Suýt cưa chân vì đắp lá dâm bụt, gan cóc lên vết xước

Sức khỏeThứ Bảy, 27/02/2010 06:44:00 +07:00

(VTC News) – Chỉ bị một vết trầy xước nhỏ nơi chân trái, thay vì đến các cơ sở y tế, bệnh nhân đã sử dụng cách đắp lá cây dâm bụt... nên suýt phải cưa chân.

(VTC News) – Chỉ bị một vết trầy xước nhỏ nơi cẳng chân trái, thay vì đến các cơ sở y tế gần nhất để nhận các lời khuyên từ BS, bệnh nhân đã sử dụng cách đắp lá cây dâm bụt và gan cóc, nên suýt phải cưa chân.

Chiều ngày 27/2, PGS TS Cao Văn Thịnh – Trưởng khoa lồng ngực mạch máu, BV ND 115 vừa cho VTC News biết trường hợp bệnh nhân bất cẩn như trên.

TS Thịnh cho biết, ngày 19/2, bệnh nhân tên Nguyễn Thanh Thời (sinh năm 1970, công nhân, ngụ tại Hóc Môn), do gãi nhiều nên tại vùng cẳng chân trái thấy có xuất hiện vết trầy xước nhỏ.

Liên tiếp trong 3 ngày sau đó, anh Thời nghĩ mình bị nhọt mủ nên đã tự nặn vết thương. Những người thân trong gia đình anh thì “mách bảo” anh cách điều trị của bệnh này là lấy 7 lá cây dâm bụt, giã nhỏ, cho thêm một ít muối, rồi đắp lên vết thương. Về nhà, bệnh nhân đã làm theo đúng các chỉ dẫn này.

Vết nhọt mủ nơi cẳng chân trái của anh Thời (ảnh: N.D) 

Ngay sau khi đắp “thuốc tự chế” lên vết thương, bệnh nhân Thời thấy đau nhức hơn, kèm theo có sốt. Ngày tiếp theo, vết thương hoàn toàn không thuyên giảm mà có hướng phát triển mạnh hơn, nhưng bệnh nhân vẫn không đi khám.

Sau đó, bệnh nhân lại tiếp tục nghe theo sự chỉ dẫn của người thân một phương pháp khác, đó là lấy gan cóc đắp lên vết thương. Sau vài giờ thực hiện, vết thương ngày càng bùng phát mạnh, vùng da quanh vết thương sưng đỏ và phát triển đến 1/3 phía trên cẳng chân bên trái. Thế nhưng, bệnh nhân vẫn không chịu đi khám bệnh.

Cho tới lúc kêu người thân ra tiệm thuốc bắc mua 6 miếng cao thuốc về dán, chịu đau không nổi nữa, anh Thời mới được người nhà đưa đến BV ND 115 khám bệnh.

Hiện anh Thời đã hoàn toàn khỏe mạnh, đi lại bình thường và sẽ được xuất viện vào đầu tuần tới (ảnh: N.D) 

Theo PGS TS Can Văn Thịnh, khi chuyển đến khoa lồng ngực mạch máu, các BS nơi đây đã phải cho bệnh nhân uống kháng sinh loại mạnh để chống nhiễm trùng vết thương, tiến hành rạch tháo mủ, cũng như sử dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhằm ngăn chặn vết nhiễm trùng lan tỏa.

Cũng theo Trưởng khoa lồng ngực mạch máu – BV ND 115, nếu như trường hợp bệnh nhân Thời nói trên không được đến các cơ sở Y tế gần nhất sớm, để các BS có chuyên môn khống chế sự lan tỏa và nhiễm trùng của vết thương, thì rất có thể sẽ phải cưa chân trái.

Hiện vết thương của bệnh nhân Thời đã tiến triển rất tốt. Bệnh nhân sẽ được xuất viện vào đầu tuần sau.

PGS TS Cao Văn Thịnh cũng đưa ra khuyến cáo đối với các bệnh nhân, nên đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để có được các lời khuyên từ các BS có chuyên môn nếu như bệnh ngày càng phát triển nặng.

“Tuyệt đối không tự điều trị theo những phương pháp chữa bệnh dân gian hoặc nghe theo lời chỉ dẫn của những người không có chuyên môn trong ngành Y…” – BS Thịnh khẳng định.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn