5 lợi ích tuyệt vời khi lắng nghe nhân viên

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Hai, 21/10/2019 16:02:00 +07:00

Được lắng nghe là một trong các nhu cầu hàng đầu của bất cứ nhân viên nào, một người quản lý biết tôn trọng nhu cầu này của cấp dưới sẽ nhận được 5 lợi ích sau.

Có thêm nhiều ý kiến hoặc giải pháp

Trưởng phòng Nhân sự Công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink chia sẻ, các ý kiến của nhân viên sẽ là “nguồn chất xám” quý giá nếu như người đứng ở cương vị quản lý biết tận dụng. Lắng nghe nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau sẽ giúp bạn đánh giá toàn diện vấn đề, từ đó đưa ra các quyết định thiết thực, hợp lý, khách quan.

Đồng thời, khi được lắng nghe và tôn trọng ý kiến, nhân viên thường có xu hướng ủng hộ quyết định cuối cùng của cấp trên dù không đồng nhất với ý kiến ban đầu của họ. Nếu không biết lắng nghe, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều ý kiến hay và dễ dẫn đến việc đưa ra quyết định cực đoan.

Kích thích nhân viên sáng tạo

Một trong những đòn bẩy kích thích sự sáng tạo của mỗi nhân viên đó là hãy lắng nghe họ. Có thể các ý kiến đó giống như những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh nhưng nó sẽ giúp cho công việc được tốt hơn nhờ sự sáng tạo.

Khi được cấp trên lắng nghe ý kiến, nhân viên sẽ thấy mình được tôn trọng hơn và thấy vai trò của mình phần nào quan trọng trong mắt sếp. Điều này chính là yếu tố giúp họ nỗ lực hơn rất nhiều để có những ý kiến hay, ý tưởng có giá trị. Họ cũng thoải mái thể hiện quan điểm và suy nghĩ cá nhân hơn, thậm chí thúc đẩy sự sáng tạo mà ngay cả họ cũng không thể ngờ tới.

Được làm việc trong môi trường có cấp trên lắng nghe khuyến khích nhân viên cởi mở, năng động, chủ động và sẵn sàng đóng góp ý kiến. Nhân viên sẽ không bị rơi vào tình cảnh gò bó, tâm lý sợ hãi, chỉ muốn yên ổn… về lâu dài làm kìm hãm sự phát triển của họ cũng như công việc chung.

Nhân viên yêu công việc hơn

Nhân viên sẽ cảm thấy yêu công việc hơn khi được sếp lắng nghe bởi vì họ hiểu rằng văn hóa làm việc của công ty rất tốt. Việc được sếp hỏi ý kiến chính là “mẹo” đánh vào tâm lý muốn được lắng nghe và quan tâm của mỗi cá nhân. Các vấn đề được giải quyết thấu đáo và thỏa đáng hơn. Hạn chế các khúc mắc bị tồn đọng lại dài ngày gây tâm lý ức chế, bất mãn ở mỗi nhân viên. Lắng nghe cũng chính là cách truyền động lực cho nhân viên hiệu quả.

Gắn kết với nhau hơn

Khi tất cả nhân viên được làm việc với vị sếp biết lắng nghe, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối mật thiết với nhau hơn. Nhân viên có xu hướng biết lắng nghe và tôn trọng nhau hơn vì ảnh hưởng từ văn hóa làm việc cũng như ứng xử từ sếp của mình. Điều này sẽ tạo nên một tập thể gần gũi, đoàn kết và sẵn sàng trợ giúp nhau, nâng cao hiệu suất làm việc đáng kể.

Rút ngắn khoảng cách giữa sếp với nhân viên

Khi làm việc với cấp trên biết lắng nghe, mỗi nhân viên sẽ cảm thấy gần gũi và sẵn sàng chia sẻ các ý kiến của mình. Điều này rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên và sếp rất hiệu quả. Hai bên có nhiều cơ hội đối thoại trực tiếp (hoặc gián tiếp bằng nhiều cách khác nhau) để hiểu nhau hơn về các vấn đề cả công việc và tâm tư, nguyện vọng của nhau.

Sếp có thể thay đổi cách thức quản lý hoặc cải thiện những điều chưa tốt để trở nên hoàn thiện, thực tế phù hợp với đặc thù công việc. Quan trọng hơn nữa, cấp trên sẽ hiểu rõ mỗi cá nhân về cả năng lực và phẩm chất qua các ý kiến đó để có hướng điều chỉnh, đối xử phù hợp về lâu dài.

Lắng nghe là nghệ thuật ứng xử không chỉ trong cuộc sống mà cả công việc. Lắng nghe mang lại các lợi ích lớn cho cả nhân viên và quản lý, hạn chế xung đột nội bộ, thúc đẩy sáng tạo, tăng tình yêu với công việc, phát huy hết năng lực của nhân viên, nâng cao hiệu suất làm việc.

Một người quản lý giỏi sẽ biết cách lắng nghe nhân viên của mình từ mọi khía cạnh. Quan trọng nhất, ở vị trí sếp, bạn nên lắng nghe bằng tất cả sự chân thành, cởi mở, tôn trọng và mong muốn mang đến điều tốt đẹp nhất cho công việc chung và cả mỗi nhân viên của mình.

Đặng Hảo
Bình luận
vtcnews.vn