3 hiệu ứng tâm lý giúp đánh lừa não bộ, xoay chuyển tình huống khi gặp bế tắc

Tản mạnThứ Tư, 11/08/2021 19:15:00 +07:00

Trong cuộc sống, sau khi vượt qua nghịch cảnh và nhìn lại, ta sẽ nhận ra rằng chỉ cần thay đổi góc nhìn một chút là mọi chuyện sẽ khác rất nhiều.

Hiệu ứng tâm lý là sự tác động của những người, sự vật khác nhau dẫn đến những chuỗi nhân quả, phản ứng dây chuyền. Thông qua việc lý giải các hiệu ứng tâm lý này, phân tích những hành vi phi lý trí, ta có thể thấu hiểu hơn về bản thân mình, hiểu thêm về người khác và hiểu về cả xã hội.

Nắm vững những hiệu ứng tâm lý cho phép chúng ta cư xử với người khác một cách hợp lý hơn, giải quyết công việc và kiểm soát cuộc sống của mình một cách tốt hơn. 

1. Hiệu ứng Wallach

Ai cũng là thiên tài, chỉ cần biết được điểm xuất phát dành cho mình.

Otto Wallach là một nhà hóa học đã từng đoạt giải Nobel. Thế nhưng, khi Wallach mới lên cấp 2, bố mẹ đã muốn ông theo con đường văn chương. Đến cuối học kỳ, cô giáo viết nhận xét: "Wallach rất chăm chỉ. Nhưng nếu quá cứng nhắc thì khó mà trở thành nhà văn được ".

3 hiệu ứng tâm lý giúp đánh lừa não bộ, xoay chuyển tình huống khi gặp bế tắc - 1

(Ảnh: behance)

Cha mẹ lại yêu cầu ông chuyển sang vẽ tranh sơn dầu, nhưng Wallach không giỏi về bố cục và đánh bóng nên luôn xếp cuối lớp. Với một học sinh "vụng về" như vậy, hầu hết các giáo viên đều cho rằng người này không còn hy vọng thành công nào nữa. 

Chỉ duy nhất giáo viên dạy hóa cho rằng Wallach tỉ mỉ trong công việc và có tố chất làm thí nghiệm hóa học. Tìm được đúng lĩnh vực phù hợp, ngọn lửa trí tuệ trong ông như được khơi dậy. Cuối cùng, cậu bé bị thầy cô đánh giá thấp năm nào lại trở thành một nhà khoa học được ngưỡng mộ vô cùng.

Thành công của Wallach là minh chứng cho thấy: Trí thông minh của mỗi người phát triển không đồng đều. Chỉ khi tìm ra phương diện phù hợp nhất, ta mới có thể phát huy trí tuệ và tận dụng trọn vẹn tài năng của bản thân để tạo nên những kết quả đáng kinh ngạc.

2. Định lý Goodman

Đôi khi im lặng là cách giao tiếp tốt nhất.

Trong một số hoạt động kinh doanh, im lặng đúng lúc cũng là một kỹ năng giao tiếp hiệu quả. 

3 hiệu ứng tâm lý giúp đánh lừa não bộ, xoay chuyển tình huống khi gặp bế tắc - 2

(Ảnh: Tumblr Blog)

Một giám đốc đã lên kế hoạch thanh lý lô máy móc cũ trong nhà máy với giá rẻ. Ông ta ước tính rằng giá tối thiểu là 500.000 USD. Trong quá trình thương lượng, một người mua đã phàn nàn về những lỗi của lô máy cũ kỳ này, nói rằng chúng đã lạc hậu, ngoại hình không đẹp, không có giá trị gì nhiều. Vị giám đốc nhà máy không nói gì, chỉ kiên nhẫn lắng nghe những phàn nàn của bên kia.

Cuối cùng, người mua không còn tìm được lời nào để chê trách nữa, bất ngờ ông ta nói: "Tôi chỉ có thể đưa cho anh nhiều nhất 800.000 USD cho lô máy này. Nếu nhiều hơn nữa, tôi thực sự không thể". Giám đốc rất vui mừng, lập tức bắt tay hợp tác. Giám đốc nhà máy, người giỏi im lặng, không cần nói một lời, đã dễ dàng kiếm thêm được 300.000 USD.

Người có giá trị nhất không nhất thiết phải là người có thể nói nhiều nhất. Biết lắng nghe là phẩm chất cơ bản nhất của một người trưởng thành. Khi nắm bắt được thời điểm và hiểu tình hình, im lặng tốt hơn ngàn lời nói.

3. Hiệu ứng võng mạc

Cuộc sống giống như một tấm gương. Nếu bạn khóc với nó, nó sẽ khóc với bạn; nếu bạn cười với nó, nó sẽ mỉm cười với bạn.

3 hiệu ứng tâm lý giúp đánh lừa não bộ, xoay chuyển tình huống khi gặp bế tắc - 3

(Ảnh: behance)

Ai cũng có thể từng trải qua những trải nghiệm tương tự trong cuộc đời. Chẳng hạn, bạn đắn đo mãi mới dám mua một đôi giày nên rất đắc ý, nhưng khi thấy bị đụng hàng thì liền cảm thấy thất vọng. Hoặc khi có khuyết điểm, bạn cảm thấy người khác dường như cũng có khuyết điểm này.

Hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng võng mạc" trong tâm lý học. Khi sở hữu thứ gì đó hoặc một đặc điểm nào đó, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến việc liệu người khác cũng sở hữu thứ đó hoặc đặc điểm đó giống mình hay không. 

Vì thế, chúng ta nên hình thành thói quen đánh giá cao và khẳng định bản thân. Một người có thể nhìn thấy ưu điểm của bản thân, dưới tác động của hiệu ứng võng mạc, cũng sẽ nhìn ra được ưu điểm của người khác. Có thể nhìn những người xung quanh với thái độ tích cực thường là điều kiện tiên quyết để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân.

Cersei(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn