22 giáo viên bỗng mang nợ 512 triệu đồng không rõ nguyên nhân

Giáo dụcThứ Sáu, 20/04/2018 11:30:00 +07:00

Không gặp cán bộ ngân hàng, không ký trực tiếp thủ tục cấp thẻ, nhưng 22 giáo viên vẫn có thẻ tín dụng và tổng số nợ phát sinh lên đến hơn 512 triệu đồng.

Kế toán tuồn hồ sơ, bảng lương cho người lạ

22 giáo viên Trường trung học phổ thông Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội) bức xúc về việc không gặp cán bộ ngân hàng cũng không ký trực tiếp vào thủ tục mở thẻ tín dụng ngân hàng, nhưng lại có thẻ.

Đáng nói, dù chưa biết mặt mũi thẻ tín dụng ngân hàng mà mình đứng tên, nhưng số nợ phát sinh tổng số thẻ của 22 giáo viên là hơn nửa tỷ đồng. Số tiền mỗi thẻ dư nợ phát sinh từ chục triệu đến vài chục triệu đồng. 

Để tìm hiểu rõ thông tin, phóng viên đã về trường tìm hiểu sự việc và nhận thấy không ít thầy cô giáo đang lo ngại ngoài thẻ ngân hàng trên thì họ còn là con nợ của những tổ chức tín dụng nào nữa hay không.  

GDVN_giaovien_giaoducnetvn1

 Nhiều giáo viên Trường trung học phổ thông Lý Tử Tấn (Thường Tín, Hà Nội) bức xúc vì hồ sơ cá nhân, quyết định xếp hạng ngạch lương viên chức... cung cấp cho người lạ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Vũ Phương)

Trao đổi với phóng viên, một giáo viên cho biết: “Vào ngày 1/12/2017, tôi và nhiều giáo viên bất ngờ khi 2 cán bộ của một ngân hàng về xác minh, làm việc về danh sách 29 giáo viên có làm hồ sơ cấp thẻ tín dụng của ngân hàng này.

Đáng chú ý, trong đó có 22 người có thẻ phát sinh với tổng số dư nợ là trên 512 triệu đồng. Trong đó, người nào ít nhất là 9,5 triệu đồng, người nào nhiều lên đến hơn 69 triệu đồng số nợ phát sinh.

Chúng tôi quá bất ngờ và hoang mang không hiểu chuyện gì xảy ra, bản thân tôi và nhiều thầy cô giáo trong trường không tiếp xúc cũng như gặp cán bộ ngân hàng và càng không ký trực tiếp vào thủ tục làm thẻ thẻ tín dụng nào của ngân hàng nói trên.

Sự việc trên khiến chúng tôi vô cùng lo lắng và không yên tâm công việc giảng dạy, bởi số tiền nợ trong thẻ tín dụng bằng nhiều tháng lương của giáo viên. Đặc biệt, ngoài ngân hàng trên chúng tôi còn đứng tên bao nhiêu thẻ tín dụng của các ngân hàng khác nữa hay không”.

Trước vụ việc trên, 22 giáo viên trên đã báo cáo sự việc lên hiệu trưởng nhà trường và đề nghị làm rõ có hay không việc hồ sơ nhân thân, bảng lương của giáo viên bị kế toán nhà trường cung cấp cho người ngoài làm thẻ khống nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ít ngày sau, Ban giám hiệu nhà trường đã triệu tập cuộc họp với 22 giáo viên nằm trong danh sách mở thẻ và có nợ ngân hàng phát sinh và có đưa ra hướng xử lý đối với cán bộ nhà trường sai đến đâu xử lý đến đó.

Một giáo viên khác cũng bức xúc cho biết: “Vào ngày 5/12/2017, 22 giáo viên đã họp riêng và cùng ký vào đơn gửi đến các cơ quan chức năng như Công an huyện Thường Tín, Công an Thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội… để điều tra làm rõ.  

Trong danh sách 22 người có họp mặt đầy đủ và thống nhất gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, trong đó có 14 người ký vào đơn vì một số giáo viên bận việc không dự họp đến cuối được.

Giáo viên này cũng cho biết thêm:  “Bà Đào Thị Hường là kế toán của trường đã thừa nhận trong cuộc họp với chúng tôi do hiệu trưởng chủ trì là có cho một người lạ tên Hoa (là bạn của một giáo viên trong trường) đến chụp ảnh bảng lương, hồ sơ của chúng tôi.

Sáng 13/12, đại diện giáo viên, Đào Thị Hường (kế toán nhà trường) cùng làm việc với đại diện ngân hàng. Họ thông báo vụ việc đã được giải quyết. Tức là người tên Hoa đứng ra làm thẻ cho 22 giáo viên và làm phát sinh nợ 512 triệu đồng đã trả lại ngân hàng toàn bộ số tiền.

Giáo viên cũng chỉ được thông báo bà Hoa đứng ra làm thẻ cho 22 giáo viên tại chi nhánh ngân hàng nói trên, còn bà Hoa lấy hồ sơ ở đâu thì chúng tôi không được biết.

Chiều cùng ngày, ông Phùng Văn Tần – Hiệu trưởng nhà trường lại yêu cầu 22 giáo viên họp và thông báo các thầy cô giáo không mất gì và đề nghị giáo viên ký vào biên bản làm việc là cam kết không khiếu kiện, gửi đơn về vụ việc. Tuy nhiên, cả 22 giáo viên đã không đồng ý ký vào biên bản.

GDVN_lytutan_giaoducnetvn2

 Biên bản làm việc đại diện một số giáo viên, hiệu trưởng và đại diện ngân hàng có yêu cầu giáo viên cam kết không khiếu kiện khiếu nại về vụ việc. (Ảnh: NVCC)

Chúng tôi không ký vì vấn đề không thể đơn giản như vậy. Quyền lợi giáo viên bị xâm hại, vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải được làm rõ, cũng như ai cung cấp hồ sơ cho bà Hoa đứng ra làm thẻ cho chúng tôi mà chúng tôi không hề hay biết”.

Các giáo viên trên cũng cung cấp cho phóng viên thông tin từ ngân hàng cho biết về việc bà Hoa làm thẻ cho 29 giáo viên và cán bộ Trường trung học phổ thông Lý Tử Tấn ra sao.

Theo đó, khoảng tháng 9/2017, bà Hoa liên hệ với cán bộ tín dụng của ngân hàng giới thiệu là được các thầy cô giáo, cán bộ của Trường trung học phổ thông Lý Tử Tấn nhờ làm các thủ tục để mở thẻ tín dụng tại ngân hàng.

Bà Hoa có cung cấp hồ sơ, thông tin của số giáo viên và cán bộ nhà trường đang có nhu cầu mở thẻ gồm: Các giấy tờ về nhân thân, hợp đồng lao động,  Quyết định xếp ngạch viên chức, sao kê bảng lương, số điện thoại để liên hệ… và thông tin của kế toán, văn thư của trường.

Giáo viên bị nhắn tin đe dọa từ số máy lạ

Theo một giáo viên theo đuổi vụ việc đặt nghi vấn, kế toán, văn thư nhà trường không cung cấp cho người lạ thì ai có có hợp đồng, giấy tờ về thân nhân, quyết định xếp hạng ngạnh của giáo viên để đối tượng lạ làm thẻ tín dụng cho nhiều giáo viên cùng một thời điểm.

Giáo viên này cũng chia sẻ với phóng viên: “Đến thời điểm này chỉ còn ít giáo viên tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng vì có giáo viên bị dọa, tác động từ ban giám hiệu nhà trường nên bỏ cuộc.

Thậm chí, không ít thầy cô giáo còn thường xuyên bị số máy lạ nhắn tin đến với nội dung đe dọa, thách thức và chửi rất bậy bạ nếu tiếp tục gửi đơn về vụ việc.

Bởi vậy, một số giáo viên luôn trong tình trạng bất an, lo sợ và lo lắng về công việc của mình nên đã không dám ký đơn”.

Đáng nói khi sự việc xảy ra, quyền lợi, lợi ích của 22 thầy cô giáo đang giảng dạy tại trường đã bị xâm hại nghiêm trọng, ông Phùng Văn Tần – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lý Tử Tấn đã nhiều lần triệu tập cuộc họp nhằm “khuyên” các thầy cô không kiện tụng, không rùm beng vấn đề làm ảnh hưởng đến nhà trường.

Thay vì động viên, khuyến kích giáo viên chống lại tiêu cực, tố giác tội phạm, vị hiệu trưởng lại thường xuyên “vỗ vai” giáo viên không nên kiện tụng và gửi đơn. Nếu giáo viên không nghe thì “đừng trách”.

Câu hỏi đặt ra là ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Lý Tử Tấn có dấu hiệu ỉm vụ việc đi nhằm mục đích gì?

Giấy tờ, quyết định xếp hạng ngạch viên chức của giáo viên được cung cấp cho người lạ có liên quan đến ban giám hiệu hay chỉ bộ phận kế toán, văn thư?

Trong câu chuyện này ai hưởng lợi từ 22 thẻ tín dụng của giáo viên đã bị phát sinh nợ hơn 512 triệu đồng?

(Nguồn: giaoduc.net.vn)
Bình luận
vtcnews.vn