3 nhân vật quyền lực nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump

Tư liệuThứ Hai, 24/08/2020 14:46:14 +07:00
(VTC News) -

Steve Bannon, Jared Kushner và Peter Navarro là 3 cái tên có ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách lãnh đạo của Tổng thống Trump trong hơn 3 năm qua.

Steve Bannon

Tháng 8/2017, Nhà Trắng phát đi thông báo sa thải Steve Bannon, trưởng chiến lược gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó cũng đăng đàn Twitter, chế giễu về sự ra đi của Bannon, nói mọi người đã vứt bỏ ông ấy. Nhân vật Bannon mà ông Trump nhắc tới ở đây là người từng được ông chủ Nhà Trắng hết mức tin cậy và được xem như người đàn ông quyền lực thứ 2 ở Nhà Trắng. 

Cựu chiến lược gia Nhà Trằng từng là trưởng ban vận động tranh cử của ông Trump, người truyền bá lời kêu gọi chống nhập cư và chủ nghĩa dân tộc của ông Trump và là kiến trúc sư trưỏng vẽ ra con đường tiến thẳng vào Nhà Trắng khó tin của đương kim Tổng thống Trump. 

3 nhân vật quyền lực nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - 1

Steve Bannon (phải) theo dõi cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với Thủ tướng Australia tại Phòng Bầu dục hồi tháng 1/2017. (Ảnh: AP)

Những tiền đề đó giúp Bannon được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn cấp cao, chiến lược gia trưởng trong bộ máy chính quyền mới. Khi đó, quyết định này gây nhiều tranh cãi vì ông Barron dù không có chuyên môn về chính sách ngoại giao, nhưng lại gây tác động lớn tới quá trình đưa ra quyết định tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Trong những ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, hầu hết các Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ hiện đại thường nhận được sự trợ giúp của một Think Tank - tập hợp chuyên gia nghiên cứu chiến lược, đưa ra các tư vấn về chính sách trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, chính trị, kinh tế…

Tuy nhiên, những bước đi đầu tiên của Tổng thống Donald Trump lại không giống vậy. Cố vấn thân cận, nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với ông Trump trong những ngày đầu tiên nắm quyền ở Nhà Trắng lại là Steve Bannon. 

Chính sách của Trump chịu nhiều ảnh hưởng từ tư tưởng sắc sảo mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc, cùng với mong muốn giải quyết triệt để làn sóng nhập cư trái phép vào Mỹ, cũng như tham vọng hồi phục nền kinh tế của Bannon.

Là người cố vấn cho ông Trump về bài phát biểu nhậm chức và là người chắp bút cho tác phẩm “Make America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của Tổng thống Trump, có thể thấy dấu ấn của Bannon ở khắp nơi. 

3 nhân vật quyền lực nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - 2

Steve Bannon có thời gian tác động đến mọi chính sách của Trump.

Ông Trump thậm chí còn từng ca ngợi Bannon là “tài năng xuất sắc nhất trong chính trị”. Cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump cũng được cho là người đứng đằng sau những quyết định gây tranh cãi tại phòng Bầu Dục. Điển hình là sắc lệnh di trú từng gây xôn xao hồi đầu năm 2017 và sắc lệnh bổ nhiệm chính ông Bannon vào Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), cơ quan chuyên trách thảo luận và quyết định những vấn đề quốc phòng - an ninh tối mật.

Chính điều này khiến nhiều người gọi Bannon là "kẻ rỉ tai" Trump và thậm chí là "Tổng thống Bannon". 

Một đồng minh lâu năm của Tổng thống Trump từng tiết lộ, Bannon tác động đến mọi chính sách. Trước khi bầu cử, hai người đã ngồi lại với nhau và đưa ra danh sách những việc muốn làm ngay sau khi nhậm chức. Trump là người quyết định sẽ chọn những đầu việc nào, và Bannon đủ thông minh để đưa ra danh sách hợp lý.

Nhưng rồi mối quan hệ tưởng như không thể tách rời đó nhanh chóng sụp đổ. Vài tháng sau khi đảm nhận vị trí ở NSC, ông Bannon bị loại khỏi cơ quan này. Tới tháng 8/2017, ông chính thức bị sa thải. 

Một số nguồn tin nói rằng Bannon có quan điểm khá xung đột với một số nhân vật khác trong Nhà Trắng, trong đó có con gái ông Trump, Ivanka, con rể ông Trump kiêm Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner và người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia khi đó là H.R. McMaster.

Ông Bannon không ngại ngần gọi là họ những người theo phe đảng Dân chủ và cố kéo ông Trump về đường lối dân tộc chủ nghĩa.

Nhiều quan chức trong Nhà Trắng khi đó cũng khẳng định Bannon là cái tên gây chia rẽ trong Tòa Bạch Ốc. Nhiều người nóng mắt với dấu ấn cực đoan của ông trong các chính sách của Tổng thống.

Sau khi Bannon rời Nhà Trắng, ông vẫn duy trì quan hệ khá tốt và có những ảnh hưởng nhất định tới Tổng thống Trump. 

Nhưng rồi gió đổi chiều sau khi cuốn "Lửa và Thịnh nộ: Bên trong Nhà Trắng" được nhà báo Michael Wolff chắp bút ra mắt cuối năm 2017. Trong cuốn sách làm mưa làm gió này, Bannon gọi con trai cả của ông Trump là "người phản quốc" và không yêu nước vì cuộc gặp với một luật sư Nga giai đoạn ông Trump đang tranh cử năm 2016.

Tổng thống Trump đã hết sức tức giận với những bình luận này và thậm chí nói ông Bannon "đã mất trí". 

Bannon sau đó bắt đầu biến mất khỏi tầm ngắm của nhiều người. Tuần trước, ông Bannon bị bắt giữ và bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt một số tiền lớn. 

Jared Kushner

Không ít người dùng từ "chạn vương", vốn dùng cho những người phất lên sau khi lấy được những vợ giàu, để nói về Jared Kushner khi trở thành phu quân của ái nữ nhà Trump. Nhưng trên thực tế, Kushner là nhân vật không thể thiếu trong chặng đường vào Nhà Trắng của ông Trump và có ảnh hưởng lớn tới các chính sách của chính quyền đương nhiệm. 

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikkei Haley từng gọi Jared Kushner là “thiên tài ẩn giấu mà không ai hiểu được".

Nhiều người đôi khi cũng bị vẻ ngoài điềm đạm và thói quen tránh ống kính máy quay của Kushner đánh lừa. Kushner thực tế là một người cực kỳ sắc sảo dù anh không có kinh nghiệm chính trị trước khi bước vào Nhà Trắng, giống như cha vợ mình. 

3 nhân vật quyền lực nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - 3

Jared Kushner (ngoài cùng bên trái) và Steve Bannon (ngoài cùng bên phải) trong giai đoạn còn nằm chung trong đội cố vấn của Trump. 

Kushner xuất thân từ một gia đình quyền quý ở New Jersey, kết hôn với Ivanka vào 2009. Ghi dấu ấn đậm nét của Kushner trong thời gian cha vợ tranh cử Tổng thống Mỹ, khiến nhiều người tin rằng anh sẽ là cố vấn có nhiều ảnh hưởng trong thời kỳ ông Trump nắm quyền. Những gì diễn ra 4 năm qua chứng minh nhận định này hoàn toàn đúng. 

Kushner tham gia vào hàng loạt các vấn đề quan trọng từ việc giám sát bức tường biên giới Mỹ-Mexico, chấm dứt xung đột ở Trung Đông, giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau, quản lý kho dự trữ y tế của Mỹ trong đại dịch, chính sách ngoại giao với Trung Quốc và thành lập Văn phòng Cải tiến Mỹ của Nhà Trắng.

Kushner thầm lặng và không mấy khi đưa ra những ngôn gây sốc đáng chú ý, nhưng dấu ấn của con rể ông Trump xuất hiện trong mọi vấn đề của Nhà Trắng. 

Nhà phân tích chính trị Sean Illing của tờ VOX nhận định, vị trí quyền lực nhất trong Nhà Trắng thuộc về Kushner, mà không phải Donald Trump. 

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ trong cuộc phỏng vấn với ABC News hồi tháng 6 cũng gọi Kushner là người quan trọng nhất trong Tòa Bạch Ốc. 

"Không ai có ảnh hưởng trong Nhà Trắng như Jared. Không ai có ảnh hưởng bên ngoài Nhà Trắng hơn Jared Kushner", Brad Parscale, cựu chuyên gia Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump cho hay. 

Truyền thông Mỹ thường xuyên nhắc tới con rể của Tổng thống Trump như một "Bộ trưởng của mọi thứ" hay là đôi tai, cánh tay phải của ông Trump.

3 nhân vật quyền lực nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - 4

Suốt nhiệm kỳ của ông Trump, rất ít người có ảnh hưởng như Kushner.

Theo Time, trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump, rất ít người có ảnh hưởng như Kushner. Ông là người có công lớn giúp lưỡng đảng Mỹ đạt được đồng thuận trong cải cách tư pháp hình sự, để lại dấu ấn trong thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Canada và Mexico. Nỗ lực kéo Mỹ gần hơn với Ả-rập Xê-út và Israel của Kushner được đánh giá đã làm thay đổi nền chính trị ở Trung Đông. 

Kushner chứng minh bản thân là một chiến binh khéo léo, giúp cha vợ loại bỏ một loạt các quan chức cấp cao - những người cố áp đặt trật tự cho một Tổng thống Trump thích tự do và không thích ràng buộc. 

"Tôi nghĩ mình đã hoàn thành được nhiều thứ. Tôi nghĩ Tổng thống tin tưởng và ông biết tôi luôn đứng sau, thực hiện giúp ông nhiều mục tiêu khác nhau", Kushner nói. 

Bức chân dung về Kushner nổi bật lên là một chính trị gia ngày càng tự tin, đang học cách nắm lấy các đòn bẩy quyền lực trong Nhà Trắng và khắp Washington theo những cách có thể khiến các nhà phê bình ngạc nhiên. 

Những gì Kushner mô tả về vai trò của mình cho thấy ông không muốn mình là người chèo lái, hướng Tổng thống Trump đưa ra quyết định nào đó, mà là người quyết định chương trình nghị sự của cha vợ. 

Hồi tháng 1, khi Thượng viện chuẩn bị triệu tập phiên tòa luận tội chống lại Tổng thống Trump, ông Kushner tất tả giám sát các cuộc họp chiến lược ở Cánh Tây để tập hợp các phe phái cạnh tranh trong Nhà Trắng lại với nhau và lên kế hoạch bảo vệ Tổng thống. 

Kushner chứng minh có những phẩm chất mà ông Trump tán thưởng nhất: Đó là lòng trung thành. Các quan chức bên trong Nhà Trắng cũng từng thừa nhận Kushner là một nhân vật không thể động tới ở Tòa Bạch Ốc. 

John Kelly, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nhà Trắng hồi tháng 7/2017 từng cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Kushner, tìm cách sắp xếp các cuộc gặp giữa con rể của ông Trump với cha vợ. Nhưng cũng chỉ hơn 1 năm sau, vị tướng 4 sao trên bị sa thải. Nhiều quan chức khác trong Nhà Trắng cũng từ từ "rơi rụng", còn Kushner vẫn vững chãi ở đó và lấp đầy những khoảng trống. 

Kushner cũng không ngại đối đầu với cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và sau đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là về việc chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem. Tổng thống Trump đứng về phía con rể mình trong trường hợp này.

Tháng 3/2018, ông Tillerson hay tin bị sa thải. Chính Kushner là một trong những người đã hối thúc ông Trump thay thế vị Ngoại trưởng Mỹ khi đó bằng Giám đốc CIA Mike Pompeo. Sau khi nhận vị trí mới, ông Pompeo trở thành một trong những trợ lý trung thành nhất của Tổng thống Trump, thúc đẩy một chương trình nghị sự thân Israel, chống Iran phù hợp với Kushner.

Cặp bài trùng Pompeo-Kushner giờ đây đang ngày càng cho thấy ảnh hưởng của họ tại Nhà Trắng. Các chuyên gia dự đoán, nếu ông Trump tiếp tục đắc cử, cặp đôi này sẽ tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là Kushner. 

Peter Navarro 

Năm 2011, cuốn sách Death by China (Chết dưới tay Trung Quốc) của hai học giả Mỹ Peter Navarro và Greg Autry gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Trong cuốn sách, tác giả miêu tả tỉ mỉ cách Trung Quốc "ăn cắp" kỹ thuật và công ăn việc làm của Mỹ, bán lại sản phẩm kém phẩm chất, rồi lại dùng ngay các lợi nhuận thu được để sản xuất vũ khí đe dọa toàn thế giới. Đồng thời nhấn mạnh việc "chết dưới tay Trung Quốc" là một nguy cơ rất thật và nước Mỹ sẽ phải phải đối mặt.

Quan điểm này lập tức thu hút Tổng thống Trump, người từ lâu đã không mấy vừa lòng với Trung Quốc. 

Năm 2016, ông Navarro trở thành thành viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, với tư cách cố vấn kinh tế. Năm 2017, ông Navarro được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng (NTC). 

