400 ngôi mộ bị múc nhầm đem đi bán: Sẽ kiện cấp cao hơn

Thời sựThứ Sáu, 19/06/2015 04:38:00 +07:00

Người dân có mồ mả tại khu vực phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng bị múc đi bán bức xúc khi không được giải quyết thỏa đáng.

(VTC News) - Người dân có mồ mả tại khu vực phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng bị múc đi bán bức xúc khi không được giải quyết thỏa đáng.

Sáng 18/6, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và đại diện Sở LĐTB&XH, Sở TN&MT, UBND phường Hòa Phát (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng), cùng đại diện các chi phái họ tộc có mộ tại khu nghĩa trũng Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã có buổi đối thoại trong việc xử lý vụ xúc hàng trăm ngôi mộ của người dân mang đi bán tại đây.

Tại buổi đối thoại, Đại tá Phan Văn Hạng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã báo cáo phương án phối hợp xử lý vụ việc giữa UBND TP Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Theo báo cáo, Sở TNMT yêu cầu Công ty Tiến Thanh phải thực hiện rốt ráo, có phương án chống sạt lở tại khu vực phía đông Miếu Âm Linh, trồng cỏ chống xói lở và có biện pháp ổn định lâu dài tại khu vực.

Riêng đối với số lượng mồ mả bị đào đi mà người dân phản ánh là chưa có cơ sở, chỉ xác định được vệt 10 ngôi mộ phát lộ phía Đông Miếu Âm Linh là mép ngoài nghi có mộ. Thống nhất cho trùng tu Miếu Âm Linh và giữ nguyên khu vực khả nghi có mộ trong phạm vi diện tích 2.100m2

Các bên thống nhất giao Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức họp dân để thông tin định hướng kịp thời và chính xác cho người dân. Đối với quận Cẩm Lệ, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm rõ các chủ trương, chính sách; lên kế hoạch và tổ chức để người dân, thân nhân có mồ mả tại khu vực thăm viếng, xác định vị trí các mộ của các tộc họ trước đây tại khu vực.

Vụ 400 ngôi mộ, bị múc đem bán, Đà Nẵng, Quân khu 5, sẽ kiện
Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện các chi họ tộc trên địa bàn 

Sau khi lắng nghe báo cáo, ông Trịnh Văn Thắng (tổ 14D, Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) ý kiến: "Theo báo cáo của các cơ quan chức năng và Quân khu 5 là khu vực này không có mộ là không đúng. Vì từ năm 1997, gia tộc nhà tôi và nhiều gia tộc khác có xin vào bên trong để di dời mồ mả nhưng Quân khu 5 không cho. Chuyện tâm linh là cái chung tôi không nói. Nhưng đây là mồ mả ông bà, tổ tiên nên tôi không đồng ý với ý kiến của Quân khu 5."

Đồng ý kiến với ông Thắng, nhiều người dân yêu cầu các cơ quan chức năng, Quân khu 5 phải đền bù, giải quyết thỏa đáng cho dân để người dân có chỗ thờ tự, con cháu mai sau còn về giỗ chạp sau này.

"Đây là vấn đề tâm linh, mang tính tín ngưỡng truyền thống, liên quan đến ông bà, tổ tiên. Liên quan đến con cháu sau này. Việc các đơn vị xúc đi bán kiếm lời, hậu quả này ai chịu trách nhiệm. Các cơ quan phải lập lại miếu thờ, tôn tạo mồ mả của cha ông chúng tôi. Chúng tôi đã kiềm chế lắm rồi. Ai cũng có ông bà, ai cũng có con cháu, trách nhiệm này không thể nói khơi khơi được", ông Nguyễn Lộc (tổ 14D, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) nói.

Vụ 400 ngôi mộ, bị múc đem bán, Đà Nẵng, Quân khu 5, sẽ kiện
Ông Lê Dao (tổ 12D, Hòa Phát, Cẩm Lệ) bức xúc khi mồ mả của chi tộc hàng trăm năm bị doanh nghiệp đào xúc mang đi bán

Còn ông Trịnh Văn Mẫu cương quyết: "Nếu Quân khu 5 không giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẽ kiện lên cấp cao hơn. Chúng tôi chờ lâu lắm rồi. Mồ mả ông bà chúng tôi bị múc bán hết, bây giờ mang cục đất ở đâu đâu về để đó nói chúng tôi thờ cúng là không được. Thật chúng tôi không biết phải nói làm sao".

Bức xúc với cách làm của các cơ quan liên quan đến vụ việc, ông Trịnh Quang Cư (tổ 14D, Hòa Phát, Cẩm Lệ) nói: "Các anh làm như vậy thì các anh phải chịu trách nhiệm. Dân xin vô bốc mộ các anh không cho. May là còn phát hiện, còn dừng, nếu không thì số mồ mả ông bà, người dân còn lại sẽ ra sao.

Các anh nhìn lại trách nhiệm của mình rồi có cách hành xử đúng mực hẵng trách người dân. Các anh làm mà không thèm xin ý kiến nhân dân dù biết đây là khu vực có mồ mả của dân. Cứ đền là được sao?".

Trả lời các vấn đề liên quan đến ý kiến của người dân, ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát cho biết: "Nguyên nhân của vụ việc này là do sai khác giữa thực địa và hồ sơ bản đồ nên mới có chuyện này.

Tuy nhiên ngay sau khi phát hiện, UBND phường đã phối hơp với Quân khu 5 và UBND TP Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan tiến hành xử lý vụ việc. UBND phường ghi nhận ý kiến của nhân dân và các cơ quan chức năng cần xem xét, giải quyết thấu đáo cho người dân".

Vụ 400 ngôi mộ, bị múc đem bán, Đà Nẵng, Quân khu 5, sẽ kiện
Ông Trịnh Quang Cư (tổ 14D, Hòa Phát, Cẩm Lệ) bức xúc yêu cầu truy trách nhiệm, không thể cứ đền bù là xong 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên bên lề buổi đối thoại, Đại tá Phan Văn Hạng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu 5 cho biết: "Liên quan đến chục ngôi mộ đó, khi đào đất, họ phát hiện số mộ đó, họ đã thấy họ sai rồi nên họ mang đi mai táng.

Nguyện vọng của ngư dân là muốn đền bù, cắt toàn bộ số cây đó, đắp lại nấm mộ và xây miếu để người dân có chỗ tâm linh nên chúng tôi đang xem xét. Và Công ty Tiến Thanh phải có trách nhiệm với hành vi này."


Vụ 400 ngôi mộ, bị múc đem bán, Đà Nẵng, Quân khu 5, sẽ kiện
Theo Đại tá Phan Văn Hạng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu 5, Công ty Tiến Thanh phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm để xảy ra sự việc, Đại tá Phan Văn Hạng cho rằng, việc đào đất là để thi công, san lấp mặt bằng làm thao trường, đáp ứng yêu cầu huấn luyện của bộ đội là có thật và đã làm như vậy.

"Nhưng việc san lấp, Công ty Tiến Thanh xúc đi đâu thì chuyện của Công ty Tiến Thanh, Quân khu chỉ hợp đồng san lấp mặt bằng, số đất đó Công ty Tiến Thanh mang đi đâu thì Công ty Tiến Thanh phải có trách nhiệm pháp lý trước việc này. Về các hợp đồng liên quan đến sự việc, tôi không nắm.

Tuy nhiên qua việc này, Tiến Thanh phải chịu trách nhiệm toàn bộ, số đất đó mang đi đâu, gây ảnh hưởng thế nào và chịu trách nhiệm về những vấn đề cụ thể của Tiến Thanh", Đại tá Phan Văn Hạng nhấn mạnh.

Video: 'Kỳ lạ' hơn 300 ngôi mộ bị đập vỡ bát hương ở Hà Nội



Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn