30 điểm trượt đại học: Điểm cộng có công bằng cho học sinh thành phố?

Giáo dụcThứ Tư, 02/08/2017 18:44:00 +07:00

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, đề thi và điểm cộng là đề tài gây nhiều tranh cãi. Thí sinh chỉ cần ở khu vực ưu tiên đã may mắn hơn rất nhiều so với bạn bè khác.

Video: Đạt 29,25 điểm, thí sinh vẫn trượt đại học vì ở thành phố

Mấy ngày nay, tôi đọc được những bài viết Điểm chuẩn các trường công an cao nhất là 30,5Thí sinh đạt 29,35 vẫn trượt đại học khiến tôi thật sự hoang mang. Rất nhiều học sinh giỏi, điểm số rất cao nhưng vẫn trượt trường yêu thích bởi vấn đề điểm cộng.

Điểm cao chót vót vẫn trượt đại học

Năm nay, điểm thi đại học được cho là đạt mức kỷ lục. Nhiều thí sinh đạt điểm lên đến con số 29, thậm chí tuyệt đối 30 điểm nhưng vẫn có nguy cơ trượt. Những thí sinh có nguy cơ trượt nhất là ở khu vực 3 (thành phố lớn) bởi không có điểm cộng.

Cứ thử so sánh, thí sinh đạt điểm 30/30 nhưng không có điểm cộng, dự thi vào ngành công an với điểm chuẩn lên đến 30,5, thì vẫn không trúng tuyển. Một thí sinh khác ở khu vực một được 29 điểm, được cộng 1,5 điểm ưu tiên lại đỗ.

Thời chúng tôi, điểm chuẩn chỉ khoảng 24, 25 thì cộng 1-2 điểm ưu tiên chưa phải vấn đề to tát. Nhưng năm nay, nhiều thí sinh có phổ điểm khoảng 28, 29; được cộng một điểm thôi cũng khác xa nhau rồi.

Có những bạn tâm sự với tôi, "em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm, thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm, lại đỗ?".

Điểm chuẩn năm nay của ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội là 29,25 điểm (cộng thêm tiêu chí phụ). Như vậy, số học sinh ở Hà Nội được học chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, có ngành lấy điểm chuẩn trên 30. Nghĩa là, nếu thí sinh đó ở thành phố và là thủ khoa đạt điểm tuyệt đối thì vẫn… trượt.

30 diem truot dai hoc: Muc cong uu tien khong cong bang hinh anh 1

Học viên trong ngành công an. (Ảnh: Anh Tuấn)

Thi ở địa phương khó khách quan

Nếu như ngày trước, các thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và một kỳ thi đại học, cao đẳng ở thành phố lớn theo sự phân công của trường mình đăng ký. Nay, tất cả được gộp chung vào một kỳ thi duy nhất mang tên THPT quốc gia.

Kỳ thi được tổ chức ở địa phương nơi đăng ký cũng có những bất cập và nhiều ý kiến cho rằng khó bảo đảm tính khách quan như trước đây.

Tôi có đọc nhiều bình luận trên một số diễn đàn về việc này. Thí sinh thi ở địa phương thường quen biết nhau, lại xa "mặt trời", chạy theo thành tích, việc coi thi có dễ hơn trước cũng không phải không xảy ra.

Nhiều học sinh còn giúp đỡ bạn mình bằng việc nhắc bài, cho chép bài vì nghĩ rằng mỗi đứa một trường không liên quan đến nhau. 

Điểm cộng có công bằng cho học sinh thành phố?

Nhiều bạn ở nông thôn cho rằng các bạn ở thành phố được hưởng những chính sách ưu đãi nhất, được học trong môi trường tiện nghi, hiện đại. Ngược lại, điều kiện sống ở vùng quê khá khó khăn, vất vả nên có điểm ưu tiên là điều tất yếu.

Tôi phải khẳng định không phải ai ở thành phố cũng giàu, cũng có điều kiện vật chất tốt. Nhiều bạn cũng phải vừa đi học vừa làm thêm hàng ngày để trang trải. Ở giữa thành phố hoa lệ này, chúng ta vẫn bắt gặp rất những học sinh nghèo khó. Điều kiện sống của những gia đình đó thậm chí thua xa cả những bạn ở tỉnh lẻ.

Nhiều bạn luôn lấy lý do khó khăn để cho rằng có điểm cộng là đương nhiên. Đó là lối suy nghĩ rất mòn của con người vì lúc nào cũng có tư tưởng mình kém hơn người ta nên được quyền ưu tiên, được quyền xem nhẹ những cố gắng của người khác.

Hiện nay, phương pháp luyện thi của các thầy cô không khác nhiều giữa thành thị và nông thôn. Thậm chí, nhiều giáo viên ở vùng quê rất giỏi và tận tụy với học sinh.

Mạng Internet được phủ sóng cả nước, học sinh muốn học không hề khó, sách ôn thi cũng dễ kiếm chứ không đến mức không mua nổi. Có chăng chỉ rất ít người mới xứng đáng để được nhận điểm cộng khu vực.

Vẫn biết là khó khăn nhưng đại học không phải trường tình thương. Ngày xưa đề khó, chênh lệch nông thôn thành phố cao mà điểm cộng vẫn thế. Bây giờ đề dễ hơn, chênh lệch giảm dần mà điểm cộng vẫn không đổi. 

30 diem truot dai hoc: Muc cong uu tien khong cong bang hinh anh 2

Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Anh Tuấn)

Chuyện cộng điểm đôi khi có quá nhiều bất cập, ai cũng muốn đóng vai nạn nhân. Học sinh vùng quê nghèo chỉ là thiểu số trong khi số người được cộng điểm quá đông. Những bức xúc chỉ là bức xúc, số đông thường thắng và không ai muốn bị mất quyền lợi khi được là nạn nhân.

Chưa bao giờ tôi thấy thương các bạn ở khu vực 3 như năm nay, khi điểm cộng lại quyết định việc đỗ trượt như vậy. Đã là thi thì phải công bằng, ai cũng như ai. Nếu muốn ưu tiên thì nên ưu tiên bằng học phí, học bổng.

Phải chăng năm nay đề thi quá dễ, không phân loại được thí sinh nên mới xảy ra cuộc chiến giữa điểm cộng và vùng miền như vậy?

 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn