5 năm nhùng nhằng chuyện đền bù đất đai

Bạn đọcThứ Năm, 31/12/2015 07:00:00 +07:00

Những tranh chấp, khiếu nại tại dự án Gateway Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) đến nay chưa được giải quyết khiến sự việc ngày càng phức tạp.

(VTC News) – Những tranh chấp, khiếu nại tại dự án Gateway Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) do Công ty Sơn Kim (Sơn Kim) làm chủ đầu tư kéo dài từ 2010 đến nay chưa được giải quyết khiến sự việc ngày càng phức tạp.

Nhùng nhằng chuyện đền bù 

Theo 7 hộ dân sinh sống trên xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM thì năm 2008 họ được thông báo nơi đây sẽ bị giải tỏa để làm dự án chung cư kết hợp cao ốc văn phòng do Sơn Kim làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, suốt thời gian này người dân không thấy chủ đầu tư đến thương lượng đền bù mà liên tục bị “ép” mua đất với giá bèo. 
 Dự án Gateway Thảo Điền đang xây dựng phần hầm trong khi đang nhùng nhằng chuyện bồi thường
Những hộ dân đã chấp nhận số tiền đền bù nhưng còn 7 hộ không chấp nhận. Trong khi người dân đang chờ doanh nghiệp đền bù thì bất ngờ năm 2010, UBND quận 2 ra quyết định thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp để thi công dự án. 

“Đây là dự án kinh doanh nên chúng tôi chỉ yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận đền bù xong mới thi công dự án. Không hiểu sao họ chưa thực hiện nhưng quận vẫn cưỡng chế”, ông Trần Hữu Phú – chủ nhà 175, xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, quận 2 bức xúc. 

Không đồng tình với cách làm việc của UBND quận 2 và chủ đầu tư Sơn Kim, 7 hộ dân trên đã khởi kiện UBND quận 2 ra TAND quận 2. Khi TAND quận 2 yêu cầu giải trình, UBND quận 2 và Sơn Kim cho rằng, đã nhiều lần thương lượng với người dân và quá trình thu hồi đất là công khai minh bạch.

Cụ thể, trước khi thực hiện cưỡng chế đất UBND quận 2 đã niêm yết công khai quyết định thu hồi đất và mời chủ đầu tư gặp gỡ người dân để thương lượng. 

Tuy nhiên, theo xác minh của TAND quận 2: “Người dân không hay biết gì về quyết định thu hồi đất hay biên bản xác nhận nào”.

Cũng theo TAND quận 2, chưa có cơ sở để chứng minh người dân được mời đến phường để gặp mặt thương lượng giá đền bù đất với Sơn Kim. Hơn nữa việc thương lượng nếu có cũng diễn ra sau khi Sơn Kim được giao đất, còn trước đó công ty này chưa gặp gỡ và thương lượng với người dân. Điều này là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật đất đai. 

Từ đó, TAND quận 2 đề nghị “Chủ tịch UBND quận 2 ra soát lại toàn bộ quá trình thu hồi đất của người dân, thu hồi lại các quyết định chưa phù hợp với quy định của pháp luật”.
Đền bù đất giá quá… bèo!
Sau khi người dân khiếu nại, Bộ Tài nguyên môi trường đã kiểm tra và có văn bản ngày 29/11/2012 nêu rõ: Dự án Gateway không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. 

Việc UBND quận 2 thu hồi đất của người dân là chưa phù hợp nên Bộ tài nguyên môi trường đã có kiến nghị, yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo quận 2 rút lại quyết định thu hồi đất của dân. Riêng Sơn Kim phải thỏa thuận bồi thường với dân. Từ đó, UBND TP HCM yêu cầu UBND quận 2 tổ chức cho Sơn Kim gặp gỡ dân thương lượng về mức giá đền bù. 

Đến tháng 11/2015, UBND quận 2 mới tổ chức buổi gặp gỡ giữa Sơn Kim và các hộ dân trên để thương lượng giá đền bù đất. Theo văn bản số 50/2015/CV SKL ngày 9/11/2015 về việc đề xuất các phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các diện tích đang tranh chấp với 7 hộ dân, Sơn Kim đưa ra mức giá 15 triệu đồng/m2. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn (đại diện Sơn Kim) thì sở dĩ đưa ra mức bồi thường này là “do việc bồi thường kéo dài nên công ty cũng có thiệt hại”. Nghe vậy 7 hộ dân bức xúc vì cho rằng thiệt hại này do Sơn Kim tự gây ra vì ngay từ đầu không chịu thương lượng. Mức bồi thường quá thấp đẩy người dân vào tình cảnh bị "ép" một cách tàn nhẫn.

“Rõ ràng Sơn Kim chưa thương lượng với dân trước khi giải tỏa, nên giờ phải làm lại từ đầu. Họ ngồi vào bàn thương lượng sau chỉ đạo của UBND TP cho thấy kết quả đền bù trước đây của UBND quận 2 không có giá trị, không được UBND TP công nhận”, ông Trần Hữu Phú (hộ dân có đất tranh chấp) nói.

Theo các hộ dân, nếu những hộ dân khác được bồi thường với mức giá từ 35-40 triệu đồng/m2 thì họ chỉ được nhận chưa bằng một nửa, trong khi vị trí đất này đều nằm ở mặt tiền xa lộ Hà Nội. Đáng nói, khi hai bên chưa thỏa thuận được giá cả thì UBND quận 2 đã thuê Công ty Cổ phần thẩm định giá và đầu tư Việt Nam thẩm định chỉ có 5 triệu đồng/m2 với tổng số tiền bồi thường chỉ hơn 3,4 tỷ đồng. 

“Chúng tôi không biết công ty này dựa vào đâu mà đưa ra mức giá này? Bởi ai cũng biết hiện nay chưa có quy định nào định nghĩa giá thị trường là giá nào?, ông Phú bức xúc.

Cho đến thời điểm hiện tại việc đền bù thu hồi đất ở dự án Gateway Thảo Điền vẫn chưa được giải quyết. Người dân vẫn tiếp tục bức xúc, doanh nghiệp tiếp tục đưa ra giá đền bù thấp, hai bên tranh chấp chưa có hồi kết.

Nguyễn Cường

Bình luận
vtcnews.vn