30 triệu bé gái 'biến mất' ở Trung Quốc được tìm thấy

Thế giớiThứ Sáu, 02/12/2016 14:09:00 +07:00

Con số 30 triệu bé gái "biến mất" ở Trung Quốc có thể đã bị thổi phồng vì nhiều gia đình không đăng ký khai sinh hoặc khai sinh muộn cho con gái để tránh chính sách một con.

Trong thập niên qua, các số liệu thống kê cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc đã lên tới mức báo động với lượng nam giới áp đảo. Đây được cho là hệ quả của chính sách một con áp dụng từ năm 1979.

Giới học giả thường nhắc tới con số 30-60 triệu bé gái ở Trung Quốc "biến mất" do bị giết, bị bỏ bê đến chết khi mới sinh, hoặc do nạo phá thai. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học tiết lộ con số này có thể đã bị thổi phồng, Washington Post cho hay.

imrs

 Trẻ mồ côi Trung Quốc tại một trung tâm nuôi dưỡng tại Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images.

Theo ông John Kennedy, giáo sư thuộc Đại học Kansas và ông Shi Yaojiang thuộc Đại học Sư phạm Thiểm Tây, nhiều bé gái đã không được đăng ký khai sinh nhưng sau này lại xuất hiện trong số liệu thống kê ở lứa tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành.

"Con số 30 triệu tương đương với dân số của bang California và nhiều người tưởng rằng 30 triệu bé gái cứ thế 'biến mất'. Nhưng chúng tôi đã tìm thấy cách lý giải khác", giáo sư Kennedy nói. 

Trong công trình khoa học đăng trên tạp chí China Quarterly hồi tháng 11, Kennedy và Shi cho rằng các quan chức địa phương ở Trung Quốc biết rõ việc người dân không làm giấy khai sinh hoặc khai sinh muộn cho con gái, nhưng âm thầm che giấu cho họ.

Lập luận này được củng cố thêm khi hai nhà nghiên cứu tiến hành phân tích số liệu trên diện rộng. Sau khi so sánh số trẻ sinh năm 1990 với số lượng nữ và nam giới ở độ tuổi 20 năm 2010, họ phát hiện có 4 triệu dân dôi ra, trong đó nữ hơn nam tới 1 triệu người. 

Video: Bé gái 12 tuổi mang thai ở Trung Quốc muốn ở lại cùng chồng 

Như vậy, "nếu tính trong 25 năm, khoảng 25 triệu phụ nữ có thể đã được 'đẻ chui'", ông Kennedy suy luận.

Với truyền thống thích sinh con trai, chính sách một con ở Trung Quốc gây ra sự mất cân bằng giới tính trầm trọng. Việc hàng triệu đàn ông buộc phải sống độc thân do thiếu nữ giới trong độ tuổi kết hôn đã kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Sau hơn 3 thập kỷ, quốc gia đông dân nhất thế giới cuối cùng hủy bỏ chính sách một con vào năm ngoái. Mặc dù vậy, người dân nước này vẫn hết sức lo lắng về tình trạng thiếu hụt nữ giới.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu mới có thể mang đến cái nhìn tích cực hơn,  giúp mối lo ngại trên được giảm đi phần nào. 

(Nguồn: Zing News)
Chuyên đề: Tin tức Trung Quốc
Bình luận
vtcnews.vn