3.000 học sinh Hà Nội thi lại: Phòng GD&ĐT không bám sát thực lực học sinh

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 25/12/2019 13:02:34 +07:00
(VTC News) -

Các chuyên viên của Phòng GD&ĐT không trực tiếp giảng dạy sẽ không hiểu được mức độ câu hỏi và dạng đề nào nên đưa ra, nhiều khi có câu hỏi nằm trong phần giảm tải chương trình học.

Đây là chia sẻ của nhiều giáo viên liên quan đến sự việc Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) đưa ra đề thi toán học kỳ I, lớp 9 quá khó, chưa phù hợp với chương trình học, khiến 3.000 học phải thi lại.

“Dạy một đằng, ra đề một nẻo”

Cô Nguyễn Phương, giáo viên dạy môn Toán có 15 năm thâm niên công tác (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 5 năm, giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ là người ra đề thi. Để có được đề thi cuối cùng phải trải qua các phòng phản biện của tổ chuyên môn và ban giám hiệu rất chặt chẽ.

Cách làm truyền thống này vận hành trơn tru suốt hàng chục năm qua, học sinh đều cảm thấy điểm số đúng với sức lực mình học tập. Nhưng vài năm trở lại đây, các Phòng GD&ĐT quyết định ra đề thi học kỳ, đánh giá học sinh ở ba môn Văn, Toán, Anh.

Đành rằng, cách làm này để đánh giá chung chất lượng học sinh cùng địa bàn công bằng nhất, nhưng cô Phương chỉ rõ những điểm bất cập về cả đề thi và đáp án chấm bài.

Thứ nhất, đề thi do phòng GD&ĐT đưa ra khiến cả giáo viên và học sinh đều lo lắng chuẩn bị ôn tập kỹ lưỡng hết các phần kiến thức cơ bản. Đa số giảm được tình trạng học tủ, học hành “lớt phớt” như trước đây. Nhưng đề thi phòng đưa ra là chung cả huyện/quận nên sẽ có đến 50% chưa thật sự phù hợp với từng trường, bởi việc học mỗi trường mỗi khác. Điều này tồn tại nhiều năm nay, dù ở bất kỳ địa bàn nào cũng vậy.

3.000 học sinh Hà Nội thi lại: Phòng GD&ĐT không bám sát thực lực học sinh - 1

Cần thắt chặt khâu tổ chức ra đề và kiểm duyệt nội dung đề thi ở các Phòng GD&ĐT. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, những chuyên viên của phòng GD&ĐT ra đề thường không trực tiếp giảng dạy, không hiểu được mức độ câu hỏi ra sao và dạng đề nào nên đưa ra và không nên. Thậm chí từng có những năm đề ra có câu hỏi nằm trong phần giảm tải chương trình học, học sinh đều "bó tay". Điểm này là bất cập lớn nhất vì các giáo viên không được tham gia quá trình phản biện đề của phòng GD&ĐT nên bị động.

Theo cô Phương, sở dĩ gần đây các Phòng GD&ĐT huyện/quận được phép ra đề thi để tránh tình trạng giáo viên dạy lớp làm lộ đề, lọt đề trước cho học sinh của mình, không thể đánh giá đúng chất lượng các em. Vì thế, việc để Phòng GD&ĐT ra đề cũng phần nào dễ hiểu. Nhưng giáo viên trực tiếp đứng lớp và giảng dạy ra đề là chính xác nhất. Họ là người hiểu rõ nhất sức học, mảng kiến thức cần chú trọng cho học sinh của mình.

“Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên việc để các phòng GD&ĐT ra đề thi thì bắt buộc việc phản biện các bộ đề và xây dựng đáp án phải có tổ giáo viên chuyên môn tham gia góp ý”, cô Phương nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc này, cô giáo Lê Hồng Chuyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lấy ví dụ, cách đây một năm, đề thi do một phòng GD&ĐT trên địa bàn thành phố đưa ra từng có đáp án chưa chuẩn xác. Khi giáo viên các trường phản ánh lên thì phòng GD&ĐT trả lời “đề thi tổng hợp từ trên mạng” hoặc “đề trong đề thi học sinh giỏi thành phố” giáo viên thấy sai thì tự sửa… ai cũng lắc đầu ngao ngán mà cho qua.

Sự việc của quận Thanh Xuân cho thấy lỗ hổng và nhiều bất cập trong việc để phòng GD&ĐT ra đề thi chung. Đã đến lúc đưa việc ra đề trở về đúng vị trí như trước đây, giáo viên dạy và trực tiếp ra đề. Có nhiều cách đánh giá học sinh, không nhất thiết chỉ một kỳ thi, cô Chuyên đề xuất.

Đề thi không phù hợp do Phòng GD&ĐT cẩu thả

Từng trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân giải thích, đề thi lần này do chuyên viên của phòng ra đề, theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10.

Không ít phụ huynh phản ứng trước lập luận của vị lãnh đạo này. Chị Nguyễn Dương, phụ huynh học sinh trường THCS Nhân Chính cho rằng, đề thi ra quá khó so với sức học của học sinh là việc làm thiếu chuyên nghiệp. Thậm chí ở một góc độ nào đó ảnh hưởng tới tâm lý của các con rất nhiều khi cả trường đều phải thi lại môn Toán.

Vị phụ huynh này cũng thắc mắc, từ khâu lập ma trận đề, kiểm duyệt, tổ chức thi… không lẽ không trải qua bất kỳ một khâu phản biện, đóng góp về nội dung của đề thi? Để một lọt một đề thi như vậy là trách nhiệm chính thuộc về phòng GD&ĐT. Cần xem xét lại các khâu này.

Đồng quan điểm, chị Huyền Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chúng ta nên hướng đến việc tối giản việc thi cử, đừng quá coi trọng kết quả đánh giá qua các kỳ thi.

Nếu phòng GD&ĐT muốn tập dượt cho các em làm quen với kỳ thi vào lớp 10 thì có thể tổ chức một lần thi khác hoặc nhiều lần thi thử, tăng dần độ khó để cố gắng và tập thích nghi. Việc ra đề thi học kỳ quá nặng cũng khiến áp lực học tập ngày một tăng, ngược với  định hướng giáo dục mới hiện nay, chị Trang nói.

Thầy Phạm Đức Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng thực ra, nếu là đề thi chung cho toàn huyện/quận thì tổ ra đề cần cân nhắc sao cho phù hợp nhất. Những câu hỏi cần phân loại đúng đối tượng học sinh từ dễ đến khó.

Một đề thi có quá nhiều câu hỏi nâng cao, 70% học sinh không thể làm được thì đó là bất hợp lý. Các phòng cần xây dựng một bộ đề với nhiều câu hỏi và đáp án rõ ràng. Những người tham gia ra đề cần có chuyên môn vững, kiến thức thật sâu rộng. Nếu chẳng may bị phản ánh cần chân thành nhận lỗi, rút kinh nghiệm chứ không nên đổ thừa, thầy Hiếu chia sẻ thêm.

 

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn