3 cán bộ Hà Nội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước có thể bị hình phạt nào?

Pháp đìnhThứ Ba, 14/07/2020 16:53:00 +07:00
(VTC News) -

Theo luật sư, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước có thể đối mặt với hình phạt cao nhất 15 năm tù.

Ngày 13/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 nghi phạm về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hai trong ba người này là cán bộ UBND TP Hà Nội. 

Những người này gồm: Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).

3 cán bộ Hà Nội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước có thể bị hình phạt nào? - 1

Trụ sở UBND TP Hà Nội tối 13/7.

Trả lời PV VTC News, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 337 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. 

"Khoản 1 Điều 337 Bộ Luật hình sự quy định người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm", luật sư Bình nói. 

Theo luật sư Bình nếu hành vi chiếm đoạt bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa thì người phạm tội đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù. 

"Mức cao nhất mà người chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước có thể đến 10 đến 15 năm tù nếu Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Bí mật Nhà nước thuộc độ tuyệt mật; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ", luật sư Bình nói.

Ngoài ra, theo luật sư Bình, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

"Như vậy, hình phạt của tội chiếm đoạt bí mật Nhà nước từ 2-15 năm tù", luật sư Bình cho hay.

Theo luật sư Bình, tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính, bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực. Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước thể hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn