240 triệu người mắc viêm gan B

Sức khỏeThứ Sáu, 18/12/2015 08:46:00 +07:00

Viêm gan virus B (HBV) là vấn đề y tế mang tính chất toàn cầu, hiện nay có khoảng 240 triệu người trên thế giới mang HBV mạn tính.

Viêm gan virus B (HBV) là vấn đề y tế mang tính chất toàn cầu, hiện nay có khoảng 240 triệu người trên thế giới mang HBV mạn tính.

Việt Nam nằm trong vùng dịch lưu hành cao: có > 8% người nhiễm HBV mạn, khoảng 15-25% người nhiễm HBV mạn sẽ chết do xơ gan hay ung thư tế bào gan.

Trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp, viêm gan virus C cũng là vấn đề được xã hội quan tâm. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trên thế giới hiện có khoảng 170 triệu người nhiễm virus viêm gan C (HCV) và 3-4 triệu người mắc mới mỗi năm.
 

Tuy nhiên, người mang virus B, C nếu điều trị kịp thời sẽ ngăn ngừa gây bệnh gan, xơ gan, ung thư tế bào gan và tử vong,…Vì vậy, ngoài chẩn đoán và tiên lượng bệnh, điều trị thành công cho người bệnh luôn là vấn đề đặt ra với các bác sỹ lâm sàng.

Theo PGS. TS Trịnh Thị Ngọc, trước khi điều trị bệnh, thầy thuốc cần trả lời được các câu hỏi: Mục tiêu là gì? Điều trị cho ai? Điều trị bằng thuốc gì? Điều trị đến bao giờ?

PGS Ngọc cho biết: mục tiêu điều trị HBV là ngăn ngừa xơ gan, ung thư biểu mô tế gan và tử vong, còn mục tiêu điều trị HCV là làm sạch virus, ngừng tiến triển hoại tử, xơ gan và không còn triệu chứng bệnh.

Đối với viêm gan virus B, theo PGS Ngọc, tiêu chuẩn để điều trị khi bệnh nhân có mang virus viêm gan từ trên 6 tháng, HBV DNA > 2 x 104 IU/ml (105 copies/ml) với HBeAg (-) và từ 2 x103 - 2 x 104 IU/ml (104 – 105 copies/ml) với HBeAg (+), kèm theo tổn thương gan biểu thị men gan transaminase tăng cao trên 2 lần với bệnh nhân dưới 40 tuổi.

Bệnh nhân trên 40 tuổi có thể xem xét điều trị mặc dù men gan không tăng như gia đình có tiền sử ung thư gan hoặc sinh thiết gan có tổn thương hoặc Fbroscan mức độ F2 trở lên.

Hiện nay 3 thuốc ưu tiên sử dụng để điều trị là Entercavir, Tenofovir và peg- IFN, trong đó thuốc Peg-IFN là yếu tố tiên đoán cho đáp ứng bền vững, thực tiễn trị liệu đáp ứng khi dùng nồng độ HBsAg trong điều trị Peg-IFN.

Đối với viêm gan C, thuốc interferon có tác dụng rất tốt trong điều trị. Ngoài ra, còn có rất nhiều tiến bộ trong điều trị cho kết quả cao bằng sử dụng các loại thuốc uống không cần dùng Peg- IFN ở Mỹ hoặc các nước phát triển như Tây Âu. Tuy nhiên, giá thành để điều trị rất đắt có thể gần 2 tỷ cho đợt điều trị.

Trong quá trình điều trị, PGS. TS Ngọc còn mang đến hội nghị những lưu ý để ngừa sự kháng thuốc bằng cách dự phòng.

Việc này tránh những điều trị không cần thiết, bắt đầu điều trị thuốc kháng virus có tỷ lệ kháng thuốc thấp hoặc phối hợp thuốc, sử dụng thuốc thay thế khi không đáp ứng tiên phát và theo dõi bằng các xét nghiệm HBV DNA (PCR) 3-6 tháng/lần trong suốt thời gian điều trị, kiểm tra sự tuân thủ điều trị trong trường hợp có bùng phát virus, khẳng định kháng thuốc bằng xét nghiệm đột biến kháng thuốc.

Ngoài ra, PGS Ngọc khuyến cáo việc điều trị thất bại có thể liên quan đến người bệnh như không tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ, sự đề kháng bẩm sinh với thuốc interferon alfa, tác dụng phụ, ngưng điều trị, giảm liều thuốc, điều trị không liên tục trong một đợt điều trị, thời gian điều trị không đủ,…

Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị và kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ.


Thông tin trên được PGS. TS Trịnh Thị Ngọc - nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, phó chủ tịch hội gan mật Hà Nội báo cáo tại Hội nghị Tri ân khách hàng năm 2015 của Bệnh viện Đa khoa Medlatec tổ chức ngày 18/12/2015.

Tuấn Phong
Bình luận
vtcnews.vn