4 khuyến nghị của WHO để Việt Nam đối phó với biến chủng Omicron

Covid-19Thứ Sáu, 10/12/2021 08:41:00 +07:00
(VTC News) -

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nêu các khuyến nghị về giám sát, thực hiện 5K và vaccine để Việt Nam đối phó với biến chủng Omicron.

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ về biến thể mới, khả năng lây nhiễm và những khuyến nghị cho Việt Nam.

- WHO đánh giá thế nào về khả năng lây nhiễm, gây bệnh và hiệu quả của vaccine với biến thể mới?

WHO chỉ định B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại (VoC), được đặt tên là Omicron, theo khuyến nghị từ Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về sự tiến hóa của virus. Quyết định này dựa trên bằng chứng mới từ Nam Phi rằng biến thể này gây ra thay đổi bất lợi trong dịch tễ học COVID-19.

Tính đến ngày 5/12/2021, 45 quốc gia tại 6 khu vực của WHO báo cáo sự xuất hiện của biến thể này. Chúng tôi cho rằng sẽ nhiều quốc gia phát hiện biến thể này khi tăng cường giám sát và phân tích.

4 khuyến nghị của WHO để Việt Nam đối phó với biến chủng Omicron - 1

WHO khuyến nghị các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tiếp tục tăng cường giám sát gắn với các nỗ lực giải trình tự gen để hiểu rõ hơn về các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành, bao gồm cả Omicron.

Tôi xin nhấn mạnh một số khía cạnh của biến thể mà chúng ta biết bây giờ và những điều chưa biết đang được điều tra.

Thứ nhất là khả năng lây truyền, hiện vẫn chưa rõ Omicron khả năng lây truyền lớn hơn Delta - biến thể chiếm ưu thế  - hay không. Sẽ mất thêm thời gian để chúng ta biết về điều này.

Thứ hai, về mức độ nghiêm trọng của bệnh, chúng ta vẫn chưa rõ liệu mắc bệnh Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, gồm cả Delta hay không. Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng biến thể này có thể gây ra bệnh nhẹ hơn nhưng hiện tại còn quá sớm để nhận định bất cứ điều gì.

Thứ ba, WHO đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này với vaccine. Hiện chúng tôi không có bằng chứng nào về sự thay đổi trong vaccine nhưng chúng ta cần phải chuẩn bị và chúng tôi đang nỗ lực hướng tới điều đó.

- Khả năng chủng virus này vào Việt Nam thế nào?

Chúng tôi đã ghi nhận thêm nhiều quốc gia báo cáo về Omicron mỗi ngày. Có thể biến thể này sẽ được phát hiện tại Việt Nam và đây chỉ là vấn đề thời gian.

Chúng tôi đã ghi nhận thêm nhiều quốc gia báo cáo về Omicron mỗi ngày. Có thể biến thể này sẽ được phát hiện tại Việt Nam và đây chỉ là vấn đề thời gian.

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam

WHO khuyến nghị các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tiếp tục tăng cường giám sát gắn với các nỗ lực giải trình tự gen để hiểu rõ hơn về các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành, có cả Omicron.

Các quốc gia nên thực hiện điều tra thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu hơn về các đặc tính của Omicron, bao gồm xét nghiệm cộng đồng để phát hiện xem Omicron lưu hành trong cộng đồng hay không.

- Bài học kinh nghiệm nào từ biến thể Delta có thể áp dụng cho biến thể mới này, thưa ông?

Sự xuất hiện của các biến thể mới, chẳng hạn như Delta và Omicron chứng minh rằng virus có thể tiếp tục đột biến và nhường chỗ cho các biến thể mới.

Đây là lời nhắc nhở rằng chúng ta cần giữ cảnh giác và thực hiện tất cả các biện pháp y tế công cộng mà chúng ta biết là có hiệu quả để hạn chế sự lây lan. Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự lây truyền thông qua duy trì các biện pháp 5K và tiêm chủng khi đến lượt mình.

- Theo ông, tương lai biến thể COVID-19 sẽ theo kịch bản nào, đột biến trở nên nguy hại hơn hay tự biến mất?

Virus COVID-19 tồn tại với chúng ta gần 2 năm và sẽ còn tiếp tục lây truyền trong thời gian dài nữa.

Chúng ta có thể không hoàn toàn loại bỏ được virus và khó có thể dự đoán được các kịch bản về đột biến của virus trong tương lai, nhưng giờ đây chúng ta đã có những biện pháp để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cũng như bảo vệ kinh tế và xã hội trước các tác động xấu.

Câu trả lời là sự ứng phó y tế công cộng mạnh mẽ thông qua tiêm chủng cùng với các biện pháp y tế công cộng và xã hội đã được hiệu chỉnh. Năng lực được tăng cường để phát hiện và đáp ứng mục tiêu, cũng như chăm sóc lâm sàng. Điều này cũng sẽ làm giảm khả năng xuất hiện và lây lan của các biến thể mới.

- Trước tình hình trên, Việt Nam cần có những biện pháp cấp bách và lâu dài nào?

Khuyến cáo của WHO đối với các quốc gia, gồm Việt Nam là áp dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá nguy cơ khoa học khi thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng. WHO khuyến nghị Việt Nam xem xét các hành động sau:

Giám sát: Tăng cường giám sát bao gồm giải trình tự gen của các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành và gửi trình tự gen hoàn chỉnh cũng như các dữ liệu liên quan đến các cơ sở dữ liệu công khai đã có sẵn, ví dụ như GISAID.

Biện pháp 5K và vaccine: Đạt được tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao ở tất cả các nhóm đủ điều kiện tiêm, kết hợp với các biện pháp 5K là phương pháp hiệu quả nhất để cứu người trong đại dịch này. Điều tối quan trọng là tất cả các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, được tiêm đủ mũi thứ nhất và thứ hai.

Tăng cường hệ thống y tế: Tiếp tục nâng cao năng lực y tế và y tế công cộng với việc phối hợp nhịp nhàng hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.

Truyền thông: Tiếp tục cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch cho công chúng cũng như cộng đồng quốc tế.

4 khuyến nghị của WHO để Việt Nam đối phó với biến chủng Omicron - 2

(Ảnh: Reuters)

- WHO sẽ hỗ trợ Việt Nam thế nào trong việc phòng chống và kiểm soát các biến thể virus mới cũng như dịch COVID-19?

WHO đang theo dõi chặt chẽ biến thể Omicron, được chỉ định là biến thể đáng quan ngại (VoC) khuyến nghị từ Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về sự tiến hóa của virus vào ngày 26/11. Nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO về sự tiến hóa của virus sẽ tiếp tục họp thường xuyên về vấn đề này. Mạng lưới Kế hoạch chi tiết về Nghiên cứu và Phát triển của WHO cũng đã được kích hoạt và một cuộc tư vấn được tổ chức để xác định các ưu tiên nghiên cứu chính. Các nhà nghiên cứu đang làm việc để hiểu thêm về các đột biến và tác động của chúng.

Đối với khả năng lây truyền hoặc độc lực của biến thể này, liệu khả năng tái nhiễm cao hơn không và các đột biến có thể ảnh hưởng thế nào đến việc chẩn đoán, điều trị và vaccine. Sẽ mất một vài tuần để chúng tôi hiểu được tác động của biến thể này.

WHO cũng đang liên hệ với các nhà sản xuất vaccine để biết thông tin về kế hoạch thử nghiệm và khả năng sửa đổi vaccine của họ.

Về hỗ trợ phù hợp với Việt Nam, WHO sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam để lập kế hoạch và chuyển đổi hướng tới tình huống khi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành và học cách "sống an toàn với virus" về lâu dài, ngay cả khi chúng ta có các làn sóng bùng phát khác trong tương lai. Điều này bao gồm tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương và tránh vượt qua 'ranh giới đỏ', là lúc mà các dịch vụ y tế bị quá tải.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp