376 triệu USD tiền gửi kỳ hạn của DN sẽ bán lại cho NH

Kinh tếThứ Năm, 31/03/2011 10:46:00 +07:00

(VTC News) - Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty bán lại 376 triệu USD tiền gửi có kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng...

(VTC News) - Hiện số tiền dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1,61 tỷ USD, trong đó 376 triệu USD là tiền gửi có kỳ hạn.Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, trong tuần này hoặc tuần sau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty bán lại số ngoại tệ gửi có kỳ hạn nói trên cho tổ chức tín dụng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11.

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã đưa ra kết quả rà soát số dư tiền gửi hiện có ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại hệ thống ngân hàng.

Qua báo cáo mới nhận từ 78 tổ chức tín dụng, tổng số dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tính đến cuối tháng 3 là 1,61 tỷ USD. Trong đó, 376 triệu USD là tiền gửi có kỳ hạn.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, trong tuần này hoặc tuần sau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty bán lại số ngoại tệ gửi có kỳ hạn nói trên cho tổ chức tín dụng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11 do Chính phủ ban hành. Trong trường hợp các tập đoàn có nhu cầu ngoại tệ chính đáng thì ngân hàng sẽ bán lại. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định. “Việc bán ngoại tệ này là hai chiều. Khi doanh nghiệp có nhu cầu thì ngân hàng chắc chắn sẽ bán lại”.

Hiện nay, NHNN cũng đang khẩn trương soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt đối với những hành vi mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do, chấn chỉnh hoạt động của các đại lý thu đổi ngoại tệ.  

Thống đốc cho biết, với phần tiền gửi có kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng và yêu cầu tổ chức phải bán ngay lại cho các ngân hàng vì đây là “hiện tượng găm giữ” ngoại tệ.

Về vấn đề thu phí khi ngân hàng bán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, đó mới là kiến nghị của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tuy nhiên NHNN cũng ủng hộ với kiến nghị này. Vì biện pháp này cũng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, nhằm hạn chế việc sử dụng ngoại tệ bằng tiền mặt, khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.

Theo NHNN, tính tới ngày 25/3, tổng phương tiện thanh toán so với 12/2010 là 1,78%, tăng trưởng tín dụng 4,22%, dự kiến quý này phấn đấu dưới 5%.

Nói về vấn đề lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn ở mức cao, gây khó cho sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, Thống đốc giải thích, khi lạm phát cao thì công cụ tăng lãi suất được sử dụng khá phổ biến để hút tiền về ngân hàng trung ương và khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ khi thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, lãi suất cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Do đó, thời gian kiềm chế lạm phát nên được rút càng ngắn càng tốt. Khi đó, lãi suất mới có điều kiện hạ.

Giá xăng dầu tăng khiến CPI tăng thêm 0,4%

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính, hai đợt tăng giá xăng dầu vào ngày 24/2 và 29/3 là bất khả kháng vì giá xăng dầu trong nước hiện tại vẫn chưa sát thực tế khi giá trên trên thị trường thế giới quá cao. Hơn nữa “Giá xăng dầu trong nước sau khi điều chỉnh vẫn thấp hơn các nước xung quanh từ 3.000-5.000 đồng/lít”.

Ông Thỏa cho biết, kể từ 24/2, giá xăng trên thị trường thế giới đã tăng 12-17% khiến cho mức giá cơ sở tăng hơn giá hiện hành rất nhiều và buộc Nhà nước phải điều chỉnh giá, tuy nhiên vẫn giữ nguyên tắc lùi thuế nhập khẩu và yêu cầu các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh.

Còn với mức điều chỉnh giá ngày 29/3 vừa qua, mới chỉ bằng khoảng 30-40% so với giá thực. "Ta không còn cơ chế mua cao bán thấp được nữa", ông Thỏa nói. Dự kiến, việc tăng giá này sẽ khiến chỉ số CPI trong tháng tới sẽ tăng thêm khoảng 0,4%.

Huyền Anh


Bình luận
vtcnews.vn