3 nhân vật quyền lực nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - 5

Navarro dành cả đời để theo đuổi chính sách chống Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Giống như nội dung xuyên suốt cuốn sách "Chết dưới tay Trung Quốc", Navarro theo đuổi chính sách cực kỳ cứng rắn với Bắc Kinh. Đây cũng là quan điểm rõ ràng nhất mà ông Trump bám sát trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của mình. 

Khi lựa chọn ông Navarro, Tổng thống Trump ca ngợi vị chuyên gia kinh tế Mỹ là một người "nhìn xa trông rộng", biết “thiết kế các chính sách thu hẹp thâm hụt thương mại, mở rộng tăng trưởng của Mỹ và ngăn chặn tình trạng việc làm ồ ạt đổ ra nước ngoài”.

Kết quả hơn 3 năm qua cho thấy ông Trump đã đúng. Ông Navarro hiện là một trong những kiến trúc sư trưởng cho các chính sách thương mại của Tổng thống Trump. Ông khuyến khích nhà lãnh đạo Mỹ kiên quyết với Trung Quốc dựa trên nền tảng áp đặt thuế quan, đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại song phương với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các đồng minh khác. 

Ảnh hưởng của vị "cố vấn diều hâu" ngày càng tăng sau khi Mỹ dấn thân vào cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù ông không có vai trò chính thức trong các cuộc đàm phán thương mại, không kiểm soát các đòn bẩy chính sách và không phải là thành viên trong Nội các.

Nhiều người tin rằng những viễn cảnh bi quan về ông Navarro vẽ ra khi Trung Quốc đang cố hiện thực hóa tham vọng của mình, cũng như mối đe dọa của Bắc Kinh đối với Washington đã hối thúc ông Trump khơi mào thương chiến từ đầu năm 2018, bất chấp sự phản đối của nhiều cố vấn cấp cao khác. Lợi thế của Navarro là có cùng quan điểm với ông Trump về việc Trung Quốc đã dành 2 thập kỷ qua để cố qua mặt Mỹ.

Trong suốt hơn 3 năm qua, vị cố vấn được ví là "chiến binh thương mại" của Trump miệt mài thiết kế các chính sách bảo hộ, thúc đẩy ông Trump xé bỏ các thỏa thuận thương mại và viết lại chúng theo hướng có lợi cho lao động Mỹ. 

Hiểu được "nỗi chán ghét" Trung Quốc sẵn có trong ông Trump, ông Navarro xoáy sâu vào đó, thúc giục ông chủ Nhà Trắng kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, từ đó gây ảnh hưởng lớn tới chính sách thương mại của Mỹ. 

Đại dịch COVID-19 mới đây càng khiến Navarro tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình. Ông được giao trách nhiệm điều phối việc sản xuất vật tư y tế của Mỹ, giám sát việc thực hiện Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, cấp quyền cho Tổng thống kiểm soát một số ngành trong trường hợp khẩn cấp. 

Với ảnh hưởng đó, ông Navarro trở thành người thúc đẩy phản ứng với đại dịch của chính quyền Trump. 

Ông cũng giành được niềm tin lớn từ ông chủ Nhà Trắng. Một số quan chức cũ trong chính quyền Trump cho biết, Tổng thống thường yêu cầu ông Navarro hiện diện trong các cuộc họp mà những người khác tìm cách loại bỏ ông.

Các quan chức này nói thêm rằng trợ thủ đắc lực của ông Trump không ngại đối đầu với các quan chức khác, bỏ qua các quy trình thông thường và không quan tâm tới những gì người khác nghĩ về mình. 

Andy Surabian, cựu quan chức Nhà Trắng cho biết, sở dĩ Navarro trụ lại trong suốt nhiệm kỳ của Trump "bởi vì quan điểm của ông ấy gần như phản ánh chính xác quan điểm của Trump về các vấn đề quan trọng nhất ".

"Con bài mà Peter luôn có trong túi là quan điểm của Trump", ông Surabian nói.

Cliff Sims, cựu quan chức Nhà Trắng khác cho rằng chính lòng trung thành là thứ khiến Navarro rất được ông Trump tín nhiệm.  

"Khi Tổng thống nói hãy làm điều gì đó, Peter sẽ làm. Khi Tổng thống nói hãy nhảy, Peter thậm chí không hỏi cao bao nhiêu. Ông ấy sẽ nhảy qua mái nhà mà không đặt câu hỏi", ông này nói. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn