5 công trình, sáng kiến giành 100 triệu đồng cuộc thi 'Tri thức trẻ vì giáo dục'

Giáo dụcChủ Nhật, 10/11/2019 00:15:00 +07:00

Vượt 534 công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục, 5 nhóm tiêu biểu cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019" được trao giải thưởng 100 triệu đồng.

Tối 9/11, Lễ công bố và trao giải cho những ý tưởng, công trình xuất sắc nhất cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục 2019" diễn ra tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên sau 4 năm tổ chức, BTC xướng tên tối đa 5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất (năm 2016 có 3 công trình, năm 2017 có 3 công trình, năm 2018 có 4 công trình). Mỗi công trình xuất sắc giành 100 triệu đồng. 8 công trình, sáng kiến còn lại lọt vào chung khảo đoạt giải thưởng 10 triệu đồng/giải.

Tại lễ trao thưởng, anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục thực sự là sân chơi trí tuệ, khoa học và có ý nghĩa với sự nghiệp trồng người. 

Là đơn vị đồng hành với cuộc thi, ông Bùi Văn Huống, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long bày tỏ niềm vui khi chương trình năm nay thu về kết quả khả quan.

1DT_5178 3

 Đại diện 5 nhóm tác giả của các công trình, sáng kiến xuất sắc nhất cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019.

"Số lượng công trình, sáng kiến gửi về năm nay tăng hơn 138 công trình so với năm ngoái. Điều đó cho thấy, xã hội ngày càng có nhiều trí thức trẻ sẵn sàng cống hiến, dấn thân vào sự nghiệp phát triển của nền giáo dục nước nhà", ông nói.

Ông Huống bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến, đóng góp cho ngành giáo dục của nước nhà, để từ đó ươm mầm cho các nhân tài đất Việt chinh phục sức mạnh tri thức, làm nền tảng đưa đất nước ngày càng phát triển ở tất cả mọi lĩnh vực.

Đại diện nhóm tác giả ShubClassrom, bạn Nguyễn Đăng An (TP.HCM) cho biết sau khi nhận được tin, người đầu tiên cậu báo tin đó là mẹ.

1DT_5208 4

 Ông Bùi Văn Huống, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long và đại diện nhóm tác giả ShubClassrom - ứng dụng giúp học sinh nhận hướng dẫn làm bài tập tức thì - một trong 5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất năm 2019.

"Trước đó mình chỉ nghĩ khả năng đoạt giải chỉ 60% thôi, khi nghe ban tổ chức xướng tên  mình đi từ cảm giác kinh ngác đến vui sướng. Cảm xúc lúc ấy rất khó tả. Khi định thần lại, mình chỉ nghĩ được rằng ngọn lửa đam mê, nỗ lực cố gắng của bản thân đã được đền đáp. Cống hiến của mình được ghi nhận", Đăng An chia sẻ.

Với số tiền 100 triệu đồng giải thưởng, An và các bạn trong nhóm ShubClassrom sẽ tiếp tục sử dụng để phát triển dự án.

Năm 2019, BTC tiếp nhận 539 công trình, sáng kiến. Theo đó, 274 công trình, sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 141 công trình, sáng kiến về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập và 124 hồ sơ công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Trải qua 3 năm tổ chức (từ 2016 đến 2018), 40 công trình, sáng kiến được trao giải thưởng. Nhiều trong số đó được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, bước đầu thu hút sự quan tâm của người học, các thầy, cô giáo, của nhà đầu tư.

5 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục 2019":

- Sách Sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường của các tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Quang Đức ở Đà Nẵng

- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mô-đun đánh lỗi thiết bị đào tạo điều khiển từ xa của các tác giả Nguyễn Trung Kiên, Trần Hoài Nam ở Vĩnh Phúc.

- Nghiên cứu, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập của tác giả Nguyễn Sỹ Nam ở Hà Nội.

- ShubClassrom của các tác giả Nguyễn Đăng An, Huỳnh Quốc Tuấn, Lê Văn Tư, Nguyễn Hoàng Kha ở TP.HCM.

- Từ điển Việt - M'nông, M'nông - Việt trên điện thoại Android của tác giả Văn Thành Đạt, Nguyễn Văn Nam ở Đắk Nông.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn