48 thầy cô dạy trẻ khuyết tật được tôn vinh

Giáo dụcThứ Sáu, 16/11/2018 11:27:00 +07:00

"Chúng ta rất vui mừng vì nhiều trường chuyên biệt nhận các cháu khuyết tật vào học, vì có các thầy cô giáo dù tuổi đời còn rất trẻ, nhiều sự lựa chọn khác nhưng lại chọn đi chung với các cháu khuyết tật”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Tối 15/11, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”  2018 tuyên dương 48 giáo viên đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội được tổ chức tại Hà Nội.

Trong đó, người nhiều tuổi nhất là thầy giáo Vy Văn Vọng (sinh năm 1961), giáo viên cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn.

Người trẻ tuổi nhất là cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương (sinh năm 1990), giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cô giáo Nguyễn Thị Dang (sinh năm 1990), giáo viên trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Người có thời gian tham gia dạy lâu năm nhất được tuyên dương là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình. Cô dạy học từ năm 1985.

DSCF2104

Đến dự buổi lễ tuyên dương, tri ân nghề giáo, nhiều thầy cô không cầm được nước mắt khi xem những đoạn phóng sự về chính nghề nghiệp mà họ đã chọn để cống hiến. (Ảnh: Anh Thư)

Đến dự Lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Những tấm gương của các em học sinh khuyết tật nhưng luôn khát vọng vươn lên trong học tập, luôn nỗ lực cố gắng nhắc nhở mỗi cá nhân khi khó khăn đều phải nhớ rằng còn nhiều người khó khăn hơn mình, họ biết vươn lên vượt khó để trở thành người có ích cho xã hội. 

Chúng ta rất vui mừng vì có nhiều trường chuyên biệt nhận các cháu khuyết tật vào học, vì có nhiều thầy cô giáo dù tuổi đời còn rất trẻ, có nhiều sự lựa chọn khác nhưng lại chọn đi chung với các cháu khuyết tật”.

DSCF2249 1 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ Tuyên dương.

Ban tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2018 cho biết, nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ. Nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều.

Người thầy, người cô phải có một ý chí, nghị lực phi thường và nhất là phải có tấm lòng yêu thương cao cả thì mới có thể bám trụ được với nghề.

“Bằng tình yêu thương và sự tận tâm, các thầy cô giáo đem đến niềm vui, sự tự tin hòa nhập cộng đồng cho những học trò kém may mắn. Chính các thầy cô giáo “cắm bản”, thầy cô nơi biển đảo, thầy giáo quân hàm xanh và thầy cô dạy các học trò kém may mắn đã kể thêm những câu chuyện cao đẹp về nghề giáo. Nhờ họ, xã hội càng trân trọng người thầy và tiếp nối truyền thống tôn sự trọng đạo tốt đẹp”, Ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

DSCF2475 4

Tấm gương 48 thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội.

Từ năm 2015 cho đến nay, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 166 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo; các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo và cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác dạy học giúp đỡ học sinh đến trường.

Trong khuôn khổ chương trình, từ tháng 9 đến 10/2018, Ban Tổ chức “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật tại nhiều tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn