Ptracker. Với phần mềm này, nạn nhân sẽ bị ghi lại bằng hình ảnh, nội dung đàm thoại, vị trí ... mà không hề hay biết.

Không những thế những phần mềm tương tự như trên còn được các cá nhân, tổ chức bày bán công khai trên mạng, qua đó ai cũng có thể sở hữu chúng.

5. Haivl.com bị rút giấy phép vĩnh viễn

Cuối tháng 10/2014, vụ việc Haivl.com bị rút giấy phép vĩnh viễn đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông cũng như cộng đồng người sử dụng internet ở Việt Nam. Bởi đây không chỉ là website có lượng truy cập lớn và trước đó không lâu nó đã được một công ty mua lại với số tiền được cho là lên đến 33 tỷ đồng.

Haivl.com bị rút giấy phép vĩnh viễn
 
Tính đến giai đoạn bị rút giấy phép, Haivl.com đã có khoảng 2 triệu thành viên đăng ký với số lượng truy cập thực tế khoảng 600.000 người/ngày cùng 13.000 tin bài được đăng tải mỗi ngày. Lượng người dùng chính của website này là giới học sinh, sinh viên trong đó dân công sở cũng chiếm một phần không nhỏ.


Tuy nhiên theo phía cơ quan tiến hành xử phạt, ở đây là Bộ Thông tin và Truyền thông, Haivl.com đã vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục khi đăng nhiều hình ảnh dung tục, khiêu dâm, phản cảm. Chính vì vậy Công ty Cổ phần Công nghệ APPVL Việt Nam (doanh nghiệp sở hữu Haivl.com) đã bị phạt 205 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động vĩnh viễn của website trên.

Vụ việc sau đó còn diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn khi Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan công an, để cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật.

Ngay sau vụ việc của Haivl.com, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất với hàng loạt website, trong đó rất nhiều địa chỉ bị thu hồi tên miền và phạt hành chính vì hành vi thiết lập và hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội nhưng không có giấy phép.

Ngoài ra, cũng có nhiều các trang thông tin điện tử, báo điện tử bị phạt hành chính, tước giấy phép hoạt động trong vòng từ 1 - 3 tháng vì đăng tải những nội dung sai sự thật hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Lê Vy
Bình luận
vtcnews.vn