3 phương án 'nghìn tỷ' thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tin nhanh 24hThứ Hai, 21/09/2020 17:51:44 +07:00
(VTC News) -

Trong 3 phương án do đơn vị tư vấn đề xuất, có phương án 2 với tổng mức đầu tư cao nhất nhưng lại có nhiều thuận lợi nhất, giải pháp thi công khả thi cao nhất.

Chiều 21/9, tại TP Cần Thơ, Bộ GTVT họp với các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để nghe báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

3 phương án 'nghìn tỷ' thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 1

Quang cảnh cuộc họp.

Tại buổi họp, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án. Phương 1 có tổng mức đầu tư dự án là 46.200 tỷ đồng, tổng chiều dài 141km.

Đơn vị tư vấn cho rằng phương án này có ưu điểm là tiết kiệm tài nguyên đất do diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) 750ha, thấp nhất trong 3 phương án do tận dụng được đường cũ; có cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn (TP Sóc Trăng 24km, TP Bạc Liêu 25km, TP Vị Thanh 35km…). Phương án này cũng dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc; có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi để phân loại đầu tư, thi công thuận lợi.

Phương án 2 có tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng, chiều dài 138km, diện tích GPMB 900ha (lớn nhất); có cự ly kết nối khá đồng đều vào các đô thị lớn (TP Sóc Trăng 24km, TP Bạc Liêu 25km, TP Vị thanh 35km…). Phương án này dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, có nhiếu kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi đầu tư, giải pháp thi công thuận lợi. 

3 phương án 'nghìn tỷ' thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 2

Phương án 2 dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, có nhiếu kết nối vào đường hiện hữu.

Phương án 3 có tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dài 124km, diện tích GPMB 800ha; kết nối gần về phía TP Vị Thanh (10km) nhưng cách TP Sóc Trăng 41km và TP Bạc Liêu 46km và các đô thị khác. Phương án này khó thu hút lưu lượng vào đường cao tốc hơn, hướng tuyến cũng có ít kết nối vào đường hiện hữu, cần xây dựng đường công vụ khi thi công.

Đơn vị tư vấn đề nghị Bộ GTVT xem xét thống nhất chọn phương án 1. Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì đề xuất chọn phương án 3. Còn tỉnh Sóc Trăng nghiêng về phương án 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lưu ý việc lựa chọn phương án đầu tư phải theo tinh thần chỉ đạo tại thông báo kết luận của Thủ tướng sau khi làm việc với các tỉnh thành ĐBSCL hồi đầu tháng 8/2020.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu đầu tư tuyến đường thành hai dự án thành phần. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật. Còn đoạn Bạc Liêu – Cà Mau, Thủ tướng giao UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật lưu ý thêm, hạn chế tối đa việc phải thu hồi đất lúa vì đây là vùng vựa lúa của quốc gia, cần nghiên cứu kỹ, cụ thể, chi tiết hơn, phương án nào hiệu quả nhất cả về kinh tế, an ninh quốc phòng… để báo cáo có tính khoa học, thuyết phục cao nhất.

THANH TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn